Chiến lược thâu tóm để phát triển của NovaGroup

Quỳnh Chi - 13:39, 10/12/2021

TheLEADERSự hiện diện trên thị trường M&A lớn hơn trong những năm gần đây nhưng trên thực tế, quá trình phát triển của NovaGroup đã gắn liền với thị trường này từ rất lâu.

Chiến lược thâu tóm để phát triển của NovaGroup
10 - 20% quỹ đất NovaLand đang có chủ yếu do tự phát triển, đền bù đất còn lại là mua trên thị trường thứ cấp

Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thể hiện sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021 dù ở trong bối cảnh Covid. 

Trong mười tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019. Trong khi đó, số lượng giao dịch giảm nhẹ.

Hơn 500 số thương vụ được công bố trong mười tháng năm 2021. Trong đó, 58% tổng giá trị giao dịch M&A đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.

Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong mười tháng năm 2021. 

Trong đó, 11 thương vụ với tổng giá trị 1,13 tỷ USD được thực hiện bởi năm công ty hàng đầu của Việt Nam gồm Vingroup, Masan, NovaLand, Hoà Phát, Vinamilk.

Sự hiện diện của NovaGroup trên thị trường M&A khá rõ nét trong hai năm vừa qua. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Novaland cho thấy, hoạt động M&A của đơn vị này tập trung vào chất lượng hơn số lượng, các dự án có pháp lý tốt, giá cả hợp lý đã được hoàn tất.

Tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập của Novaland thực hiện năm ngoái lên đến hơn 19 nghìn tỷ đồng. 

Một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như bán Bất động sản Phong Điền, Cảng Phú Định, Bất động sản Phú Trí và Nova Nippon & Sun City; chi 8.575 tỷ mua vào bảy công ty và nắm cổ phần chi phối là Lucky House, Tân Kim Yến, Phúc Hoa, Thế kỷ Hoàng Kim, An Huy, Đầu tư Liberty và Du lịch Thanh Niên.

Đến ngày 31/12/2020, NovaGroup có 80 công ty con và bảy công ty liên kết. Quỹ đất tập đoàn này sở hữu và đang nghiên cứu khoảng 5.000ha với 50 dự án bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch.

Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup, sự hiện diện trên thị trường M&A lớn hơn trong những năm gần đây nhưng trên thực tế, quá trình phát triển của NovaGroup đã gắn liền với thị trường này từ rất lâu.

“10 - 20% quỹ đất NovaLand đang có chủ yếu do tự phát triển, đền bù đất còn lại là mua trên thị trường thứ cấp”, ông Phiên cho biết trong diễn đàn M&A Việt Nam năm 2021.

Chiến lược thâu tóm để phát triển của NovaGroup
Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup

Đối với ngành dịch vụ, khi quỹ đất tại TP.HCM khó khăn hơn trong giai đoạn 2017 - 2018, tập đoàn này quyết định ra ngoại tỉnh với các địa phương như Đồng Nai, Hồ Tràm, Phan Thiết… 

Trong đó, các thương vụ ở Đồng Nai có tổng giá trị giao dịch lên đến gần 1 tỷ USD. Các dự án được lựa chọn là những dự án có vị trí rất tiềm năng - thừa hưởng lợi thế phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong tương lai.

Bên cạnh đó, với phương châm của nhà sáng lập và công ty là kiến tạo và phụng sự cộng đồng, NovaGroup bắt buộc phải hệ thống xây dịch vụ hỗ trợ cho khu đô thị như hệ thống F&B, khu nghỉ dưỡng, giáo dục… 

Tất cả những nhánh nhỏ đó đầu tiên đều được NovaGroup tự phát triển, sau đó M&A để gom lại thành Nova Service Group hỗ trợ NovaLand để kiến tạo cộng đồng.

Với câu chuyện của Nova Consumer Group (tiền thân là Anova) khởi điểm là chuỗi vaccine, chuỗi thú y. Ông Phiên cho biết, mặc dù doanh thu rất đều nhưng nhu cầu nội thân của các cổ đông lớn là bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt thách thức mới nên từ năm 2019, Anova bắt đầu đổi tên là Nova Consumer Group và thực hiện một số thương vụ M&A như Cầu Đất Farm, PhinDeli…

“Chặng đường còn rất dài nhưng chiến lược là kiên định và rõ ràng”, ông Phiên cho biết.

Theo chuyên gia M&A Trịnh Quỳnh Giao, các tập đoàn lớn thường quyết định rút khỏi một số mảng không thành công. Ông Phiên cho biết, đây cũng là một mối quan tâm lớn của NovaGroup khi tăng trưởng nhanh với việc mua nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau.

Ông Phiên cho rằng, các nhà sáng lâp của doanh nghiệp Việt Nam khát vọng rất lớn lao, các thế hệ 5x-6x chưa bao giờ nhìn thị trường Việt Nam kém hấp dẫn cả, họ muốn vươn lên. Trong mười việc họ làm, họ chỉ cần 1-2 việc thành công là rất tốt.

“Các doanh nghiệp lớn đã thất bại rất nhiều thì mới có thành công như vậy. Việc chấp nhận thất bại, trong NovaGroup mọi người luôn phải chuẩn bị điều đó, tuy nhiên ở Nova, chúng tôi không dùng từ cố gắng mà luôn chạy 100%”, lãnh đạo NovaGroup cho biết.

“Kinh doanh nhiều khi là may mắn, nhưng mình phải hết sức đã”, ông Phiên khẳng định.

Để thực hiện các thương vụ M&A thành công, ông Phiên cho rằng, đối với người đi mua phải luôn “stay hungry”, luôn mong muốn tìm kiếm và thực hiện thành công các thương vụ; thực sự cởi mở và hành động nhanh nếu không sẽ tuột mất cơ hội.