Chật vật phát thanh truyền hình trong thời đại thông tin nhanh

Hoàng An - 14:44, 18/10/2023

TheLEADERTrong thời đại tiêu thụ thông tin nhanh từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, các đài phát thanh, truyền hình đang rơi vào thế chật vật trong bài toán tăng trưởng.

Chật vật phát thanh truyền hình trong thời đại thông tin nhanh
Các đài phát thanh, truyền hình đang rơi vào cuộc đua khốc liệt.

Doanh thu sụt giảm mạnh

Theo hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh truyền hình giữa Bộ Thông tin và truyền thông với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, Việt Nam có 64 đài địa phương, hai đài quốc gia, năm đơn vị hoạt động truyền hình, một đài truyền hình kỹ thuật số.

Hiện nay, hoạt động kinh tế của các đài truyền hình đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình trên cả nước đã giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy.

Mảng dịch vụ truyền hình trả tiền hiện có 35 đơn vị cung cấp, với tổng cộng 191 kênh truyền hình trong nước và 45 kênh nước ngoài. Triển vọng kinh doanh trong lĩnh vực này có phần khả quan hơn. So với 9 tháng năm 2022, năm 2023 khối dịch vụ truyền hình trả tiền đã có tăng trưởng dù chỉ là 1,4%. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã đạt 18,6 triệu trên cả nước.

Theo thông tin từ Viettel, video ngắn đang trở thành xu hướng nội dung phổ biến trên mạng xã hội với con số "khủng" là 97% người dùng Internet xem video ngắn.

Thời gian trung bình mỗi người xem video ngắn trên TikTok mỗi ngày là 46 phút. Rõ ràng, người hâm mộ truyền hình truyền thống ngày càng chuyển dịch đến việc xem trên các nền tảng OTT, YouTube và các mạng xã hội khác.

Doanh thu chính của truyền hình truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào nguồn quảng cáo. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong thói quen xem phim của người dùng, nguồn doanh thu này đang suy giảm theo thời gian. Quảng cáo dường như đã dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang các mạng xã hội, nơi các video ngắn đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Đổi mới và kết nối

Theo đánh giá tại Hội nghị, hiện dịch vụ truyền hình truyền thống đã đạt trạng thái bão hòa, còn dịch vụ truyền hình liên quan đến hạ tầng internet đang có sự phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt. Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang duy trì sự ổn định và tiến hóa theo xu hướng toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Huy Cường, Trưởng phòng quản lý dịch vụ tại Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, đã nêu rõ rằng để phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình cần tiến hành chuyển đổi số trong quản lý và vận hành dịch vụ để sẵn sàng thích nghi với sự biến đổi của thị trường.

Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Họ cũng cần liên tục nghiên cứu và phân tích khách hàng, tạo ra các gói dịch vụ phù hợp với sở thích của khán giả, có mức giá cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo không giảm chất lượng dịch vụ.

Các doanh nghiệp cũng cần thiết lập sự hợp tác để bảo vệ bản quyền nội dung trên không gian mạng và phát triển cơ chế phối hợp để tham gia mua sự kiện thể thao quy mô lớn.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác thông qua liên doanh và kết nối theo khung pháp luật, hết sức tích cực tham gia vào các hoạt động của các Hiệp hội ngành, để đẩy mạnh sức mạnh của Hiệp hội và bảo vệ đúng quyền lợi hợp pháp của các thành viên. Đồng thời, họ cần đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động trên thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất sự hợp tác tăng cường giữa các doanh nghiệp kinh doanh OTT và các đài truyền hình. Khác biệt với các nền tảng khác, truyền hình vẫn được đánh giá cao với lợi thế "uy tín và nội dung sạch". Nội dung từ các đài truyền hình vẫn luôn thu hút lượng lớn khán giả và được coi là bền vững, dù có sự cạnh tranh khốc liệt.

Chẳng hạn, quảng cáo trên truyền hình có thể đạt mức giá từ 400 - 600 triệu đồng vào khung giờ vàng. So sánh với việc cắt clip đăng lên mạng xã hội, doanh thu từ quảng cáo chỉ đạt khoảng 40 đồng mỗi lượt xem.

Vì vậy, khi các doanh nghiệp OTT phát sóng kênh hoặc chương trình từ các đài truyền hình trên nền tảng OTT, họ không chỉ không làm giảm giá trị quảng cáo của đài mà còn có thể tăng giá trị quảng cáo.

Hơn nữa, khi hợp tác để bảo vệ bản quyền nội dung trên mạng và tạo cơ chế chung để mua các sự kiện thể thao, văn hóa, và thời sự lớn, sự hiệu quả trong kinh doanh sẽ được tăng cường và bền vững hơn.