Bội chi ngân sách tăng cao do chi tiêu sai quy định

An Chi - 17:57, 28/05/2020

TheLEADERTheo Kiểm toán Nhà nước, sai phạm trong thu chi, kế hoạch phân bổ vốn chính là nguyên nhân khiến chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao trong nhiều năm qua.

Bội chi ngân sách tăng cao do chi tiêu sai quy định
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Ảnh: Quochoi.vn

Bội chi ngân sách lớn

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 trước Quốc Hội chiều 28/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017. 

Dự toán chi ngân sách đạt 1.523.200 tỷ đồng, bội chi 204.000 tỉ đồng. Trong đó, quyết toán 1.435.435 tỷ đồng, bằng 94,2% dự toán giao. Quyết toán chi đầu tư phát triển bằng 27,4% tổng chi ngân sách nhà nước.

Quyết toán chi thường xuyên giảm 4,4% so với dự toán, bằng 64,9% tổng số chi ngân sách. Mức chi này vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 (dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước).

Nguyên nhân của thực trạng này được kết quả kiểm toán chỉ ra là do Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên. Bộ này đã giao vốn dự phòng ngân sách trung ương hỗ trợ cho một số dự án chưa phù hợp quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. 

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục chi ngay từ đầu năm. Nhiều cơ quan phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.

Theo số liệu thống kê, 15/45 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi. 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi; tạm ứng sai quy định; ngân sách địa phương tạm ứng từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các địa phương theo tiêu chí dân số không phù hợp. Điều này đã dẫn đến việc xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho các địa phương trên cơ sở trên cơ sở quỹ lương không đảm bảo tính công bằng, khách quan (không có hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định quỹ lương thay thế cho tiêu chí dân số).

Bộ này cũng xác định lương cho giáo viên mầm non được các địa phương hợp đồng trong cơ cấu chi thường xuyên để xác định số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho một số địa phương không thuộc tiêu chí bổ sung theo quy định, không phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ và không đảm bảo tính thống nhất trong xác định bổ sung cân đối cho các địa phương.

Áp lực nợ công tăng cao

Đặc biệt, người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, dư nợ công đến 31/12/2018 bằng 58,3% GDP thực hiện. Nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP. Dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, không trả nợ đúng hạn, để quá hạn, phải khoanh nợ. Năm 2018 đã phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 02 dự án Chính phủ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán.

Qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này. Trong đó, nổi bật là cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án. 

Nhiều dự án không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công. Công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. 

Hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013. Việc xác định đơn giá đất tại nhiều dự án cũng còn tồn tại, bất cập.

Bên cạnh đó, công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện. 

Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội. Hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA.