Bốn định hướng lớn trong ngoại giao kinh tế thời gian tới

Nhật Hạ - 11:48, 03/04/2024

TheLEADERThủ tướng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024.

Tại hội nghị với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ bốn định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới.

Đầu tiên, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Các cơ quan đại diện cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.

Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).

Các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp và các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cần được khai thác tối đa tiềm năng. Mặt khác, các cơ quan đại diện đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Bốn định hướng lớn trong ngoại giao kinh tế thời gian tới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 2/4. Ảnh: Nhật Bắc

Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về cam kết của Chính phủ đảm bảo môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan đại diện tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp….

Đồng thời, Diễn đàn Trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới được tổ chức thiết thực và hiệu quả để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024.

Các hoạt động ngoại giao năm nay mang tinh thần đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững.

Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như gạo đang tốt, chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển bền vững; vừa phải lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn; vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý, không "ăn xổi ở thì".

"Càng lúc này, các mặt hàng Việt Nam càng phải củng cố vị thế, uy tín", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng các cơ quan với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thị trường nông sản để biến "sản phẩm" thành "thương phẩm", thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mạnh từ tư duy "buôn chuyến" sang làm ăn đường dài hơn.

Về lĩnh vực bán dẫn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin cho biết qua làm việc, nhiều đối tác nước ngoài nhận định "Việt Nam là quốc gia được chọn và nguồn nhân lực Việt Nam được chọn" để tham gia hệ sinh thái bán dẫn của thế giới.

Theo ông, điều này là do Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó có gần 500 nghìn kỹ sư phần mềm, sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Ngành bán dẫn và công nghệ thông tin trên toàn cầu đang thiếu hụt nguồn lực, vì hầu hết thanh niên ở các nước mạnh về bán dẫn đang tập trung cho các lĩnh vực khác như tài chính, logistics… Mặt khác, lĩnh vực AI, bán dẫn, chip sẽ là xu hướng của tương lai.

Ông đề xuất "ngoại giao tổng lực" cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh kết nối với các trường đại học nước ngoài để chuyển giao chương trình, đào tạo nhân lực; xây dựng chính sách thu hút FDI bán dẫn; đẩy mạnh truyền thông hình ảnh Vệt Nam gắn với ngành bán dẫn.