Thế giới đang chọn Việt Nam làm chip bán dẫn

Việt Hưng - 10:54, 09/03/2024

TheLEADERNếu giải quyết được bài toán nhân lực công nghệ cao, Việt Nam sẽ có cơ hội bước vào ngành công nghiệp bán dẫn, với sự ủng hộ từ nhiều quốc gia, tổ chức, đối tác như: Nvidia, Qualcomm, Amkor...

Trong buổi gặp gỡ do Hội Tin học Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ quyết tâm ban hành chiến lược quốc gia về bán dẫn trong tháng 6 năm nay.

Theo bộ trưởng, chiến lược này đã được chủ trì soạn thảo trong năm 2023, với mục tiêu Việt Nam có 50.000 kỹ sư thiết kế, hàng trăm nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật trong các ngành liên quan, đưa Việt Nam đến 2030 trở thành một trung tâm về công nghiệp bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử.

Từ mục tiêu này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái chip bán dẫn Việt Nam, hợp tác quốc tế.

Về nhân lực cho ngành bán dẫn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Làm thế nào để có nhân lực? Quan trọng là phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học".

Ông lấy ví dụ ở Trung Quốc, mỗi khoa hợp tác với một doanh nghiệp trong ngành, họ dạy một năm, doanh nghiệp dạy ba năm. Khi sinh viên ra trường, doanh nghiệp sử dụng ít nhất một nửa nguồn nhân lực.

Thế giới đang chọn Việt Nam làm chip bán dẫn
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: VGP

Về phía Tập đoàn FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đồng tình về thực trạng nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn cầu. Theo ông Bình, các quốc gia khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip.

Nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư Việt có thể chuyển đổi trong vòng 3 tháng, sau đó chia nhỏ việc để vừa học vừa làm. Với cách nghĩ này, ông Bình kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cùng chuyển sang thiết kế chip.

"Ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng đến hôm nay rất cần ngành bán dẫn mà lực lượng lao động đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì làm việc vất vả", ông Bình nói.

Trong khi đó, phía FPT nhận thấy thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành chip bán dẫn, từ đây sẽ mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Chủ tịch FPT, 25 năm trước, không ai tin Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu phần mềm. Thế nhưng doanh nghiệp Việt đã làm được, thậm chí doanh thu xuất khẩu phần mềm chỉ tính riêng FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Với những chuyển dịch địa chính trị gần đây, Việt Nam có cơ hội bước vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Trương Gia Bình cho rằng, để làm được, các doanh nghiệp trong nước cần phải có khát vọng, phải vẽ ra được tương lai để thuyết phục người khác tin vào đó, thay vì nhìn vào những thứ đang có sẵn.

Qua khảo sát, nhiều chuyên gia Việt ở Mỹ sẵn sàng từ bỏ các hãng lớn như Qualcomm, Amkor về Việt Nam làm việc. Để tiến nhanh vào lĩnh vực sản xuất chip, Việt Nam đang kêu gọi, tập hợp lực lượng các chuyên gia người Việt đang làm chip trên toàn cầu.

Thế giới đang chọn Việt Nam làm chip bán dẫn 1
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - Ảnh: VGP

Gần đây, theo Chỉ thị số 07/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Viettel, VNPT, MobiFone và GTEL cần đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi như chip bán dẫn.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và nền tảng số, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số.

Công nghiệp bán dẫn được xem là ngành công nghiệp nền tảng và còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới.

Theo Custom Market Insights, quy mô thị trường chip bán dẫn toàn cầu ước đạt 634,5 tỷ USD năm 2023. Đến năm 2032, doanh thu toàn thị trường dự kiến đạt 1.124 tỷ USD.

Riêng Việt Nam, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip bán dẫn đã tăng từ 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022, lên hơn 562 triệu USD vào tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), theo số liệu từ Bloomberg.

Hiện Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu.

Trong chuyến công tác Việt Nam hồi cuối năm 2023, Chủ tịch Nvidia - ông Jensen Huang cũng tuyên bố, tập đoàn này sẽ tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại Nvidia.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, xác định một trong các nội dung hợp tác quan trọng là đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.