Các nhà bán lẻ tăng tốc mở rộng mặt bằng sau đại dịch

An Chi - 09:53, 14/05/2022

TheLEADERBất chấp xu thế bùng nổ của thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thương mại vẫn liên tiếp mở rộng thị trường.

Các nhà bán lẻ tăng tốc mở rộng mặt bằng sau đại dịch
Nhiều nhà bán lẻ có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong khi một số nhà bán lẻ như Bách Hóa Xanh không có kế hoạch mở mới các cửa hàng thì một số nhà bán lẻ khác lại có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ. Cụ thể, Aeon dự kiến mở thêm 100 siêu thị MaxValu (chuỗi siêu thị vừa và nhỏ) tại Việt Nam đến năm 2025. Đây là một bước nhảy vọt so với 7 cửa hàng hiện tại ở Hà Nội. 

Tập đoàn BRG sẽ phối hợp với Tập đoàn Sumitomo để mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart, hiện đang có ba chi nhánh tại Hà Nội. Liên doanh này đặt mục tiêu mở từ năm đến mười cửa hàng mới mỗi năm, đạt 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2028. 

Một ông lớn bán lẻ khác là Masan dự kiến sẽ có 30.000 cửa hàng mini mall trên toàn quốc vào năm 2025. Các cửa hàng mini mall này sẽ là mô hình cửa hàng một điểm đến phục vụ tổng hợp các nhu cầu tài chính, giáo dục, giải trí vàchăm sóc sức khỏe. 

Hệ thống Con Cưng đang có ý định mở rộng thị trường, Saigon Co.op đẩy nhanh mục tiêu đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Nhà thuốc Long Châu cũng có kế hoạch mở thêm 300 cửa hàng mới trong năm nay, nâng tổng số cửa hàng lên 700.

Bên cạnh đó, các hãng bán lẻ hạng sang cũng đang tích cực tìm kiếm mặt bằng trong quận Hoàn Kiếm, khiến giá thuê mặt bằng tầng trệt tại khu vực này tăng đáng kể. 

Xu hướng tăng tốc mở rộng kinh doanh sau đại dịch của các nhà bán lẻ được cho là nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường sau đại dịch. 

Quý I/2022, nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt với GRDP của Hà Nội tăng 5,8% theo năm và doanh thu bán lẻ tăng 9,1%. Theo ADB, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5% trong năm nay và đạt 6,7% vào năm 2023, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Sau thời gian giãn cách xã hội, thị trường đang dần phục hồi, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ quay lại thị trường. Sự sôi động trên thị trường bán lẻ đã khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng và công suất ổn định. 

Giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt đạt mức 976.000 VND/m2/tháng, tăng 5% theo quý và 4% theo năm. Giá thuê tăng nhanh nhất ở khu vực trung tâm và phía Đông Hà Nội với mức tăng trung bình đạt 5% mỗi năm từ năm 2018. Khu vực phía Tây tăng 4%, khu vực nội thành và khu vực khác đạt có mức tăng 2% mỗi khu vực.

Công suất thuê mặt bằng bán lẻ ổn định theo quý nhưng giảm 2% theo năm xuống mức 92%. Khối đế bán lẻ có công suất thuê giảm nhiều nhất do sự xuất hiện của nguồn cung mới. Khu vực nội thành có kết quả hoạt động tốt nhất trong quý với diện tích cho thuê thêm là 9.000 m2.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, ngoài các ông lớn, các thương hiệu bán lẻ tầm trung vẫn đang rất thận trọng trong việc tìm kiếm mặt bằng mới hậu Covid-19. 

Bên cạnh đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện vẫn đang rất hạn chế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng. Theo đó, tổng nguồn cung tại Hà Nội đạt hơn 1,6 triệu m2, tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Nguồn cung mới đến từ ba dự án khối đế bán lẻ; thị phần của phân khúc đạt 14%, tăng 1% theo quý và 2% theo năm.

Trong 3 năm vừa qua, nguồn cung tăng trưởng chậm với tốc độ 1% mỗi năm. Từ 2019 đến nay, thị trường không có thêm trung tâm bách hóa mới, trong khi nguồn cung từ trung tâm thương mại tăng 1% mỗi năm. Khối đế bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất với 5% mỗi năm.

Trong năm 2022, 151.817 m2 nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới từ 11 dự án sẽ gia nhập thị trường, trong đó bốn dự án đã hoàn thành, năm dự án đang hoàn thiện và hai dự án đang xây dựng. 

Các dự án đáng chú ý gồm Vincom Mega Mall Smart City, Hinode City và Mipec Xuân Thủy. Khu vực phía Tây và khu vực ngoại thành sẽ có bốn dự án mỗi khu vực, khu vực trung tâm có một dựán và khu vực khác có hai dự án. Trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ, mỗi loại hình sẽ chiếm 50% tổng nguồn cung tương lai.

Mặt khác, tăng trưởng của thương mại điện tử cũng gây ảnh hưởng tới lượng người mua sắm trong các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Theo Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam có 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi bắt đầu đại dịch, với 55% trong số họ đến từ khu vực nông thôn.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng đã dẫn đến sự gia tăng các thương gia kỹ thuật số. Họ đang nỗ lực ứng dụng các quy trình kỹ thuật số đầu cuối, bao gồm các công cụ kỹ thuật số được sử dụng để tương tác với khách hàng và các giải pháp kỹ thuật số để giúp cải thiện quy trình hoạt động.

Tổng giá trị hàng hóa năm 2021 của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 31 tỷ USD, tăng 31% theo năm, nhờ sự đóng góp to lớn bởi tốc độ tăng trưởng 53% của thương mại điện tử. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam có thể sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 29%.