Bước đường cùng của doanh nghiệp Trung Quốc giữa Covid-19

Hoài An - 11:32, 12/03/2020

TheLEADERHàng loạt nhà hàng, khách sạn tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa, một số khác cố duy trì hoạt động cầm cự trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bước đường cùng của doanh nghiệp Trung Quốc giữa Covid-19
Dịch Covid-19 lan rộng đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc. Ảnh: TNS/SCMP

Do những yêu cầu hạn chế từ chính phủ Trung Quốc về vấn đề ăn uống tại nhà hàng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Jay Li – chủ nhà hàng cùng các đối tác kinh doanh đã buộc phải đóng cửa ba quán ăn tại thành phố Quảng Châu và sa thải toàn bộ nhân viên vào tháng trước.

Thiên đường ẩm thực Quảng Đông đang phải trải qua cuộc suy thoái chưa từng thấy do những chính sách được ban hành, nhiều nhà hàng và cửa hàng buộc phải đóng cửa.

Ông Jay Li chia sẻ: “Tôi từng nghĩ năm 2019 đã đủ tồi tệ nhưng dịch bệnh khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020, dòng tiền mặt gần như về 0. Khoản tiết kiện hiện đã không thể hỗ trợ tiền thuê nhà và lao động với tổng chi phí khoảng 700.000 Nhân dân tệ mỗi tháng”, SCMP dẫn lời.

Ông Li cho biết, việc đóng cửa kinh doanh là điều duy nhất các quán cà phê và cửa hàng nhỏ có thể làm trong bối cảnh các ngân hàng nước này thiếu hứng thú đến việc cho vay khối doanh nghiệp nhỏ.

Trên khắp Trung Quốc, nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng nhỏ cũng như những đơn vị du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các lệnh cấm từ chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.

Dù một số biện pháp ngăn chặn đã được nới lỏng khi dịch được kiểm soát tích cực, những động thái này giờ đây đã quá muộn với một số doanh nghiệp.

Khảo sát từ hiệp hội khách sạn Trung Quốc tuần trước cho biết khoảng 75% doanh nghiệp ngành ăn uống tại quốc gia này đã phải dừng hoạt động trong hai tháng đầu năm do dịch bệnh.

Hơn 70% người tham gia khảo sát cho biết tổng doanh thu đã giảm hơn 90% trong hai tháng qua, 27% nhà cung cấp thực phẩm cho biết buộc phải đóng cửa vì thiếu tiền trong khi 45% cho biết chỉ còn đủ tiền để trang trải chi phí hoạt động trong hai tháng nữa.

Feng Guohua, người sáng lập chuỗi thực phẩm Hunan tại Thâm Quyến, cho biết chỉ có 7/30 nhà hàng được cho phép mở dịch vụ ăn uống trở lại. SCMP dẫn lời vị này cho biết tổn thất mỗi ngày khoảng 300.000 Nhân dân tệ.

“Đối với các chủ nhà hàng tôi biết, mục tiêu năm 2020 là tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh”, ông chia sẻ.

Tại Thâm Quyến, Steve Gong cùng người bạn thân đã đầu tư hơn 300.000 Nhân dân tệ để mua nhượng quyền cửa hàng bán bánh mì vào tháng 11. Nếu phải đóng cửa, họ sẽ mất toàn bộ khoản tiền đầu tư. Mỗi ngày, họ chỉ kiếm được khoảng 200 Nhân dân tệ nhưng lại tiêu tốn gần 40.000 Nhân dân tệ cho việc thuê nhà và bốn nhân viên.

Với ngành du lịch, thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn. Khoảng 1/3 trong số gần 720 khách sạn được gắn sao tại tỉnh Quảng Đông đã buộc phải đóng cửa tạm thời vào tháng trước còn những khách sạn mở cửa lại “lay lắt” với tỷ lệ lấp đầy rất thấp.

Theo thông tin từ Bloomberg, công ty khởi nghiệp ngành khách sạn OyO dự kiến sa thải khoảng một nửa trong số 6.000 nhân viên toàn thời gian tại Trung Quốc. Một phần trong số 4.000 nhân viên tạm thời nằm trong một số khu vực hỗ trợ như trung tâm cuộc gọi cũng sẽ buộc phải nghỉ việc. Tuy nhiên, những người này sẽ trở lại làm việc sau khi việc kinh doanh được phục hồi.

Hơn 12.000 rạp chiếu phim tại Trung Quốc cũng đang phải vật lộn giữa “cơn sóng” Covid-19. Kể từ cuối tháng 1, tất cả rạp đều dừng hoạt động khi hàng triệu người Trung Quốc ở nhà thay vì ra ngoài mua sắm, đi chơi như các dịp Tết Nguyên đán khác.

Tổ chức xếp hạng S&P Global Ratings đầu tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc xuống mức 5,0%, giảm mạnh so với con số 5,7% trước đó do sự bùng phát của dịch Corona.

Tổ chức này cũng nhận định do Trung Quốc chiếm tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu, 1 điểm phần trăm sụt giảm trong tăng trưởng của quốc gia này sẽ ảnh hưởng lên bức tranh chung toàn cầu.

IMF trong dự báo của mình cho rằng sự bùng phát của dịch Corona sẽ khiến tăng trưởng của Trung Quốc quay về mức 5,6% trong năm nay, giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 1.

Tính đến nay, Trung Quốc vẫn là khu vực dịch lớn nhất thế giới với tổng cộng gần 81.000 ca nhiễm và gần 3.200 ca tử vong. Châu Âu hiện đang nổi lên là khu vực bùng phát dịch mới nhất khi số ca nhiễm mới gia tăng nhanh, điển hình như tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha hay Đức.