Cần tin tưởng và bình tĩnh ứng phó để vượt qua đại dịch

Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land - 06:00, 28/07/2020

TheLEADERKhông chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt 'sống chung' cùng các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong dài hạn.

Việc Việt Nam sớm thiết lập trạng thái bình thường mới trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đã chứng minh phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả của hệ thống phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Thêm vào đó là sự hợp tác, tin tưởng của người dân vào Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

99 ngày liên tục không phát sinh ca nhiễm mới đã mang lại cơ hội cho guồng máy kinh tế tái khởi động tiến về phía trước với nỗ lực gấp nhiều lần để bù lại cho những thiệt hại nặng nề của những tháng đầu năm và tiếp tục vượt qua những khó khăn thử thách trước mắt khi mà biên giới các nước vẫn chưa mở cửa và chưa tìm đươc vắc-xin trị bệnh.

Xác định sống chung với dịch bệnh

Ca nhiễm bệnh mới xuất hiện tại Đà Nẵng vào ngày thứ 100 gây ra sự hoang mang tâm lý trở lại đối với người dân nhưng điều này vẫn nằm trong kịch bản rủi ro phải đối mặt khi Chính phủ chấp nhận thiết lập trạng thái bình thường mới.

Nền kinh tế vẫn phải tiến về phía trước và không vì dịch bệnh mà dừng lại quá lâu. Các kịch bản ứng phó đã được tính toán và dự trù. Ngay lập tức hệ thống phòng chống dịch bệnh tại Đà Nẵng và các địa phương đã kích hoạt trở lại để xử lý và ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng ra cộng đồng.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã thừa nhận Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh nhạy: “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi”. Chúng ta có quyền hoàn toàn tin tưởng vào những gì chúng ta đang làm và đang nỗ lực xử lý kể từ khi tái xuất hiện ca nhiễm mới.

Không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt 'sống chung' cùng các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong dài hạn khi mà thế giới vẫn chưa xác định được thời điểm kết thúc đại dịch. Thiệt hại là không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là có thể duy trì và tồn tại qua đại dịch là việc các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua.

Cần tin tưởng và bình tĩnh ứng phó để vượt qua đại dịch
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Đại Phúc

Tin tưởng và bình tĩnh ứng phó, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch

Chúng ta đã trải qua những tháng đầu năm đầy bất an, không kịp trở tay khi dịch bệnh ập đến bất ngờ, không lường trước. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thử thách nhất và đã thành công bước đầu khi đi trước một bước trong kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học thực tiễn và đủ khả năng ứng phó cho những đợt sóng tiếp theo.

Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần tin tưởng, bình tĩnh và đặc biệt bình tĩnh để có giải pháp 'sống chung' và ứng phó hiệu quả khi dịch bệnh kéo dài. Thông điệp này cần được lan tỏa mạnh mẽ đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Đây là biến cố mang tính lịch sử và chúng ta cần phải cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách này. Lo lắng, hoảng loạn không giải quyết vấn đề mà chỉ làm cho tình hình trầm trọng hơn. Các cơ quan truyền thông cần đóng vai trò tích cực trong việc chuyển tải quyết tâm và các giải pháp hữu hiệu kiểm soát dịch hiệu quả của Chính phủ.

Nhìn nhận tích cực và lạc quan sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp chúng ta tồn tại và phát triển cho dù dịch bệnh.

Tiếp sức cho người dân, cho doanh nghiệp

Trong một cuộc chiến dài hơi cùng đại dịch, cần một đại kịch bản do Chính phủ chủ trì trong 12-24 tháng sắp tới hoặc dài hơn để đánh giá mức độ thiệt hại đến các ngành nghề kinh tế và an sinh xã hội của người dân cũng như tăng trưởng của nền kinh tế.

Cần tập trung nguồn lực cho các vấn đề cấp thiết đảm bảo đời sống cho người lao động, các gói giải pháp giúp duy trì công ăn việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực thi một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, công bằng và minh bạch, mang lại hiệu quả, thật sự tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì và tồn tại khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Cần có các chiến lược liên kết theo ngành, theo địa phương, theo khu vực và chiến lược chung của quốc gia nhằm tối ưu nguồn lực phát triển, phát huy được tiềm năng sẵn có. Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, giải pháp kích hoạt tổng lực thị trường nội địa là sự sống còn cho nền kinh tế trong giai đoạn trước mắt.

Đây là cơ hội để chúng ta tái định vị và nâng tầm thương hiệu Việt nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ. Việt Nam sẽ là một điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả nếu chúng ta tạo lập được một môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch.

Chúng ta thường xuyên nói đến những cơ hội lớn đang hướng đến Việt Nam, nhưng việc nắm bắt được những cơ hội đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta hành động, cách chúng ta gắn kết lại và cách chúng ta quyết tâm tạo lập một tâm thế sẵn sàng vững tin tiến về phía trước, khẳng định vị thế riêng của mình.

Theo Bộ Y tế, trong ba ngày qua có thêm 15 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 431 ca. Đã có 365 người khỏi bệnh.