Bí quyết giúp Việt Nam đạt được khát vọng thu nhập cao

Hoài An - 11:28, 29/04/2022

TheLEADERCác chính sách tài khóa, cải thiện giáo dục đại học, và an sinh xã hội là chìa khóa để Việt Nam đạt được khát vọng trong phát triển.

Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010 – 2020 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả, và có sự dịch chuyển khỏi nông nghiệp, dù bất bình đẳng tăng nhẹ trong nửa sau của giai đoạn mười năm vừa qua, World Bank (Ngân hàng Thế giới) cho biết trong báo cáo mới nhất.

Cụ thể, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ nghèo (theo chuẩn của World Bank đối với các nước có thu nhập trung bình thấp là 3,20 USD/ngày) đã giảm từ 16,8% xuống 5%, nghĩa là 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, trong nửa sau của thập kỷ qua, tăng trưởng tiêu dùng của các hộ giàu đạt tốc độ nhanh hơn so với của các hộ nghèo, dẫn đến tăng bất bình đẳng.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi tiến bộ đạt được trong giảm nghèo và bất bình đẳng vốn sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam cần đảm bảo rằng có các đường hướng dịch chuyển kinh tế bền vững, nhằm thực hiện khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng trong hai thập kỷ tới.

Thực tế cho thấy, trong nửa thế kỷ qua, chỉ một số ít nền kinh tế đang phát triển đã thành công trong bước nhảy vọt lên vị thế thu nhập cao, và một phần dựa vào chuyển đổi cơ cấu liên tục để chuyển sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn và hiện đại hơn.

Cùng với đó, người dân tại các khu vực này có trình độ học vấn và kỹ năng để sẵn sàng đảm nhận những công việc phức tạp hơn nhưng đem lại năng suất cao hơn, bên cạnh khả năng quản lý rủi ro hiệu quả. Ngoài phát triển nền kinh tế, điều này còn tạo điều kiện bao trùm để các hộ gia đình vươn lên đồng đều về kinh tế.

Các yếu tố then chốt

World Bank nhấn mạnh để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc hình thành vốn con người mang tính công bằng và tăng năng suất lao động là chìa khóa quan trọng.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,7% hàng năm – điều kiện cần để Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần phải tăng từ 5,3% – mức cao nhất trong ba thập kỷ qua được ghi nhận trong giai đoạn từ 2012 đến 2018 – lên 6,6%.

World Bank lưu ý Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong chuyển đổi sang việc làm với kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động.

Đặc điểm chính của thị trường lao động là các ngành nghề có kỹ năng cao lại có tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ phi chính thức cao và lực lượng lao động già hóa. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước quan trọng, World Bank nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ dễ tổn thương mới, đòi hỏi phải có các hệ thống an sinh xã hội tiên tiến hơn.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, nhưng một bộ phận dân số đáng kể vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế.

Trong khi đó, mức độ bao phủ trợ giúp xã hội của Việt Nam thấp hơn nhiều nước láng giềng Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam sẽ cần cung cấp sự trợ giúp xã hội có hiệu quả hơn cho các hộ gia đình nghèo thông qua tăng mức độ bao phủ và mức phúc lợi, tăng tổng mức chi, đồng thời hợp nhất các chương trình phân tán hiện nay để đạt hiệu quả cao hơn.

Một hệ thống hỗ trợ linh hoạt và phù hợp hơn trong cả trợ giúp và bảo hiểm xã hội sẽ giúp cải thiện hiệu quả, bao gồm thu thập và sử dụng dữ liệu tốt hơn để xác định đối tượng khó khăn và tình trạng thay đổi theo thời gian, áp dụng các hệ thống thanh toán số để chi trả nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tiếp cận đúng người và đúng thời điểm có nhu cầu.

Cuối cùng, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam tiến tới vị thế thu nhập cao một cách toàn diện, World Bank nhấn mạnh.

Mở rộng nguồn thu ngân sách, nghiên cứu các sắc thuế mới có thể hạn chế các hoạt động không mong muốn và tăng thu, đồng thời loại bỏ các khoản trợ cấp kém hiệu quả có thể giúp tài trợ cho các khoản đầu tư công cần thiết để xóa bỏ đói nghèo, và phát triển tầng lớp trung lưu an toàn về kinh tế.

Chính sách cần có mục tiêu kép để vừa xử lý những thách thức về tình trạng nghèo kinh niên trong chặng đường cuối, vừa đặt nền tảng cho chặng đường kế tiếp để hoàn thành khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và thu nhập cao.

“Những thách thức đó có trở thành nỗi đau ngày càng lớn trong ngắn hạn, hay rào cản dài hạn trong lộ trình nâng cao phúc lợi của các hộ gia đình ở Việt Nam hay không, sẽ phụ thuộc vào sự ưu tiên và hành động chính sách”, World Bank đặt vấn đề.