Cảnh báo về di chứng lâu dài của Covid-19 lên thị trường lao động

Nhật Hạ - 19:30, 08/11/2021

TheLEADERSau giai đoạn giãn cách vừa qua, lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục, đại biểu Quốc hội cảnh báo và cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến người lao động.

Tình trạng đứt gãy thị trường lao động đang hiện hữu sau giai đoạn giãn cách vừa qua tại nhiều tỉnh, thành phố.

Hệ lụy của làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 là rất lớn. Tỷ lệ thất nghiệp và làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương, số người bị tác động tiêu cực của đại dịch rất nhiều, làm xuất hiện nghịch lý vừa thiếu, vừa thừa lao động.

Trước đây, việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa.

Trong khi đó, “đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước”, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết tại phiên thảo luận ngày 8/11 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong và sau giai đoạn giãn cách vừa qua, mức độ tác động của Covid-19 lên khía cạnh kinh tế được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, ông Khải cho rằng ‘hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng”. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.

Cảnh báo về di chứng lâu dài của Covid-19 lên thị trường lao động
Đại biểu Trần Văn Khải - đoàn tỉnh Hà Nam. Ảnh trang tin Quốc hội

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu tỉnh Hà Nam đề nghị đặc biệt quan tâm tới người lao động, tạo động lực cho họ quay trở lại làm việc.

Theo ông, với lao động đã về quê, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn trước đây trong môi trường an toàn.

Để làm được điều đó, ông Khải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.

Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

"Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước", theo ông Khải.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế, xã hội, điều này càng rõ nét qua đại dịch Covid-19, ông Khải đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân.

Cũng trăn trở về tình trạng thị trường lao động hiện nay như ông Khải, đại biểu Trịnh Xuân An (TP. Hải Phòng) cho rằng cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia; cần thu hút người lao động trở lại làm việc một cách an toàn, tránh tình trạng người lao động ở lại quê không có việc làm ổn định, dẫn đến ‘người nghèo lại phải nuôi người nghèo’.

Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Những quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ vừa qua đã giúp tháo gỡ một bước khó khăn của người dân, doanh nghiệp để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng “những khó khăn trước mắt còn rất lớn”.

Do đó, bà kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các giải pháp, các gói hỗ trợ để bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.

“Bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và cùng với đó là nhiều việc làm sẽ bị mất đi”, theo bà Thủy.

Cảnh báo về di chứng lâu dài của Covid-19 lên thị trường lao động 1
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn tỉnh Hưng Yên

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), cho biết, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

So với quý trước đó, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Cũng trong quý này, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, bà Mai đề nghị cần đánh giá thực trạng nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động, huy động lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nhắc lại thực trạng hai năm qua số lượng lao động thiếu việc làm rất lớn và sẽ còn tiếp diễn sang năm 2022, Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) đã đưa ra 4 đề nghị.

Đầu tiên, Chính phủ cần đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để duy trì “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn.

Cảnh báo về di chứng lâu dài của Covid-19 lên thị trường lao động 2
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn tỉnh Quảng Bình

Thứ hai, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ ba, tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa trở lại được bình thường.

Thứ tư, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

Cần tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ lại quê nhà khi chưa sẵn sằng quay trở lại các khu ông nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội, cho rằng thực tiễn dịch bệnh "đã làm phát lộ thêm hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, đặc biệt là nhà ở".

Số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao. 

Vì vậy, ông Thường đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, ông nêu cần có cơ chế để công đoàn tham gia xây nhà ở cho công nhân; có gói hỗ trợ người dân xây nhà ở cho công nhân thuê, mua. Các cơ quan cần ban hành quy định tối thiểu phòng trọ công nhân.

Sau khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh bùng phát, phần lớn công nhân hết tiền. "Điều đó cho thấy thu nhập cho công nhân còn rất thấp, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể. Vì vậy, cần thúc đẩy lộ trình tăng lương tối thiểu, bởi đã 2 năm liên tục chưa thể tăng", ông nói và cho rằng các gói hỗ trợ người lao động còn khó khả thi, khó áp dụng, nên cần tăng cường kiểm tra để người lao động được hưởng các gói này.

Đồng thời, ông Thường đề nghị cần quan tâm đến những tổn thương tâm lý và tinh thần mà người lao động phải chịu do dịch bệnh.