Chia sẻ mật khẩu Netflix có thể bị truy tố hình sự
Hường Hoàng
Thứ tư, 28/12/2022 - 10:43
Cơ quan giám sát bản quyền Vương quốc Anh cảnh báo, hoạt động chia sẻ mật khẩu các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video, Disney+ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy tố hình sự.
Mới đây, Văn phòng sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (IPO) đã hợp tác với Tập đoàn Meta trong một chiến dịch chống việc làm giả và vi phạm bản quyền. Một trong những nguyên tắc được xây dựng trong chiến dịch quy định rõ ràng rằng: Việc truy cập những dịch vụ phát trực tuyến mà không trả phí đăng ký là hành vi vi phạm bản quyền.
Trong bản hướng dẫn thi hành của mình vào ngày 21/12, ban đầu, IPO đã sử dụng cụm từ “chia sẻ mật khẩu trên các dịch vụ phát trực tuyến”, nhưng sau đó đã thay đổi cụm từ đó thành “truy cập… mà không phải trả phí đăng ký”.
Tước đoạt sức lao động của những người làm lĩnh vực sáng tạo
IPO cho biết: "Vi phạm bản quyền là một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp giải trí và sáng tạo. Việc chia sẻ mật khẩu, sử dụng các thiết bị hack để truy cập những bộ phim điện ảnh, phim truyền hình hoặc chương trình thể thao trực tiếp (live) mà không phải trả tiền đăng ký được coi là hành vi vi phạm luật bản quyền. Việc lấy những hình ảnh do người khác tạo ra và đăng tải lên mạng xã hội khi chưa được cho phép cũng gây tác động tương tự".
So sánh công việc sáng tạo nghệ thuật với những công việc khác, IPO cho biết: "Khi đi làm, chúng ta muốn được trả tiền lương. Và những người lao động trong ngành công nghiệp sáng tạo cũng không hề có sự khác biệt."
Ví dụ, trung bình, cần đến hàng trăm người để có thể hoàn thành một bộ phim. Trong đó, đội ngũ làm phim không chỉ có "đạo diễn và những ngôi sao điện ảnh" mà còn có "nghệ sĩ trang điểm, những người dọn dẹp, thợ mộc và vô số những vị trí khác nữa.”
IPO nhấn mạnh rằng bằng cách trả tiền cho một thuê bao, người xem có thể đảm bảo rằng "những người này sẽ tiếp tục làm việc" và "tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời".
IPO cho biết: "Ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang mang lại việc làm cho hơn 1,9 triệu người và đóng góp 84,1 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Vương quốc Anh. Nếu bạn không trả tiền cho các nội dung sáng tạo, bạn đang tước đi số tiền cần thiết cho hoạt động tái đầu tư những chương trình truyền hình, phim ảnh, và sự kiện thể thao tiếp theo".
Netflix ước tính rằng mỗi năm, thông qua hình thức chia sẻ mật khẩu, hơn 100 triệu hộ gia đình đã truy cập miễn phí vào những dịch vụ của họ trên toàn cầu. Trong đó, có tới 4 triệu tài khoản đến từ Vương quốc Anh. Netflix buộc phải chấp nhận hoàn cảnh này, mặc dù đây là hành vi vi phạm các điều khoản sử dụng của hãng.
Loay hoay chống vi phạm bản quyền
Đầu năm nay, công ty đã công bố sẽ thực hiện một kế hoạch nhằm ngăn chặn hành vi này. Cụ thể, Netflix sẽ cung cấp cho những người "dùng chùa" mật khẩu tính năng đóng phí bổ sung hàng tháng với tùy chọn “tài khoản phụ” hoặc “thành viên bổ sung”.
Theo đó, Netflix xây dựng kế hoạch này nhằm nâng cao doanh thu trong bối cảnh ngành phát trực tuyến toàn cầu đang chững lại, và dự định sẽ áp dụng kế hoạch này ở Anh vào năm tới.
IPO cho biết, chia sẻ mật khẩu là một hành vi phạm tội dân sự và hình sự. Và về mặt lý thuyết, những người thực hiện hành vi này có thể bị truy tố.
Người phát ngôn của IPO cho biết: “Trong các văn bản luật, có nhiều điều khoản quy định rằng hoạt động chia sẻ mật khẩu với mục đích cho phép người dùng truy cập các tác phẩm mà không phải trả tiền bản quyền là hành vi vi phạm luật dân sự và hình sự”.
“Tùy thuộc vào từng trường hợp, hành vi này có thể được coi là gian lận, vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc vi phạm bản quyền thứ cấp. Theo đó, với những trường hợp được quy định trong luật dân sự, nhà cung cấp dịch vụ có quyền khởi kiện thông qua tòa án nếu được yêu cầu.”
Những nhà khai thác truyền hình trả tiền như Sky đang liên tục sử dụng các hành động pháp lý để ngăn doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng dữ liệu bất hợp pháp của các chương trình giải trí và thể thao, nhưng đó không phải là xu hướng mà các công ty phát trực tuyến hiện tại theo đuổi.
Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại nhằm thúc đẩy cải cách và thực thi luật sở hữu trí tuệ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam, hoạt động này còn chậm chạp và có nhiều thiếu sót. Vậy, liệu vụ kiện giữa chú sói Wolfoo của Việt Nam và lợn Peppa Pig của Anh gần đây có góp phần làm thay đổi điều đó?
Bao năm qua, hàng giả, hàng nhái vẫn là một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận và làm đau đầu các nhà quản lý. Bên cạnh công tác quản lý, xử lý của các nhà chức trách, các doanh nghiệp, nhà phân phối cần bảo vệ quyền lợi của chính mình thông qua hoạt động sở hữu trí tuệ.
Năm 1950, Hàn Quốc là một trong nhưng nước nghèo nhất thế giới. Và sau 72 năm, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có GDP cao thứ 4 châu Á và cao thứ 10 trên thế giới. Nhiều yếu tố đã đóng góp vào sự thành công của Hàn Quốc, và sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong số đó.
Có nhu cầu lớn và đa dạng đối với những sản phẩm lợi thế của Việt Nam, châu Phi được đánh giá là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp Việt. Một trong những vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng để có thể thâm nhập hiệu quả vào thị trường châu Phi là quản lý tài sản trí tuệ.