Cắt giảm chi phí giúp Habeco lãi 325 tỷ đồng nửa đầu năm 2018

Trần Anh - 17:56, 01/08/2018

TheLEADERNgoại trừ chi phí quảng cáo 220 tỷ đồng được duy trì, các chi phí bán hàng khác và chi phí quản lý doanh nghiệp của Habeco đều được cắt giảm trong nửa đầu năm 2018.

Cắt giảm chi phí giúp Habeco lãi 325 tỷ đồng nửa đầu năm 2018
Chi phí quản lý doanh nghiệp của Habeco đã giảm 18% trong 6 tháng đầu năm.

Bia Hà Nội (Habeco), doanh nghiệp sản xuất bia lớn thứ 3 Việt Nam công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm cho thấy thị trường không có nhiều dư địa tăng trưởng, bất chấp cuối quý 2 là thời điểm World Cup đang được tổ chức.

Thậm chí, quý 2 ghi nhận doanh thu của Habeco có phần sụt giảm nhẹ khi đạt doanh thu 2.928 tỷ đồng, kém 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 4.337 tỷ đồng, tăng 2,6%.

Việc doanh thu của Habeco gần như đi ngang là điều đã được dự báo từ trước. Các công ty chứng khóa nhận định, doanh thu và sản lượng bia tiêu thụ của Habeco năm nay khó có thể tăng trưởng, trong bối cảnh công ty bị các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Heineken hay Budweiser cạnh tranh quyết liệt.

Thị phần bia Hà Nội những năm qua cũng giảm liên tục, từ mức 20% năm 2016 xuống còn khoảng 15% trong năm nay. Sản phẩm của bia Hà Nội cũng gặp khó khăn khi bị ‘đẩy’ xuống phân khúc tiêu dùng thấp là bia hơi và phải nhường lại thị phần bia chai, bia lon cho những nhãn hiệu tên tuổi khác.

Trước thềm đại hội cổ đông năm nay, dàn nhân sự của Habeco còn diễn ra một đợt xáo trộn lớn, khi cả 2 vị trí quan trọng nhất là chủ tịch và tổng giám đốc đều được thay thế. Sau đợt chuyển đổi nhân sự, công ty tuyên bố 2018 sẽ là năm bắt đầu quá trình cải tổ lại bộ máy hoạt động của công ty và chuẩn bị diện mạo mới cho bia Hà Nội trong vòng 5 năm tới.

Quá trình tái cơ cấu đó, phần nào đã được thể hiện trong 6 tháng đầu năm, khi Habeco đang xiết chặt dần chi phí vận hành doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được quản lý chặt chẽ. 6 tháng năm 2018, chi phí bán hàng của bia Hà Nội tốn 553 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 18%, còn 194 tỷ đồng so với mức 236 tỷ đồng năm 2017.

Cắt giảm chi phí giúp lãi từ hoạt động kinh doanh của Habeco tăng tốt, gần 8% dù doanh thu đi ngang. Công ty báo lãi sau thuế 325 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 313 tỷ đồng 6 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi nhiều hoạt động bị cắt giảm, Habeco vẫn chi khá nhiều tiền cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ. Nửa đầu năm, công ty chi khoảng 220 tỷ đồng cho hoạt động này, tương đương năm ngoái. Số tiền chi cho quảng cáo thậm chí còn có xu hướng tăng lên trong quý 2 năm nay, thời điểm Habeco ổn định lại nội bộ công ty và tập trung hơn vào hoạt động bán hàng khi tung ra những sản phẩm mới, thương hiệu mới.

Ông Ngô Quế Lâm, tân tổng giám đốc của Habeco cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Habeco đặt ra lúc này đó là tăng cường hỗ trợ cho hệ thống phân phối của mình. Hiện tại, công ty có khoảng 100 nhà phân phối lớn, tập trung chủ yếu ở phía Bắc.

Ngoài ra, theo ông Lâm, Habeco còn hướng tới việc tạo tạo ra thêm giá trị gia tăng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Công ty đang bán 9 sản phẩm, bao gồm bia chai và bia lon thương hiệu Hà Nội và Trúc Bạch cũng như bia hơi thương hiệu Hà Nội. Trong khi đó, danh mục của Sabeco gồm 11 sản phẩm.

Habeco đang tiến hành tái định vị lại một số thương hiệu cũ và cho ra đời những sản phẩm mới. Trong tháng 8 này, trong chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm thành lập, Habeco dự kiến tung ra thị trường bộ nhận diện thương hiệu mới cho bia Trúc Bạch – dòng sản phẩm cao cấp và lâu đời nhất của Habeco.

Hoạt động tái cơ cấu của Habeco diễn ra trong bối cảnh quá trình bán vốn nhà nước tại đây cho nhà đầu tư chiến lược gặp nhiều trở ngại. Carlsberg, đối tác ngoại lớn nhất của Habeco, đang nắm giữ trên 17% cổ phần của doanh nghiệp này không sẵn sàng mua lại công ty bằng mọi giá. 

Về phía Nhà nước, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong trường hợp thương vụ với Carlsberg không thành, Bộ Công thương sẵn sàng tìm kiếm đối tác chiến lược khác cho Habeco. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là cam kết trong hợp đồng đã ký với Carlsberg ưu tiên đơn vị này mua cổ phần nhà nước tại Habeco.