Chân dung ông chủ quyền lực nhất VPBank

Tiêu Phong - 07:41, 15/08/2017

TheLEADERVới giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu khi lên sàn vào ngày 17/8, gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng sẽ lọt vào danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Chân dung ông chủ quyền lực nhất VPBank
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VPBank Ngô Chí Dũng.

Mặc dù kín tiếng với giới truyền thông nhưng Ngô Chí Dũng lại là cái tên quen thuộc trong ngành ngân hàng. Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Dũng đã có 8 năm gắn bó với Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) từ năm 1996 với tư cách là cổ đông sáng lập và thành viên HĐQT.

Từ năm 2006, ông Dũng tiến thêm bước nữa khi trở thành Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trước khi chính thức đảm nhiệm vị trí cao nhất tại VPBank vào năm 2010.

Từ bán mỳ gói đến chủ ngân hàng

Ông Dũng sinh năm 1968, là kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga và là tiến sỹ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Một sự trùng lặp thú vị là, ông Dũng cũng như nhiều ông chủ ngân hàng cũng như các tập đoàn lớn ở Việt Nam đều xuất thân từ kinh doanh mỳ tôm.

Nếu như cặp bài trùng Phạm Nhật Vượng – hiện là Chủ tịch Vingroup và Lê Viết Lam – Chủ tịch Sun Group gây dựng lên “đế chế mỳ tôm” tại Ucraina thì cặp đôi Đặng Khắc Vỹ - Ngô Chí Dũng chiếm lĩnh thị trường Nga.

Công ty Rolton của ông Vỹ và Dũng thậm chí còn thắng trận trong “cuộc chiến mỳ tôm” tại Nga với hai “ông trùm” khác là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – những người sáng lập lên Masan và là một trong số ít cặp “đại gia Đông Âu” vẫn còn kinh doanh mỳ gói.

Khi trở về nước, cặp đôi Vỹ - Dũng tiếp tục đồng hành và đồng sáng lập Ngân hàng VIB. Mặc dù vậy, vị thế của ông Dũng khá mờ nhạt khi ông Vỹ trở thành Chủ tịch HĐQT VIB còn ông Dũng không có dấu ấn gì đáng kể.

Năm 2006, ông Dũng ‘chia tay’ người bạn kinh doanh lâu năm và bắt tay với những người từng là đối thủ ở Nga là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh để trở thành Phó chủ tịch HĐQT Techcombank. Mặc dù vậy, trong thời gian 4 năm ở ngân hàng này, vai trò của ông Dũng cũng khá mờ nhạt.

Cặp bài trùng của VPBank Ngô Chí Dũng và Nguyễn Đức Vinh

Chỉ đến khi ông Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank vào năm 2010 thì ông thực sự mới có lãnh địa riêng và tạo nên “cuộc cách mạng” trong kinh doanh ngân hàng này.

Trước thời điểm ông Dũng soán ngôi vị cao nhất VPBank, đã có cuộc giành giật quyết liệt quyền kiểm soát ngân hàng này giữa nhóm cổ đông cũ và mới, và đều thành danh từ kinh doanh ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Nhưng cuối cùng, nhóm cổ đông mới là ông Dũng đã chiến thắng, từ đó tạo bước ngoặt cho VPBank.

Lột xác VPBank

Ngay sau khi trở thành ông chủ quyền lực nhất VPBank, ông Dũng đã tiến hành một cuộc cách mạng về thương hiệu. Tên được đổi từ Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Cùng với đó là logo, biển hiệu được thay đổi, năng động hơn, hướng tới một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ chất lượng cao và không giấu giếm tham vọng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu.

Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lúc đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất khó khăn, giá phát hành lại cao nhưng khoản “tiền tươi thóc thật” ông Dũng bỏ ra để mua cổ phần đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng xuống tiền.

Thành công tiếp theo của ông Dũng là thuyết phục được người đồng nghiệp từng làm ở Techcombank là Nguyễn Đức Vinh về với VPBank vào năm 2012. Lúc đó, ông Vinh là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank và là người ‘có số má’ trong lĩnh vực ngân hàng với khoản lương triệu đô.

Cặp bài trùng Ngô Chí Dũng – Nguyễn Đức Vinh đã ‘song kiếm hợp bích’, tạo nên làn gió mới cho VPBank. Thay vì lựa chọn an toàn, VPBank lại kinh doanh các hoạt động rủi ro cao là cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit. 

Nhưng rủi ro cao thì mang lại lợi nhuận cao và trong những năm gần đây FE Credit là ‘con gà đẻ trứng vàng’, mang lại phần lớn lợi nhuận cho VPBank với thu nhập lãi thuần đạt 7.900 tỷ đồng trong năm ngoái và 5.324 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, có ba nhân tố chính đóng vai trò mấu chốt cho sự phát triển của VPBank.

Thứ nhất, năm 2016, VPBank nhận được gói tài chính từ IFC và Cathay United, bao gồm 100 triệu USD vay tổ chức kỳ hạn 5 năm và 25 triệu USD tài trợ thương mại. Nhờ diễn biến này, VPBAnk có thể hiện thực hoá mục tiêu tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam khi nhanh chóng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai, với sự thành lập của bộ phận dịch vụ ngân hàng điện tử đầu năm 2016, VPBank tiên phong triển khai chiến lược ngân hàng số.

Cuối cùng, VPBank đã xây dựng mô hình kinh doanh chuyên biệt cho các mảng có tiềm năng đầy đủ, các doanh nghiệp SME nhỏ, với các sản phẩm vay không đảm bảo có biên lợi nhuận tài chính cao hơn trong thị trường có tỷ lệ thâm nhập thấp tại Việt Nam.

Thị giá cổ phiếu vượt mặt Vietcombank

Ngày 17/8/2017, VPBank sẽ niêm yết hơn 1,33 tỷ cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Ở giá tham chiếu 39.000 đồng, VPBank rất có khả năng trở thành cổ phiếu ngân hàng đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán, bởi cổ phiếu của một ‘ông lớn’ khác là Vietcombank hiện đang giao dịch trong vùng giá 37.000-38.000 đồng.

Với mức giá này, gia đình ông Dũng sẽ trở thành những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán với tài sản hàng nghìn tỷ.

Hiện tại, ông Dũng, vợ và mẹ đẻ đang sở hữu hơn 14,5% vốn điều lệ của VPBank. Ở mức giá tham chiếu, tổng tài sản của ông Dũng và người thân lên đến gần 8.000 tỷ đồng.

Tại vùng giá tham chiếu, giá trị vốn hoá của VPBank chỉ đứng sau ba ‘ông lớn” Vietcombank, Vietinbank và BIDV, nhưng vượt xa các ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết.