Central Retail: Bao bì, nhãn hiệu là lợi thế cạnh tranh lớn của nông sản

Hường Hoàng - 07:59, 31/10/2022

TheLEADERCentral Retail đang quản lý và vận hành nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam như: Big C, Top Market… với mạng lưới bán lẻ bao phủ 40 tỉnh thành trên cả nước. Là một trong những doanh nghiệp đầu chuỗi, Central Retail luôn cố gắng kết nối và nâng tầm nông sản Việt.

Central Retail: Bao bì, nhãn hiệu là lợi thế cạnh tranh lớn của nông sản
Sinh kế cộng đồng là một chương trình hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân hiệu quả của Central Retail (Anhr: VietQ)

Trong hành trình đó, Central Retail luôn lưu ý rằng, ngoài vấn đề chất lượng và quy trình chăm sóc nông sản, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần cực kỳ chú trọng đến vấn đề nhãn hiệu, bao bì và khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Hỗ trợ chiết khấu thương mại đến 0% 

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, Central Retail đã và đang thực hiện nhiều chương trình kết nối nông sản Việt, trong đó có 3 chương trình chính: Quảng bá thương hiệu Việt, Sinh kế cộng đồng và Hỗ trợ nông sản Việt.

Chương trình Quảng bá nông sản Việt là chương trình định kỳ hàng năm được Central Retail tổ chức để giới thiệu và kết nối các nhà cung ứng Việt Nam với thị trường của Thái Lan.

Trong khi đó, Hỗ trợ nông sản Việt là chương trình bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng như đưa nông sản địa phương chất lượng cao đến tay khách hàng với giá hấp dẫn.

Và cuối cùng, Sinh kế cộng đồng là chương trình dành cho các hộ nông dân nhỏ lẻ từ các vùng núi xa xôi, giúp họ có cơ hội được đưa sản phẩm đến kênh bán lẻ của Central Retail.

Cụ thể, về mặt thủ tục, có 5 bước để doanh nghiệp có thể đưa nông sản vào được hệ thống bán lẻ của Central Retail.

Bước đầu tiên, doanh nghiệp, hộ nông dân cần đăng ký kinh doanh, thông báo tài khoản ngân hàng, các giấy chứng nhận cơ sở rồi các giấy chứng nhận khác và các báo giá và các sản phẩm mẫu của quý vị. Với những thông tin đó, Big C sẽ đi đánh giá thực tế cơ sở của nhà cung cấp.

Đây là bước cực kỳ quan trọng, bởi qua kinh nghiệm hoạt động và trải nghiệm xác minh nguồn gốc thực tế của Central Retail, có rất nhiều trường hợp khác xa so với thực tế, khi doanh nghiệp đến thực địa tận nơi. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân cần phải rất chú trọng vào quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, để có thể đồng hành lâu dài cùng khách hàng và Central Retail.

Sau khi khảo sát thực tế và nhận biết quy trình sản xuất phù hợp, Central Retail sẽ duyệt hồ sơ, đàm phán và ký kết hợp đồng. Bước này có một điểm nổi bật cần lưu ý đó là: hệ thống của Central Retail đang áp dụng chiết khấu thương mại 0% đối với hợp tác xã và các hộ nông dân. Đây là chiến lược mục tiêu của Central Retail, nhằm đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam, làm cho cuộc sống của người dân trở nên tốt đẹp hơn.

Tiếp theo, Central Retail sẽ đánh giá lại tất cả những yếu tố về sản phẩm, chất lượng về giá cả và các điều khoản phân phối khác. Giờ đây, doanh nghiệp nông nghiệp chỉ cần tạo dữ liệu sản phẩm trên hệ thống của Central Retail. Hệ thống đặt hàng của Central Retail sẽ đảm bảo tất cả những sản phẩm của các nhà cung cấp sẽ được bày bán ở tất cả 41 cửa hàng của hệ thống.

Bà Phương cho biết: “Chúng tôi có hệ thống ra hàng tự động, để đảm bảo rằng khi chúng ta đã kí kết với nhau thì hợp đồng cung cấp sẽ được thực hiện một cách liên tục. Không phải vì bất cứ một yếu tố gì, chẳng hạn vì một sản phẩm này vùng A không thích, vùng B không thích, hay sản phẩm này đến từ vùng thu mua miền Bắc thì chắc gì miền Nam đã yêu thích… mà một sản phẩm không được phân phối ở một siêu thị nhất định”.

Một khi Central ký kết hợp đồng với nhà cung cấp, thì trong vòng 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng thì sản phẩm của nhà cung cấp sẽ có mặt trên toàn quốc, để khách hàng có cơ hội trải nghiệm như nhau, không phân biệt vùng miền, khoảng cách. Central Retail sẽ ưu tiên tất cả các nhà cung ứng có thể đảm bảo sự xuyên suốt trong toàn bộ quá trình cung ứng.

Đối với quá trình cung ứng, giải pháp logistic của Central Retail đó là xây dựng 3 tổng kho chính. Nhà cung ứng chỉ cần giao hàng trực tiếp đến những kho đó, từ kho tổng Central Reatail sẽ phân phối về các siêu thị, nhà cung ứng không phải giao trực tiếp đến các đơn vị nhỏ lẻ. Đây là một cách rất là tốt để có thể đảm bảo đó về sản lượng cung cấp của nhà cung ứng, cũng là bảo vệ tiêu chuẩn chất lượng đồng nhất tại các vùng miền.

Cuối cùng, Central Retail sẽ thanh toán 2 lần một tháng vào ngày 5 và 15 hằng tháng và hóa đơn đến hạn là 15 ngày kể từ khi giám đốc nộp hồ sơ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu như nhà cung cấp chậm hồ sơ 1 ngày vì lí do gì đó về giá không khớp hay thủ tục chưa hoàn tất thì sẽ phải đợi lần thanh toán kế tiếp vào khoảng 10-15 hôm sau.

Bao bì, nhãn hiệu là lợi thế cạnh tranh lớn của nông sản

Khi các doanh nghiệp đưa hàng hóa ra các kho, các kho sẽ là bên kiểm soát chất lượng lần một, sau đó cửa hàng sẽ là bên kiểm soát chất lượng lần hai. Để đảm bảo mẫu mã và chất lượng của nông sản, Central Retail đã xây dựng một bộ tiêu chuẩn rất kỹ càng dựa vào kinh nghiệm phân phối hàng của hệ thống.

Central Retail: Bao bì, nhãn hiệu là lợi thế cạnh tranh lớn của nông sản
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail, tham gia chương trình Sinh kế cộng đồng ở Sơn La (Ảnh: Tạp chí Công thương)

Bà Phương nhấn mạnh: “Có thể với quý vị thì sản phẩm này là tốt rồi, thế nhưng với góc độ doanh nghiệp, với kinh nghiệm kinh doanh lâu năm làm việc với khách hàng thì chúng tôi lại thấy là nó phải như thế này thì mới là ổn. Để tránh tình trạng tranh chấp xảy ra trong quá trình giao hàng, bán hàng, chúng tôi đã tạo nên bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho hệ thống Central Retail.

“Chẳng hạn, với sản phẩm cà rốt, Central Retail nhận định chiều dài thích hợp của cà rốt khi bán trong siêu thị sẽ là 15-20cm, chứ không phải là cứ dài hay to hơn là tốt. Đối với khách hàng, họ sẽ thích kích cỡ như thế này thôi, người ta không thích kích cỡ lớn hơn. Đó thì cái mà quý vị cần lưu ý,” bà Phương cho biết thêm.

Central Retail rất quan tâm đến các yếu tố bên ngoài của sản phẩm. Theo bà Phương, trước đây 10 năm, cái khách hàng quan tâm đầu tiên là giá cả, sau đó mới đến chất lượng. Thế nhưng ngày hôm nay, với khả năng kinh tế được nâng cao, điều đầu tiên mà khách hàng quan tâm đến là chất lượng của sản phẩm, sau đó mới đến giá cả.

Vậy làm sao để khách hàng biết đâu là một sản phẩm chất lượng khi chưa từng mua? Rõ ràng, thời điểm ban đầu, khách hàng sẽ đánh giá sản phẩm qua thiết kế và trưng bày mẫu mã.

Bà Phương cho biết: “Bản thân Central Retail cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp có đầu tư về bao bì và nhãn hiệu. Tức là 2 nhà cung ứng như nhau, nhưng nhà cung ứng nào đem lại bộ mặt phù hợp với mặt định lượng, định tính và hình ảnh, thì chúng tôi sẽ ưu tiên sản phẩm đó.”

Có hai lí do khiến các siêu thị ưu tiên những nhà cung ứng như vậy.

Thứ nhất, khi kinh doanh, Central Retail nói riêng và các siêu thị nói chung rất ưu tiên những nhà cung cấp có thể cung ứng lâu dài. Tính lâu dài ở đây có thể liên quan đến nhiều yếu tố nhưng đương nhiên bao bì và mẫu mã là một yếu tố rất quan trọng, đảm bảo tính ổn định trong việc trải nghiệm sản phẩm của khách hàng.

Bà Phương nhấn mạnh: “Nếu không có bao bì và mẫu mã, thì chỉ cần nhìn thôi, chúng ta sẽ rất loạn với 40.000 sản phẩm ở siêu thị. Giữa một kệ hàng với rấtnhiều sản phẩm, khách hàng sẽ chẳng thể nào có ấn tượng với sản phẩm của quý vị nếu không có bao bì, mẫu mã.”

Yếu tố thứ hai liên quan đến lợi ích của người kinh doanh. Ví dụ, với sản phẩm lê, thông thường nhà cung cấp bán ở chợ với giá 20.000 VNĐ/kg, thế nhưng chi phí vận chuyển khiến cho giá lê trong siêu thị tăng lên 30.000-40.000 VNĐ. Vậy yếu tố nào khiến khách hàng muốn mua lê trong siêu thị với giá 30.000, 40.000 VNĐ thay vì giá 20.000 VNĐ ngoài chợ?

Với sản phẩm có bao bì với định dạng về mặt địa lý, có khả năng truy suất nguồn gốc, khách hàng mới biết được về vùng trồng và quy trình sản xuất của sản phẩm. Từ đó, mặc dù giá trong siêu thị có thể cao hơn đến 30% so với sản phẩm ngoài chợ, khách hàng vẫn có thể sẵn sàng chi vì họ hiểu về sản phẩm và chất lượng sản phẩm.

Central Retail rất khuyến khích nhà cung cấp trang bị có QR code trên các loại nông sản, để khách hàng có thể truy suất được nguồn gốc. Và chẳng hạn, để lần sau, đến mùa nhãn, mùa vải, mùa lê… người tiêu dùng sẽ vào hệ thống siêu thị Big C và mua được đúng sản phẩm họ cần.

Rõ ràng, bao bì và nhãn hiệu là một yếu tố vô cùng quan trọng. Khi doanh nghiệp càng tinh tế và càng tìm hiểu rõ về vấn đề này thì sẽ càng có lợi thế cạnh tranh.

Bà Phương nhấn mạnh: “Đối với tệp khách hàng du lịch người Hàn Quốc, Trung Quốc của Central Retail, họ rất thích sản phẩm hạt điều. Thế nhưng tại sao họ chỉ chọn những sản phẩm ở những cái túi giấy xinh xắn hay sản phẩm trong những cái lọ rất thân thiện với môi trường, thay vì những chiếc túi plastic như trước đây?”

Theo bà Phương, rõ ràng những sản phẩm này đã có vẻ ngoài rất khác, rất sáng tạo, tinh tế so với những bao bì truyền thống, không gây nhiều ấn tượng trong lòng khách hàng. Đó là lí do tại sao doanh nghiệp ngày càng phải chú ý đến tầm quan trọng của nhãn hiệu, bao bì, và khả năng truy suất nguồn gốc của sản phẩm, từ đó nâng cao doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời nâng tầm nông sản nước nhà.