Bộ Tài nguyên và môi trường phản hồi ý kiến kêu khó của doanh nghiệp về Luật mới

Phạm Sơn - 10:37, 24/09/2021

TheLEADERTrước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào hiệu lực, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan ngại về việc các quy định mới của luật sẽ tạo thêm áp lực, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang “dở sống dở chết” vì đại dịch Covid-19.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, doanh nghiệp thủy sản như “đang ngồi trên đống lửa” với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nay lại thêm lo vì quy định các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên đã phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo VASEP, doanh nghiệp phải mất cả tỷ đồng để lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, mất hàng chục triệu đồng mỗi tháng để vận hành hệ thống, trong khi kết quả quan trắc không chính xác, ít hiệu quả trong kiểm soát ô nhiễm.

Trước đó, một số hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp cũng bày tỏ quan ngại về quy định trách nhiệm thu gom, tái chế hoặc đóng góp tài chính cho hoạt động thu gom, tái chế, hay còn gọi là công cụ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) cũng gây ra áp lực tài chính lên doanh nghiệp, trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiếp nhận những phản ánh và có một số phản hồi tới cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, trong bản dự thảo nghị định gửi cho Bộ Tư pháp ngày 16/9 vừa qua, một số quy định đã được sửa đổi dựa trên ý kiến đóng góp từ các bên liên quan.

Cụ thể, dự thảo nghị định đã giảm bớt đi 18 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc xin cấp giấy phép môi trường, không phải xin nhiều loại giấy phép đơn lẻ.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng đã được chỉnh lý một số vấn đề dựa trên việc cân nhắc tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, bao gồm lùi thời gian hoàn tất lắp hệ thống quan trắc tự động, liên tục tới hết năm 2024; miễn quan trắc định kỳ đối với các trường hợp doanh nghiệp xả khí thải, bụi thải từ 50.000 đến 100.000 m3/h đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc liên tục…

Đối với khoản đóng góp theo công cụ EPR, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đây là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với rác thải phát sinh từ sản phẩm của doanh nghiệp, không phải thuế, phí hay lệ phí.

Khoản đóng góp này không phải là bắt buộc, chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp không tự thực hiện tái chế theo quy định và sẽ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động tái chế. Vì vậy, doanh nghiệp không thể coi đây là gánh nặng tài chính.

Hiện tại, dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trước khi trình Chính phủ xem xét và ban hành.