Cách nào để nâng cao năng suất lao động xã hội của Việt Nam?

Đỗ Hòa* - 17:11, 04/01/2018

TheLEADERNếu không tập trung vào nhìn nhận và tìm cách phát huy vai trò trí thức từ xã hội, Việt Nam vẫn chỉ có thể dựa vào lao động trực tiếp để cải thiện năng suất lao động xã hội!

Cách nào để nâng cao năng suất lao động xã hội của Việt Nam?
Hội nhập đi liền với thách thức tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa

GDP tăng cao, nhưng chất lượng cuộc sống người dân có tăng theo?

Chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 đã được công bố với con số ấn tượng: tăng 6.81%. Đây là mức tăng khá cao so với những năm gần đây.

Nhưng nhiều ý kiến đã nhận xét rằng: Tại sao năm nay GDP tăng cao mà người dân chưa cảm nhận được sự tăng này về thu nhập, và chất lượng sống của người dân chưa được cải thiện một cách rõ rệt?

Để lý giải thích phần nào câu hỏi này, tôi xin dùng trường hợp một doanh nghiệp để mọi người dễ hình dung.

Sản phẩm của một doanh nghiệp nọ làm ra thì kém cạnh tranh do chất lượng thấp, quản lý kinh doanh kém nên chi phí cao, dẫn đến giá thành kém cạnh tranh nên hàng làm ra rất khó bán, nhưng hội đồng quản trị lại giao chỉ tiêu phải tăng trưởng doanh thu hàng năm cao. Đây quả là một thách thức lớn với vị CEO.

Nhưng cuối cùng ông CEO cũng đã nghĩ ra cách giúp ông đạt được chỉ tiêu này: Ông nhận phân phối lại sản phẩm của các đối thủ và nhà cung cấp khác, và gọi sáng kiến này là "tận dụng lợi thế kênh phân phối".

Với việc đặt mức lãi biên kỳ vọng thấp, giá bán của hàng hóa từ nguồn bên ngoài này khá là cạnh tranh nên doanh thu từ nguồn hàng ngoài này là khá lớn.

Và bằng cách này, ông có thể đảm bảo mức tăng doanh thu mà hội đồng quản trị đã giao.

Cách nào để nâng cao năng suất lao động xã hội của Việt Nam?
Ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị

Tuy nhiên, dù doanh thu công ty tăng nhưng thu nhập của cán bộ nhân viên vẫn thấp như cũ, thậm chí còn kém trước đây. Lý do là vì doanh thu tăng, chi phí tăng nhưng lợi nhuận của công ty không tăng.

Đây cũng chính là một điểm nhức nhối trong bức tranh kinh tế Việt Nam mà báo chí nhắc đến trong thời gian gần đây: Năng suất lao động xã hội (NSLĐXH) của Việt Nam quá thấp = 93,2 triệu đồng (theo Tổng cục Thống kê 2017). Và mức tăng NSLĐXH bình quân 5 năm gần đây chưa đến 5%. Dẫn đến khoảng cách NSLĐXH giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng lớn dần.

Tăng trưởng kinh tế bền vững thì phải tăng NSLĐXH, tức là làm sao để từng người lao động tạo ra, đóng góp nhiều giá trị hơn. Nhưng để thực hiện điều này thì không dễ, vì cũng giống như trường hợp doanh nghiệp trên, tức là phải nâng cao chất lượng sản phẩm của chính mình làm ra, song song với quản lý hiệu quả hơn để hạ giá thành.

Cách dễ hơn là vay nợ nước ngoài để chi tiêu thay vì tự mình cố làm ra nhiều hơn. Hoặc ưu đãi cho người ngoài thuê đất, thuê nhân công, miễn thuế để họ sản xuất trên đất nước mình, rồi mình ghi nhận giá trị GDP do họ tạo ra là của mình.

GDP năm 2017 của Việt Nam ghi đậm dấu ấn của các doanh nghiệp FDI (Formosa, Samsung, Intel...).

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho giai đoạn 2016 - 2020, thì từ nay đến 2020, dù mục tiêu tăng trưởng GDP là từ 6,5 - 7%, mục tiêu tăng trưởng NSLĐXH vẫn chỉ là 5%/năm.

Do đó, tôi cho rằng các năm tới, GDP sẽ có thể tiếp tục tăng ở mức ấn tượng (nhờ đóng góp của FDI), nhưng chất lượng cuộc sống của người dân thì khó mà kỳ vọng được nâng lên (vì NSLĐXH không cải thiện đáng kể). Câu chuyện về doanh nghiệp nói phần trên góp phần lý giải phần nào thực tế này.

Cách nào để nâng cao năng suất lao động xã hội?

Trong các bài viết về NSLĐXH, các báo thường dùng hình ảnh công nhân đang làm việc trong một nhà máy nào đó (may mặc hay cơ khí...). Điều này dễ dẫn đến ngộ nhận rằng nâng NSLĐ là tìm cách nâng năng suất của đối tượng lao động trực tiếp này.

NSLĐXH là chỉ số thống kê bình quân dùng để đo lường hiệu suất làm việc của những người trong độ tuổi lao động, chỉ số này có được khi lấy GDP chia cho số lượng lao động của quốc gia. Như vậy chỉ số này phản ánh năng suất của tất tần tật các loại nghề nghiệp, công việc, vị trí chứ không chỉ là lao động trực tiếp.

Truyền thông sai lệch làm cho xã hội nhận thức sai lệch, và dẫn đến bế tắc về mặt giải pháp. Dẫn chứng là rất nhiều chuyên gia khi được hỏi ý kiến thì thường đưa ra đề xuất quanh quẩn các ý như: Phải nâng cao trình độ tay nghề công nhân, phải cải tiến công nghệ, phải hợp lý hóa sản xuất... tức là trong tư duy họ chỉ nghĩ đến đối tượng lao động trực tiếp.

Theo tôi thì nếu chỉ hướng đến cải thiện năng suất của lao động trực tiếp thì đúng là chúng ta chỉ có thể tăng năng suất ở mức rất nhỏ (marginal).

Lý do là vì trong nhiều nhà máy hiện nay, lao động trực tiếp chỉ đóng vai trò trong một vài công đoạn, xen kẽ với máy móc tự động hóa. Bản thân người lao động đã phải còng lưng chạy theo năng suất của thiết bị rồi, họ luôn ở tình trạng được khai thác tối đa rồi, nên nếu có cố thì cũng chỉ cố thêm được một vài phần trăm chứ không thể cao hơn được.

Đó là chưa muốn nói, giá trị thị trường mà lao động trực tiếp tạo ra (chủ yếu là gia công) cũng không cao, nếu không muốn nói là thuộc vào hàng thấp nhất trong các công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất.

Dù rất khó nâng lên, nhưng có nâng được thì cũng không tạo ra thêm được nhiều giá trị.

Vậy làm sao để cải thiện NSLĐXH ở mức mà hy vọng sau vài năm chúng ta có thể bắt kịp các nước trong khu vực?

Tôi cho rằng nếu muốn tăng tốc về NSLĐ XH thì đối tượng trọng tâm của việc cải thiện NSLDXH Việt Nam phải nằm ở lực lượng lao động trí thức và cấp quản lý, chứ không phải là lực lượng lao động trực tiếp.

Điều này có nghĩa là Nhà nước phải quan tâm hơn, phải xem lực lượng trí thức là tài sản quốc gia, là động lực phát triển bền vững, và phải đầu tư phát triển, rồi tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp trí thức được có cơ hội phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Song song vào đó cũng không kém phần quan trọng, đó là tập trung cải thiện chất lượng quản lý nhà nước.

Chỉ có đưa trí thức vào thì mới có thể tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị cao. Còn vai trò quản lý là vô cùng thiết yếu, bởi một định hướng chiến lược sai lệch, một chính sách không phù hợp thì đều phải trả giá đắt, có thể kéo lùi nền kinh tế hàng chục năm.

Ngược lại, cấp quản lý nếu định hướng sáng suốt, chính sách quản lý phù hợp thì nguồn lực được khai thông, mọi việc thông suốt, kinh tế sẽ cất cánh trong thời gian ngắn.

Câu hỏi đặt ra là cần điều chỉnh lại quan điểm về con người, về lực lượng nòng cốt của xã hội. Liệu có cơ chế nào để mọi tầng lớp trí thức, không phân biệt quan điểm chính trị, cùng nỗ lực tham gia hiệu quả vào xây dựng và phát triển đất nước không?

Lâu nay chúng ta vẫn dựa quá nhiều vào trí thức từ bên ngoài (thuê chuyên gia nước ngoài, nhập phần mềm nước ngoài, nhập thiết bị máy móc và công nghệ từ nước ngoài, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài...). Lý do thì có nhiều, trong đó có cả lý do về năng lực, kinh nghiệm của trí thức trong nước, những điều kiện về đầu tư và chuyển giao công nghệ, đến những lý do về quan điểm sử dụng lực lượng trí thức của xã hội để phát huy được nguồn lực này. 

Điều này nói lên một thực tế rằng, dù muốn dù không thì cũng phải sử dụng vai trò của trí thức để phát triển. Và rõ ràng là sử dụng trí thức bên ngoài không phải là một giải pháp hiệu quả kinh tế, cũng không phải một lựa chọn tốt nhất để phát triển bền vững.

Tôi quay lại vấn đề, nếu không muốn nhìn nhận và phát huy vai trò trí thức từ xã hội, thì Việt Nam vẫn chỉ có thể dựa vào lao động trực tiếp để cải thiện NSLĐXH!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả: Đỗ Hòa, CEO Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị