Biến rơm rạ thành đầu vào cho nông nghiệp tuần hoàn

Phạm Sơn - 12:00, 14/06/2021

TheLEADERTheo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa không chỉ gây nhiều hệ lụy đến môi trường mà còn đang lãng phí nguồn nguyên liệu đầu vào có giá trị cao.

Biến rơm rạ thành đầu vào cho nông nghiệp tuần hoàn
Đốt rơm rạ vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa phí phạm nguồn nguyên liệu có giá trị cho sản xuất. Ảnh: VnExpress.

Mỗi đợt thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại tiếp tục tái diễn tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền Bắc.

Đốt rơm rạ là một “tập tục” phổ biến của người nông dân Việt Nam, gắn liền với suy nghĩ “đốt để diệt mầm cỏ, mầm sâu bệnh”, đồng thời giải phóng diện tích ruộng, chuẩn bị cho vụ canh tác tiếp theo.

Tuy nhiên, những tác hại từ việc đốt rơm rạ đều có thể được cảm nhận một cách dễ dàng, chẳng cần đến chuyên gia hay nghiên cứu khoa học nào chỉ ra. Cụ thể, việc đốt rơm rạ khiến đất bị chai cứng, giết chết vi sinh vật trong đất, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Khói bụi từ rơm rạ bị đốt còn tạo ra lượng khói bụi mù mịt, cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.

Để hạn chế hiện tượng đốt rơm rạ, nhiều nhóm giải pháp đã được Chính phủ cũng như các cơ quan, tổ chức thực hiện như ban hành chính sách, hỗ trợ bà con xử lý rơm rạ. Nhờ đó, tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Giải pháp đưa rơm rạ vào chuỗi cung ứng tuần hoàn

Theo bà Nguyễn Thị Yên, chuyên gia thuộc Phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rơm rạ còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Những dưỡng chất này hầu như bị phân hủy hoàn toàn sau quá trình đốt, trái với suy nghĩ “dùng tro rơm rạ để bón ruộng” của bà con nông dân.

Để hỗ trợ người nông dân xử lý hiệu quả rơm rạ, tránh hiện tượng đốt bỏ, bà Yên cùng nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa ra giải pháp dùng vi sinh để ủ rơm rạ thành phân bón.

Theo đó, việc đưa phân vi sinh vào rơm giúp bổ sung lượng vi sinh có lợi vào trong đất, hạn chế được mầm bệnh và vi sinh gây hại, đồng thời biến rơm rạ thành loại phân hữu cơ đầy đủ dinh dưỡng, có lợi cho canh tác.

Phương pháp sử dụng vi sinh có thể được thực hiện ngay tại cánh đồng, chỉ cần khoảng 0,5kg vi sinh cho diện tích 3 sào ruộng, qua đó tiết kiệm chi phí cũng như nhân lực, dễ dàng ứng dụng trong thực tế.

Thông qua thực nghiệm trên nhiều địa phương, tiến hành ủ phân bằng vi sinh giúp tiết giảm được 30% lượng phân bón, giảm lượng thuốc báo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nông sản.

Như vậy, sáng kiến này ngoài việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp, còn có thể góp phần giúp chuẩn hóa quy trình canh tác, tạo ra luồng nông sản sạch, có sức cạnh tranh cao, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường.

Bên cạnh ủ thành phân bón, rơm rạ có có thể sử dụng làm đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi hay làm đệm lót cho hàng hóa.

Thực tế, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ, rơm rạ đã trở thành một loại hàng hóa được buôn bán phổ biến, tạo ra thu nhập cho nông dân.

Để hỗ trợ người nông dân thu gom, vận chuyển rơm rạ một cách hiệu quả, ông Nguyễn Tường Hưng, Giám đốc công ty TNHH Máy Phố Hiến giới thiệu giải pháp sử dụng máy thu cuốn rơm.

Máy thu cuốn rơm là thiết bị có thể được gắn với máy cày, có thể cuốn rơm thành từng bó gọn với tốc độ nhanh. Qua đó, rơm có thể dễ dàng vận chuyển, dự trữ để sử dụng.

Hiện tại, công ty Máy Phố Hiến triển khai giải pháp máy thu cuốn rơm bằng cách trả tiền cho người nông dân để thu gom rơm trên đồng ruộng hoặc bán máy và chuyển giao kỹ thuật sử dụng máy cho người nông dân.