Cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước đang nổi lên tại Việt Nam

Nhã Nam - 17:06, 31/05/2019

TheLEADERThủy điện, nhu cầu đô thị và giao thông đường thủy đang bắt đầu cạnh tranh sử dụng nước với ngành nông nghiệp.

Cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước đang nổi lên tại Việt Nam
Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, những thách thức mới đã xuất hiện sau quá trình phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây. 

Một trong những điều đó đến từ nguồn tài nguyên nước, tưởng chừng như vô tận tại các đô thị lớn. 

Tuy nhiên, sự dồi dào về nguồn nước là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hơn 7.500 đập đã lưu trữ và chuyển nước tới hàng ngàn công trình thủy lợi, giúp Việt Nam trở thành một trong những vựa lúa của thế giới. Ngoài ra, thủy điện chiếm khoảng 40% điện năng quốc gia.

Theo báo cáo Nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới với chủ đề ‘Việt Nam – Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn’ vừa công bố, mặc dù có nguồn cung nước dồi dào song tài nguyên nước của Việt Nam đã xuất hiện tình trạng căng thẳng, rủi ro lớn và gia tăng cả về số lượng và chất lượng nước.

Chính quá trình phát triển nhanh của nền kinh tế đã bắt đầu tạo sức ép tới nguồn tài nguyên này. Hiện đang có khoảng cách giữa mức độ sẵn có của nước và nhu cầu sử dụng nước của người dân và nền kinh tế Việt Nam. Cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước đang nổi lên.

Thủy điện, nhu cầu đô thị và giao thông đường thủy đang bắt đầu cạnh tranh sử dụng nước với ngành nông nghiệp.

Trong khi thực trạng nguồn nước đang đối mặt với rủi ro như thế, thì hiện khoảng cách giữa những đóng góp tiềm năng và đóng góp thực tế của tài nguyên nước cho nền kinh tế ngày càng lớn.

Đặc biệt trong nông nghiệp, dư địa để gia tăng hiệu quả là rất lớn, tức là ‘tăng giá trị trên mỗi đơn vị nước’ và do đó đây là nhu cầu cấp bách để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Theo Ngân hàng Thế giới, trên 90% lượng nước hiện đang được sử dụng để tưới tiêu và và nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước. Cứ mỗi mét khối nước được sử dụng, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD cao hơn gần 10 lần.

Trong khi đó, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và chất thải rắn đang làm tắc nghẽn dòng nước. Một số dòng sông nằm trong và bao bọc quanh các đô thị lớn đang bị ô nhiễm.

Báo cáo chỉ ra rằng ước tính đến cuối năm 2018, các nhà máy xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý khoảng 71% nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được đấu nối với hệ thống thoát nước và chỉ có 12,5% nước thải đô thị được xử lý.

Mặt khác, nước biển dâng và dòng chảy của sông suy giảm dẫn tới tình trạng nước biển chảy mạnh hơn vào các cửa sông và thâm nhập vào nước ngầm. Ở một số khu vực, việc khai thác nước ngầm tự phát không được kiểm soát đã làm cạn kiệt các tầng chứa nước và dẫn đến sụt lún đất.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai - Sài Gòn, sông Thị Vải, sông Bé, sông Vàm Cỏ… tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. 

Mức độ gia tăng của các mối hiểm họa liên quan đến nước, đặc biệt là lũ lụt và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có thể khiến GDP giảm đi khoảng 6%/năm vào năm 2035.

'Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận là quốc gia giàu về tài nguyên nước'

Trong khi đó, phần lớn lượng nước ở Việt Nam dựa vào dòng chảy đến từ bên ngoài lãnh thổ, chỉ có hai lưu vực trong số 8 lưu vực chính hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, 2/3 lượng dòng chảy vào Việt Nam bắt nguồn từ các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn.

Cạnh tranh giữa các nhu cầu sử dụng nước đang nổi lên tại Việt Nam
Thủy điện chiếm khoảng 40% điện năng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi, bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. 

Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế.

Bên cạnh đó dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ. Mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào khoảng thời gian này.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

"Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng chúng ta là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Xét về góc độ quản lý, theo Bộ trưởng, thể chế quản lý tài nguyên nước còn bất cập do nhiều Bộ, ngành cùng quản lý. Chính sự phân mảnh, cắt khúc ở nhiều cơ quan khiến cho việc quản lý tài nguyên nước còn chồng chéo, chưa thống nhất, không tập trung được nguồn lực, chi phí quản lý lớn nhưng hiệu quả lại không cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa hình thành được bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước. 

“Đơn cử như ở Tây Nguyên là vùng đất trồng nhiều loại cây như điều, cà phê, hồ tiêu. Đây là những loài cây cần nhiều nước tưới, nhưng Tây Nguyên lại là vùng khan hiếm nước. Việc hạn hán thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho trồng trọt; nước ngầm vì thế sụt giảm”, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Ngân hàng Thế giới có đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc cần phải nâng cao hiệu quả tham gia của khu vực tư nhân. Việt Nam sẽ cần khoảng 12,4 triệu đến 18,6 triệu USD/ ngày vào năm 2030 để xử lý nước thải, tức là 5-6 tỷ USD/ năm. 

Trong bối cảnh eo hẹp về ngân sách, cần cải thiện việc phân bổ nguồn lực tài chính, tăng cường thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân nhiều hơn, đồng thời gắn các biện pháp ưu đãi với các mục tiêu chính sách chặt chẽ hơn. 

Thêm nữa, giá trị của nước cần phải được đánh giá đúng đắn. Chúng ra nên bắt đầu nghĩ tới những cách thức để nắm bắt được các giá trị kinh tế và tiện nghi mà nước có thể mang lại.