Cam kết COP26 đòi hỏi 'tấm áo mới' cho điện gió ngoài khơi

Nguyễn Cảnh - 13:31, 12/12/2021

TheLEADERĐề xuất quy mô điện gió ngoài khơi đến 2030 cần đạt khoảng 10GW, vì gắn với cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26 vừa qua.

Cam kết COP26 đòi hỏi 'tấm áo mới' cho điện gió ngoài khơi
Khi giá điều chỉnh, cùng với suất đầu tư giảm sẽ góp phần tạo bùng nổ điện gió ngoài khơi. (Trong ảnh là ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T)

Tại tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” do Tạp chí điện tử TheLEADER tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, chưa có các quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, các nhà đầu tư vẫn đang phải tìm tòi. Sự hiểu biết về điện gió ngoài khơi còn nhiều hạn chế cả ở cấp quản lý lẫn nhà đầu tư.

Tại một số địa phương, có những nhà đầu tư xin cả vùng biển để phát triển dự án mang công suất mà đáng lẽ phải gấp 3 - 4 lần. Qua đó cho thấy việc khai thác diện tích mặt biển còn chưa phù hợp, hiệu quả.

Xét tổng thể, các thách thức đặt ra cho phát triển điện gió ngoài khơi gồm: thiếu quy hoạch không gian biển gắn với điện gió ngoài khơi, khó khăn trong thực hiện các thủ tục xin giấy phép, cấp phép (chuẩn bị cho điện gió ngoài khơi 1GW phải mất 3 – 4 năm).

Đại diện từ T&T Group nhìn nhận, quy mô điện gió ngoài khơi trong quy hoạch điện đến 2030 chưa thật sự đủ lớn để hình thành ngành công nghiệp mới. 

"Đề xuất quy mô điện gió ngoài khơi đến 2030 cần đạt khoảng 10GW, vì gắn với cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26 vừa qua. Hiện trong dự thảo quy hoạch điện VIII mới nhất là 4.000MW, dù đã tăng từ 2.000MW trước đó", ông Cường cho biết.

Kiến nghị về giải pháp, ông Cường cho rằng, trong giai đoạn khởi đầu, cần một cơ chế giá ổn định, tường minh, đủ mạnh để hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi phát triển bền vững. 

Đơn cử, theo Quyết định 37 về điện gió ban hành 6/2011, giá điện chỉ 7,8 cent/kWh, tính tới giai đoạn 2018 - 2019 chủ yếu chỉ có những dự án mang tính chất đặc thù, không khai thác được tiềm năng.

Do đó, theo ông Cường, khi giá điều chỉnh, cùng với suất đầu tư giảm sẽ góp phần tạo bùng nổ của khu vực này, đặc biệt với sự tham gia nhiều của khu vực tư nhân.

Tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam như đòn gánh hai đầu (miền Trung tốc độ gió trung bình 10m/s, trong khi hai đầu Bắc Nam là 8m/s) nên cần tính phương án khai thác như thế nào để có thể tiến tới cung cấp điện nội vùng tối đa.

Rõ ràng là nếu chỉ 1 giá, đầu tư điện gió ngoài khơi sẽ bùng nổ nhiều hơn vào khu vực miền Trung. Trong khi đó, nếu nhiều giá thì có thể thúc đẩy nội vùng, giảm truyền tải đi xa. Do vậy, cần các biểu giá khác nhau để tất cả cùng phát triển.

Thách thức hiện tại là trên cả nước, 20/28 tỉnh có biển đã đăng ký các dự án điện gió xa bờ (offshore), quy mô công suất 70.000 – 80.000MW, trong đó có 1/3 là các tỉnh, thành phố phía Bắc khi có định hướng tối đa hóa cung cầu nội vùng, ví dụ như Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

Không giống như nguồn điện khác, điện gió đang để mở về quy mô, khu vực. Nếu xác định quy mô cho dự án điện gió như 10.000MW, thì sẽ tạo được cơ sở để phát triển. 

Cam kết ở COP26 của Thủ tướng Chính phủ mở ra cơ hội rất lớn cho điện gió nhưng cũng tạo nên thách thức lớn.

Nếu có quy mô hợp lý sẽ thu hút được nhà đầu tư và tạo ra khả năng nội địa hóa như điện gió ngoài khơi. Ví dụ, có thể thể gắn với quy định như nội địa hóa được 1 phần sẽ nhận được giá cao hơn dự án 100% nhập khẩu.

Qua kinh nghiệm cho thấy Việt Nam có hệ số công suất cao, khoảng từ 45 – 55%, thậm chí có thể lên tới 60% nhờ công nghệ mới trong thời gian tới. Tmax ngang với nhà máy nhiệt điện khí, than hiện nay.

Điện gió ngoài khơi có đặc điểm là sản lượng đầu ra khá ổn định, có thể chạy nền, chứ không như các nguồn tái tạo khác như điện mặt trời, với mức công suất có thể lên tới 20MW/ 1 tuabin. 

Quy mô điện gió ngoài khơi so với trên bờ rất lớn, ít bị hạn chế bởi diện tích đất sử dụng… đây là những thuận lợi trong quá trình khai thác.

Có cơ sở thành hình một ngành công nghiệp cao mới trong nước, dựa trên cơ hội hình thành, phát triển khu/ngành công nghiệp phụ trợ. 

Được biết, thời gian gần đây, nhiều địa phương phía Bắc (như Hải Phòng, Nam Định) lần lượt đề nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, phê duyệt điều chỉnh bổ sung hàng chục nghìn MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Cụ thể, quy mô dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Nam Định được đề nghị bổ sung lên tới 12.000MW và được chia làm 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 có công suất 2.000MW, giai đoạn 2 từ 2025 - 2030 có công suất 3.000MW, giai đoạn 3 từ 2030 - 2035 có công suất là 3.500MW và giai đoạn 4 từ 2035 - 2045 có quy mô 3.500MW.

Tương tự, UBND TP. Hải Phòng đề xuất đưa 3.900MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII.

UBND TP. Hải Phòng cho biết, việc đầu tư dự án điện gió ngoài khơi sẽ góp phần đưa địa phương này thành trung tâm cung cấp năng lượng sạch cho khu vực miền Bắc, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đột phá trong giai đoạn tới theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đề xuất của địa phương, dự án điện gió ngoài khơi quy mô 3.900 MW được chia làm 3 giai đoạn vận hành từ năm 2029 đến năm 2037. Dự án này được đề xuất bởi liên doanh Công ty Ørsted Taiwwan Ltd. và Tập đoàn T&T, tổng mức đầu tư dự kiến 261.000 tỷ đồng và được huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hải Phòng cho biết, dự án được xây dựng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện giữa các khu vực, giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp sạch. 

Đồng thời, hiện Bộ Công thương đang trình Thủ tướng dự thảo Quy hoạch Điện VIII, theo đó, khối lượng điện gió khu vực Bắc Bộ đến năm 2025 là 346 MW và đến năm 2045 là 1.186 MW và chưa xác định cụ thể việc phát triển điện gió tại các địa phương.

Là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, T&T Group đã tham gia đầu tư phát triển mạnh mẽ các nguồn điện xanh, năng lượng tái tạo gắn với giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Dự kiến đến cuối năm 2021, hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1.000MW các nguồn điện từ gió và mặt trời. Mục tiêu đến 2030, tập đoàn sẽ đầu tư phát triển các nguồn điện đạt khoảng 12.000 – 15.000MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện của hệ thống.

Thời gian qua, T&T Group đã ký kết văn kiện hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới về năng lượng, bao gồm cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời, như Orsted (Đan Mạch), UPC (Mỹ), Total (Pháp).

Đơn cử, vào đầu tháng 9 vừa qua, T&T Group đã ký biên bản ghi nhớ với Ørsted – tập đoàn số 1 thế giới về điện gió ngoài khơi, hiện chiếm 25% thị phần toàn cầu.

Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).