Cấp bách cứu người lao động mất việc làm do Covid-19

An Chi - 09:14, 08/09/2021

TheLEADERĐa số người lao động mất việc làm do dịch Covid chỉ có đủ tiền cầm cự trong vòng 1 tháng.

Cấp bách cứu người lao động mất việc làm do Covid-19
Đời sống của công nhân, người lao động đã mất việc đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn

Covid-19 đẩy hàng loạt người lao động mất việc làm

Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với VnExpress tiến hành, đời sống của công nhân, người lao động đã mất việc đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Khảo sát trên hơn 70.000 người lao động cho thấy, có tới 62% người lao động đang mất việc, số người lao động đang có việc chỉ chiếm là 38% (tương đương với khoảng hơn 26.000 người trả lời khảo sát).

Về tỷ lệ nhóm tuổi của người lao động mất việc phần lớn là từ 31 đến 45, chiếm nhiều nhất với khoảng 69,4%. Nhóm người mất việc từ 16 đến 30 tuổi chiếm 16,3%. Nhóm mất việc từ 46 đến 60 tuổi chiếm khoảng 13,2% và nhóm người mất việc trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,2%. 

Nhóm người lao động từ 31 đến 45 tuổi tiếp tục là nhóm đứng đầu trong tỷ lệ người lao động có việc trong đại dịch Covid-19 với khoảng 68%. Nhóm người từ 16 đến 30 tuổi có việc chiếm khoảng 20%, nhóm người từ 46 đến 60 tuổi có việc chiếm khoảng 11% và cuối cùng nhóm người trên 60 tuổi có việc chiếm khoảng 1%.

Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, tỷ lệ mất việc làm tăng dần theo nhóm tuổi. Nhóm tuổi từ 16 đến 30 thì tỷ lệ mất việc làm là 56,3%, nhóm tuổi từ 31 đến 45 tuổi và nhóm tuổi từ 46 đến 60 tuổi có tỷ lệ mất việc là trên 60%. 

Nhóm tuổi trên 60 trước đây được coi là nhóm tuổi ngoài lực lượng lao động, tuy nhiên nhóm tuổi này vẫn có nhu cầu tìm việc và phần lớn là lao động tự do vì họ không có các khoản lương hưu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi đến tuổi 60. Nhóm này có tỷ lệ mất việc là 76%.

Về tình trạng việc làm theo phân ngành kinh tế lớn, tỷ lệ mất việc cao nhất trong ngành xây dựng chiếm 66,8%; dịch vụ 63%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp 48,4%.

Trong khu vực dịch vụ, tỷ lệ mất việc cao nhất 87% thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch; dịch vụ giúp việc, bảo vệ. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch lần đầu vào đầu năm 2020 và đến đợt dịch bùng phát từ tháng 5/2021 cùng với các chính sách giãn cách tại các thành phố lớn thì các hoạt động ăn uống bị đóng cửa nên đây là nhóm có tỷ lệ mất việc lớn nhất. 

Tỷ lệ lao động mất việc ở trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 33,1%, phần lớn lao động làm trong lĩnh vực này là lao động làm trong các phòng khám tư nhân. Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 52,2%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng.

Đa số người lao động mất việc chỉ đủ tiền đảm bảo cuộc sống dưới 1 tháng

Trong bối cảnh đại dịch, số người lao động mất việc không chỉ chiếm tỷ lệ lớn mà nghiêm trọng hơn là đa số họ không đủ nguồn tiền dữ trự để đảm bảo cuộc sống hiện tại. Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, gần 50% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. 

Hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.

Trong khi đó, có tới 50% người lao động tham gia khảo sát đã bị mất việc từ 1-3 tháng. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.

48,2% số người trả lời là không thể kiếm được việc để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới. Ngoài ra một cách thức để người lao động thử sức tìm kiếm/tạo việc làm cho mình sau khi mất việc là thực hiện các hoạt động kinh doanh online như bán hàng online, với gần 21% số người mất việc muốn thử sức trong nền tảng online. 

Khoảng 10% số lao động mất việc sẽ thực hiện việc tham gia vào “chạy xe công nghệ” để đảm bảo cuộc sống. Chỉ có 0,6% số lao động mất việc trả lời chờ đợi công ty cũ mở cửa trở lại để quay trở lại làm việc.

Cuộc sống khó khăn do mất việc, 45% người mất việc phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Tỷ lệ số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%.

Đáng chú ý, con số về lao động mất việc do ảnh hưởng về dịch tiếp cận được “Từ gói hỗ trợ của nhà nước” là nhỏ nhất và rất nhỏ chỉ đạt 2%. 1,5% người lao động nhận được Bảo hiểm Thất nghiệp khi mất việc.

8 kiến nghị cấp bách "cứu" người lao động đang mất việc

Theo khảo sát ý kiến từ người lao động, hiện nay, Nhà nước có truyền thông về các gói hỗ trợ người lao động trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên số tiền thực sự đến được tay họ quá ít. Hiện có rất nhiều người là lao động tự do, người kinh doanh, bán hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Đa số người lao động cho rằng, các cấp chính quyền nên có hình thức trợ cấp phù hợp, đúng đối tượng. Đơn cử như đối với các gói hỗ trợ công nhân, cơ quan quản lý nhà nước nên thông qua các công ty để lên danh sách người được thụ hưởng do mất việc bởi nhiều công nhân ở trọ, không có địa chỉ tạm trú rõ ràng nhưng mất việc và không rành về thủ tục nên không phải là đối tượng. Hoặc nếu muốn được hưởng hỗ trợ thì họ phải chứng minh bằng các giấy tờ với các yêu cầu xác nhận trong bối cảnh nhiều nơi giãn cách, người lao động không đi lại được.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục cho mọi người dân có thể nhận được hỗ trợ, không phải chỉ những người lao động có bảo hiểm xã hội mà Nhà nước có thể mua hàng hóa của người nông dân để phát cho người dân. "Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt và linh động hỗ trợ cho người dân, công khai, minh bạch công tác phát tiền trợ cấp tại các phường/xã, tiền có thể được chuyển vào thẻ hoặc áp dụng thẻ mua hàng cho người dân thực sự khó khăn.

Các cấp chính quyền địa phương cần cấp phát khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách, ai không có ăn thì cần cấp phát khẩn cấp ngay không phân biệt đối tượng, không đòi hỏi giấy tờ. Nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện việc giãn cách xã hội tại những vùng dịch bùng phát mạnh.

Thứ hai, liên quan đến chính sách tiêm chủng vắc xin, hiện nay một số quận tại TP. HCM quá cứng nhắc, bắt buộc phải có tạm trú/hộ khẩu, gây khó khăn cho người dân muốn tiêm và giảm tốc độ phủ vắc xin của thành phố. 

Do đó, người lao động đề xuất Chính phủ cần tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm. Tiêm vắc xin nhanh nhất cho nhóm người có nguy cơ cao như người già hơn 60 tuổi hoặc các đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cân nhắc tiêm vắc xin cho trẻ em để đảm bảo việc đến trường an toàn và sớm tiêm vắc xin cho những tiểu thương buôn bán tại chợ và cho các chợ hoạt động lại an toàn. 

Thứ ba, để giải quyết các khó khăn về thu nhập, công việc, người lao động đề xuất các cơ quan địa phương nên cung cấp thông tin tuyển dụng tại từng thôn, ấp, xã phường để người dân có thể tìm hiểu và ứng tuyển; tổ chức các buổi học online phổ biến kiến thức về các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người mất việc, phối hợp với các doanh nghiệp để thông tin về việc làm đến người lao động.

Chính quyền địa phương hỗ trợ, tiếp cận, đào tạo các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể các hình thức bán hàng online, sàn thương mại điện tử, có chính sách hỗ trợ người lao động trong độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi) kiếm được việc làm.

Thứ tư, liên quan đến các khoản thuế, phí, lãi vay, người lao động đề xuất cần có giải pháp giảm thuế cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để tạo tâm lý yên tâm khi khởi động lại việc kinh doanh. Hiện nay, những đối tượng này bị thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn phải đóng các loại thuế trong suốt thời gian ngừng kinh doanh, vì vậy, Chính phủ cần có chính sách về việc giảm lãi suất ngân hàng hoặc hoãn trả các khoản vay cho người lao động bị mất việc do dịch đến khi ổn định tình hình; tạo các gói vay lãi suất thấp để các hộ kinh doanh cá thể có điều kiện tiếp cận vốn tái hoạt động.

Thứ năm, để tháo gỡ khó khăn trong đời sống sinh hoạt, người lao động đề xuất Chính phủ nên tạo một sàn thương mại điện tử tập trung, tích hợp các phương thức vận chuyển nhanh để người dân không phải đi chợ truyền thống. Đồng thời, giảm giá tiền điện, tiền nước sinh hoạt; có chính sách hỗ trợ/vận động các chủ hộ cho thuê miễn/giảm tiền thuê nhà trong thời gian thực hiện giãn cách; kiểm soát để bình ổn giá cả hàng hoá, miễn/giảm học phí cho con em người lao động, sinh viên vùng dịch; kiềm chế không để giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh. 

Thứ sáu, liên quan đến các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của lao động tự do, hộ gia đình, người lao động đề xuất cần bổ sung các quy định rõ ràng cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ để các đơn vị này có thể kinh doanh trong mùa dịch.

Thứ bảy, về chính sách/công tác chống dịch, người lao động đề xuất, khi hệ thống y tế quá tải, các địa phương nên có những kênh chính thống phổ biến cách phòng chống bệnh. 

Đối với các trường hợp nhiễm, nên phân theo từng cấp độ nên làm gì, không làm gì, trở nặng nên liên hệ ai và xử lý như thế nào theo từng khu vực; nhất quán các quy định chống dịch, thực hiện quyết liệt và triệt để Chỉ thị 16+ để nhanh chóng kiểm soát dịch. Nhân lực y tế nên tập trung vào điều trị các ca nhiễm có triệu chứng, còn các ca nhiễm không có triệu chứng thì chính quyền địa phương quản lý tại nhà hay tập trung do y tế quận quyết định.

Thứ tám, để tháo gỡ khó khăn trong di chuyển, lưu thông hàng hóa, người lao động đề xuất, giấy đi đường bản giấy đang khiến các công ty đình trệ sản xuất, giao thương khó khăn dẫn đến giá cả tăng, hàng hóa thiếu hụt, không cân bằng giữa các khu vực. Do đó, Chính phủ cần cấp thẻ/mã di chuyển điện tử được quản lý bởi hệ thống của Chính phủ và nguồn dữ liệu về nhân sự được cấp thẻ/mã phải đồng bộ giữa các chốt/trạm/điểm kiểm soát.

Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước nên ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng hóa; các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa, lương thực thực phẩm. Đồng thời, các địa phương cần nới lỏng giãn cách dần bằng cách quản lý bằng mã QR cho mỗi người dân khỏe mạnh tham gia lao động, sản xuất để từng bước ổn định đời sống.