Cánh tay nối dài của các dược sĩ

Việt Hưng - 12:58, 29/09/2021

TheLEADERXu hướng Telepharmacy (dược sĩ từ xa) giúp giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân, tạo môi trường thoải mái để dược sĩ tư vấn cho bệnh nhân mà không có nguy cơ lây nhiễm virus.

Xu hướng Telepharmacy

Đại dịch Covid-19 bùng phát, tình trạng giãn cách xã hội, khiến người dân gặp khó khăn trong việc mua các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính và nhất là nhu cầu cần được tư vấn sử dụng các loại thuốc dành cho người bệnh Covid-19 (F0) khi điều trị tại nhà.

Vai trò của dược sĩ rất quan trọng trong thời điểm này để cùng với bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị bệnh, tư vấn dùng thuốc hợp lý - an toàn - hiệu quả.

Trong đó, xu hướng Telepharmacy (dược sĩ từ xa) giúp giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân, tạo môi trường thoải mái để dược sĩ tư vấn cho bệnh nhân mà không có nguy cơ lây nhiễm virus. 

Dược sĩ từ xa tham gia chăm sóc, tư vấn bệnh nhân bị nhiễm bệnh, giúp họ dùng thuốc đúng cách, giúp giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn trong cấp phát thuốc.

Nhiều nước đã đưa hoạt động này vào chính sách y tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Tây Ban Nha, Đan Mạch… nhằm tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc đến các vùng xa, hẻo lánh cũng như hướng đến một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt.

Cụ thể, Telepharmacy giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại để được tư vấn về thuốc, đó là những rào cản lớn đối với người sống ở nông thôn, người cao tuổi và người khuyết tật.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề đặt ra đối với Telepharmacy như việc bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật các thông tin y tế của bệnh nhân.

Hay quyền riêng tư của dược sĩ tham gia thực hiện Telepharmacy, loại công nghệ được sử dụng và vai trò của dược sĩ, kỹ thuật viên dược, y tá hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trong hệ thống phân phối thuốc.

Ở Việt Nam, Telepharmacy vẫn là khái niệm khá mới mẻ. Mặc dù Bộ Y tế đã cho phép ứng dụng y tế điện tử vào việc khám chữa bệnh nhưng hiện nay vẫn chưa có
dự án, chính sách nào quy định cụ thể về Telepharmacy.

Thị trường rộng mở

Chính vì việc chưa có những thông tư, chính sách về loại hình Telepharmacy, nên quy chuẩn, cũng như chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Số lượng các sản phẩm liên quan Telepharmacy còn hạn chế và cũng chưa có "tay chơi" dẫn dắt thị trường.

Cánh tay nối dài của các dược sĩ
Cánh tay nối dài của các dược sĩ

Doctor Anywhere - startup có trụ sở tại Singapore, đạt mức tăng trưởng 500% trong đại dịch, phục vụ hơn 1,5 triệu người dùng trên khắp Đông Nam Á có mặt tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019.

Ngoài tính năng chăm sóc, thăm khám sức khỏe, Doctor Anywhere Việt Nam phát triển dịch vụ tư vấn và giao thuốc tận nhà. Trước đó, startup này đã bắt đầu thực hiện đẩy hoạt động bán thuốc lên nền tảng online vào giữa năm 2020.

Sau gần một năm xây dựng, triển khai; hệ thống nhà thuốc online của Doctor Anywhere Việt Nam đã phần nào góp sức trong việc tiện lợi hóa quy trình chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam; đặc biệt tại thời điểm dịch bùng phát.

Tương tự, startup y tế eDoctor cũng mới lấn sân mảng giao thuốc trực tuyến từ cuối năm 2020, thông qua việc kết hợp cùng hệ thống nhà thuốc Phano Pharmacy.

Theo đó, dịch vụ bán thuốc trực tuyến của eDoctor được cung cấp cho người dân ở các tỉnh, thành có hệ thống Phano Pharmacy như TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đà Nẵng… và sẽ không ngừng mở rộng trong tương lai.

Hay startup Medigo phát triển tính năng mua thuốc bằng cách tải đơn kê của bác sĩ lên ứng dụng. Nhà thuốc nhận được đơn sẽ gọi điện lại tư vấn, xác nhận từng loại, giá tiền và lên hóa đơn để khách xác nhận.

Thay vì mỗi lần đi khám bệnh phải xếp hàng mua thuốc, người bệnh chỉ về nhà, tải đơn thuốc lên hệ thống và thuốc sẽ được giao trong ít phút.

Phía Medigo cho biết, trong 6 tháng qua, tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Value) của Medigo tăng trưởng 8 lần. Hiện, ứng dụng này có 200.000 người sử dụng, nhận nhiều phản hổi tích cực của người dùng.