Cải thiện môi trường kinh doanh chưa thực chất

Nhật Phạm - 11:05, 09/03/2024

TheLEADERCắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan.

Cải thiện môi trường kinh doanh chưa thực chất
Cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp nội dung hợp đồng vận chuyển bằng thư điện tử tới Sở Giao thông vận tải trước mỗi chuyến đi.

Quy định này vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp vận tải. Bởi lẽ, có những doanh nghiệp tổ chức hàng trăm chuyến xe mỗi ngày, nếu bắt buộc phải gửi thư điện tử cho từng chuyến thì chi phí tuân thủ sẽ rất lớn. Cơ quan quản lý cũng gặp khó khi nhận được lượng lớn thư điện tử như vậy.

Một quy định khác cũng bị doanh nghiệp phản đối là việc bắt buộc tăng cường iod vào muối ăn đối với các sản phẩm là thực phẩm có sử dụng muối. Theo các doanh nghiệp, bổ sung iod có thể khiến thực phẩm bị biến đổi màu sắc, hương vị, chưa kể một số loại thực phẩm đã chứa sẵn hàm lượng iod nên việc bổ sung là không cần thiết.

Bên cạnh đó, một số thị trường nước ngoài không chấp nhận thực phẩm bổ sung iod, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải có hai quy trình sản xuất riêng dành cho thị trường trong nước và xuất khấu.

Năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Nhiều năm đồng hành với chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một số phương án cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vẫn còn mang tính hình thức, thiếu sự đột phá. Điển hình như những quy định ở trên, cùng nhiều quy định khác dù đã được phản ánh nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn chỉ ra một hiện tượng là văn bản đang trong quá trình dự thảo lại bổ sung thêm nhiều rào cản mới, khiến doanh nghiệp hoang mang, lo lắng.

Đồng tình với ông Tuấn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh đang chậm lại, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp đánh mất niềm tin và động lực.

Một thực tế đang xảy ra là thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đã chuyển nhượng, hợp tác với doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. Xu thế dịch chuyển này có thể tiếp diễn, đe dọa an ninh lương thực quốc gia nếu không có chính sách pháp luật đồng bộ, nhất quán giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng chỉ ra, nhiều rào cản ở các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh vẫn còn tồn tại. Một số dịch vụ công được đưa lên trực tuyến nhưng vẫn chỉ mang tính hình thức.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, nhận xét, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tại một số địa phương chưa thực chất do chưa bám sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Cấp thiết cải cách

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp phản ánh, bà Thảo nhận xét, "dư địa" cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn rất lớn. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ít tốn kém nhất, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp chịu nhiều sức ép và các nguồn lực hỗ trợ đang dần trở nên hạn hẹp.

Đó cũng chính là lý do Chính phủ khôi phục lại chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được ban hành ngày 5/1 vừa qua.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông đề nghị tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp thường xuyên và thực chất hơn, cố gắng giải quyết ngay các vướng mắc trong thẩm quyền chứ không chỉ dừng lại ở lắng nghe, ghi nhận.

Thứ trưởng cũng đề nghị hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham gia phản biện, đóng góp chính sách, phản ánh các khó khăn và đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực thi chính sách hiệu quả.