Tiêu điểm
Bí tiền, hàng loạt doanh nghiệp sa thải lao động
Áp lực của việc đảm bảo dòng tiền trong bối cảnh lượng tiền thực ngày càng mỏng, lại vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, các khoản tiền thuế, phí khiến doanh nghiệp hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm mạnh lao động vì đợt dịch Covid-19 thứ hai.
Doanh nghiệp dưới làn sóng Covid-19 lần hai
Kết quả khảo sát lần ba từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy tác động của sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần hai đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn. 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, chiến tới 81% câu trả lời.
Đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%) cũng như trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%) là những gánh nặng lớn tiếp theo đè lên doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số hiệp hội còn đặc biệt chỉ ra khó khăn liên quan đến việc trả tiền thuê đất cho Nhà nước. So với năm 2019, tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất khiến các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn như doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà xưởng, thuê đất đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến hoặc kinh doanh khách sạn phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục phần trăm tới vài trăm phần trăm.
Ban IV nhận định đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp bởi bối cảnh hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh hoặc không có, nhiều ngành như du lịch thì hoạt động thậm chí đang “đóng băng”.
Theo kết quả khảo sát, có tới 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi, trong đó hơn một nửa doanh nghiệp có dòng tiền vào chỉ đáp ứng đưới 50% chi phí. Chỉ 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền đáp ứng trên 75% chi phí.
Do vậy, cân đối được dòng tiền với chi phí của doanh nghiệp là bài toán lớn nhất hiện nay. Doanh nghiệp có dòng tiền đáp ứng trên chi phí càng thấp thì mức độ tổn thương do dịch bệnh kéo dài hoặc nguy cơ phá sản càng cao.
“Trong bối cảnh hiện nay, Covid-19 gây thiệt hại trên diện rộng các ngành và mọi quốc gia, nhiều doanh nghiệp phá sản, các chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường khủng hoảng và sụt giảm nặng nề sức mua… dẫn tới nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán hoặc chậm trễ thanh toán dù đã nhận hàng. Vấn đề này tác động trực tiếp đến dòng tiền vào của các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng cũng như các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trung gian/liên qua. Điều này gây ra “áp lực kép” cho doanh nghiệp bởi vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên, nhiên liệu, chi nhân công”, Ban IV phân tích trong báo cáo.
Những khó khăn trên đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phải dừng hoạt động hoặc tiến hành giải thể.
Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM ước khoảng 20% doanh nghiệp thành viên phải tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh. Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam ước khoảng 2% doanh nghiệp thành viên tạm dừng hoạt động. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết khoảng 20% thành viên, tương đương khoảng 1.600 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 10% doanh nghiệp giải thể.
Ban IV cho rằng số lượng doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động kinh doanh trong các tháng tiếp theo của năm 2020 sẽ tăng mạnh bởi đợt bùng phát dịch lần hai diễn ra ở thời điểm cận cuối tháng 7, đầu tháng 8. Đồng thời, nếu số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không cơ cấu lại được hoạt động sản xuất, kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài thì dự báo số lượng doanh nghiệp chờ giải thể có thể tăng cao tương ứng khoảng 40% vào các tháng cuối năm và đầu năm tới.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai đã khiến hơn 47% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm tới 1/3 số doanh nghiệp trả lời.
Ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% còn con số của những doanh nghiệp du lịch lớn trung bình ở khoảng 40 – 50%.
Theo ý kiến của doanh nghiệp và đại diện nhiều hiệp hội, các doanh nghiệp tồn tại đến thời điểm này đã là nỗ lực cực kỳ lớn nhưng nỗ lực bỏ ra để giữ người lao động, đặc biệt là bộ máy lao động chủ chốt, các quản lý cấp trung và những lao động lành nghề còn lớn hơn nữa.
Các chủ doanh nghiệp thấy rõ chi phí cơ hội của việc sa thải hàng loạt nhân sự và chi phí tuyển dụng lại rất cao nên đã đồng thời áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Tuy nhiên, áp lực của việc đảm bảo dòng tiền trong bối cảnh lượng tiền thực của doanh nghiệp ngày càng mỏng, lại vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, các khoản tiền thuế, phí khiến doanh nghiệp hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài cắt giảm mạnh lao động.
Các khuyến nghị chính sách
Hầu hết doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất với Chính phủ việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong vòng 6 – 12 tháng tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động, đồng thời cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý, đẩy mạnh trực tuyến quá trình này để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận chính sách thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Ban IV cho biết một vấn đề hết sức đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới.
Doanh nghiệp cho biết còn khó tiếp cận các chính sách bởi nhiều điều kiện chưa hợp lý, mất nhiều thời gian chờ đợi. “Họ không còn hào hứng đưa ra giải pháp, kiến nghị cho Chính phủ và thậm chí đại diện một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng vì “kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi”. Đây cũng là một phần hệ luỵ của việc nhiều doanh nghiệp hiện đang chịu thiệt hại nặng bởi dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định tương lai khiến góc nhìn của doanh nghiệp có xu hướng tiêu cực hơn”, Ban IV chỉ rõ.
Do đó, Ban IV đề xuất chính sách Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu.
Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và đổ vỡ thì nên hướng tới những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cụ thể, đề xuất Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021.
Đối với thuế giá trị gia tăng, Ban IV đề xuất giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.
Đối với các chính sách mảng tín dụng, đề xuất ngân hàng xem xét, mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay.
Doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp logistics mong muốn được áp dụng mức giá điện như ngành sản xuất thay vì giá điện dịch vụ như hiện nay trong bối cảnh ngành điện chưa ban hành khung giá điện mới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi qua dịch, cắt giảm chi phí logistics đang là vấn đề “kém cạnh tranh của Việt Nam”.
Cuối cùng, các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất Chính phủ cân đối ngân sách và điều chỉnh mục tiêu thu, chi ngân sách nhà nước. Các địa phương hiện nay vẫn theo đuổi mục tiêu thu ngân sách phải bù chi và thu phải đạt dự toán dẫn tới tình trạng doanh nghiệp có thể bị tận thu thông qua tiền thuê đất, các khoản phí, thuế hoặc chịu nhiều đợt thanh, kiểm tra để rà soát tăng thu ngân sách nhà nước.
“Cách làm này khiến khó khăn của doanh nghiệp ngày càng chồng chất và sẽ khiến nền kinh tế chịu nhiều hậu quả khó khắc phục trong những năm tới", Ban IV nhấn mạnh.
Sóng Covid-19 lần hai xói mòn niềm tin về triển vọng ngành sản xuất
Chưa xóa bù chéo giá điện và không hợp thức hóa sai phạm
Chưa xóa ngay bù chéo giá điện, không hợp thức hóa sai phạm các dự án, là một số nội dung đáng chú ý trong Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được thông qua.
Xây cầu nối đưa hàng Việt lên bàn ăn thế giới
Hàng Việt sẽ bứt phá thế nào trong bối cảnh nền kinh tế số bùng nổ và lĩnh vực thương mại điện tử trở thành một trong những trụ cột quan trọng tại Việt Nam?
Đất hiếm, vonfram, quặng bô-xít vào tầm ngắm thanh tra
Chuẩn bị thanh tra việc quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram, bô-xít tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và một số doanh nghiệp.
Tập đoàn TH 'cứu' san hô ở Vườn Quốc gia Cát Bà
Với sự tài trợ của Tập đoàn TH, 23 phao neo đã được thả tại Vườn Quốc gia Cát Bà, với tổng diện tích gần 34ha mặt biển được khoanh vùng bảo vệ.
Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 2025
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025 với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô, di sản văn hóa.
Vietnam Airlines được phép tăng vốn thêm 22.000 tỷ đồng
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngành điện cần thêm hàng tỷ USD để phục vụ sạc xe điện
Nhu cầu sạc xe điện sẽ gia tăng áp lực lên sản lượng điện và công suất truyền tải, đòi hỏi Việt Nam phải tăng đầu tư cho ngành điện để đáp ứng.