Cần thêm thời gian để giảm lãi suất cho vay

Trần Anh - 08:46, 28/05/2023

TheLEADERSau những đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp, NHNN cho thấy thông điệp muốn giảm mặt bằng lãi suất nhanh nhằm kích cầu tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động giảm ngay sau đó. Tuy nhiên, ở đầu ra, mặt bằng lãi suất cho vay lại cần thêm thời gian để chính sách thẩm thấu.

Ngày 26/5, vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Công điện nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay kịp thời vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm…

Công điện nêu rõ, NHNN cần yêu cầu các nhà băng sử dụng các biện pháp để giảm chi phí nhằm hạ lãi suất. Điều này nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp phần nào giảm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết theo báo cáo của Chính phủ, lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022.

Với động thái giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% vào ngày 25/5 vừa qua, NHNN đã có tổng cộng 3 lần giảm lãi suất điều hành trong vọng chưa đầy 3 tháng. Việc giảm lãi suất điều hành là tín hiệu cho thấy NHNN sẵn sàng chuyển từ chính sách thặt chặt sang nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. 

Thông thường sau các đợt giảm lãi suất, hầu hết các ngân hàng đều giảm tương ứng tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống. Lần gần nhất, lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã giảm 0,5% xuống mức trần là 5%/năm.

Nhóm ngân hàng quốc doanh là những đơn vị nhạy cảm nhất với chính sách từ NHNN khi giảm khá sâu lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, xuống còn 4,1-4,6%/năm. Lãi suất đầu vào giảm, là cơ sở để hạ lãi vay. Tuy nhiên, thực tế lãi vay không giảm nhanh như vậy

Lý giải về điều này, NHNN cho biết nguyên nhân quan trọng là do kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi đó nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, điều này đã tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Theo đó, đơn cử, tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn duy trì ở mức 125,34%, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VNĐ ở mức 167.000 tỷ đồng, hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VNĐ ở mức 101,45%. Dù giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VNĐ của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, các NHTW lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đã tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước, cũng làm gia tăng áp lực về lãi suất.

Mặt khác, những thông tư mới ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp cũng tác động ngược lại tiêu cực tới lãi suất cho vay. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành (ngày 23/4/2023) cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn, điều này cũng đồng nghĩa các ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, nên gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

Cuối cùng, NHNN là cơ quan đưa ra chính sách, còn theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do các ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Đơn giản là nhà băng và khách hàng tự thỏa thuận với nhau đúng theo cung cầu của thị trường.

NHNN cũng đánh giá việc một số ngân hàng quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

Để xử lý khoảng trống giữa chính sách và thực tiễn, NHNN đã nhiều lần chỉ đạo, định hướng, vận động các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trên thực tế, những “cánh tay nối dài” của NHNN là nhóm ngân hàng quốc doanh “Big 4” cũng đã cho thấy nỗ lực giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua.

Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ ngày 1/1 - 30/4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Đợt 2 triển khai từ ngày 1/5 - 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng. 

Ngân hàng này thậm chí còn mạnh dạn đưa ra gói lãi suất cho vay cố định trung và dài hạn cho các khoản vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Những tín hiệu từ các ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất sẽ là bước đệm, dẫn dắt các nhà băng nhỏ hơn. Trong cuộc họp về chỉ đạo giảm lãi suất vừa diễn ra cuối tuần qua, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều đồng tình về việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vẫn sẽ cần thêm thời gian để chính sách thực sự thẩm thấu.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng giảm và có thể trở về quanh ngưỡng 7% vào cuối năm 2023. Điều này sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh).

Những yếu tố thúc đẩy quá trình này nhanh hơn bao gồm lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định và Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất. Mặt bằng lãi suất trở về thời điểm trước dịch Covid-19 sẽ là động lực quan trọng kích thích sự hồi phục của nền kinh tế.