Tiêu điểm
Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7% năm 2025
Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP năm nay đạt hoặc vượt 7%, với mức lạm phát dưới 4,5%.
Sang năm 2025, Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ cao hơn, khoảng 7-7,5%, với CPI bình quân ở mức 4,5%.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng là thu nhập bình quân đầu người, dự kiến đạt khoảng 4.900 USD vào năm 2025, tăng hơn 5% so với năm nay.
Tuy nhiên, chỉ tiêu này trong năm nay chưa hoàn thành khi vẫn thấp hơn 53-56 USD so với mục tiêu đặt ra (4.700-4.730 USD).
Thủ tướng lưu ý rằng, nếu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt trên 7%, mục tiêu này sẽ được đạt, giúp hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Những lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ trở thành những động lực chính cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Một ưu tiên lớn khác của Chính phủ là tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giải quyết nợ xấu và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.
Giải ngân vốn đầu tư công, vốn là điểm nghẽn trong nhiều năm qua, sẽ được đẩy nhanh từ đầu năm 2025, đặc biệt là ở các dự án quốc gia và công trình trọng điểm.
Chính phủ cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát, và hoàn thành xây dựng trên 100.000 căn nhà ở xã hội.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới như hydrogen, và đảm bảo không thiếu điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Quy hoạch điện VIII sẽ được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định cung cấp điện và đẩy mạnh các nguồn năng lượng bền vững.
Cùng với đó, hạ tầng sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong năm 2025, với kế hoạch hoàn thành các hạng mục chính của sân bay quốc tế Long Thành, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Nội Bài.
Chính phủ cũng có kế hoạch khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hoàn thành gần 3.000 km đường bộ cao tốc, tăng gần 1.000 km so với năm nay.
Phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, đã có những bước tiến lớn.
Tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão" đã giúp hoàn thành 2.021 km đường bộ cao tốc và đưa vào khai thác, cùng với dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn sáu tháng thi công.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn do chi phí sản xuất cao, sức mua trong nước có dấu hiệu chững lại.
Một số chương trình tín dụng triển khai chậm và tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Cụ thể, nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 8 là 4,7%, nếu không tính năm ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này là 1,99%.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao, khoảng 237.500 tỷ đồng, riêng quý IV chiếm hơn 32%.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt là tại các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Chính phủ cam kết đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch đề ra, đồng thời sẽ rà soát, chống lãng phí, thất thoát và tham nhũng trong các dự án giao thông, quốc gia trọng điểm.
Thủ tục hành chính cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Thẩm tra nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết cục diện thế giới dự báo sẽ có những diễn biến, chuyển động, thay đổi khó lường hơn.
Ở trong nước, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ.
Ông Thanh cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức. Trong đó, nợ xấu cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm trễ và biến động tỷ giá đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn đối mặt với khó khăn về cân đối nguồn cung, khiến giá nhà chung cư bị đẩy lên cao.
Người dân có nhu cầu thực về nhà ở gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm nhà ở do giá vượt khả năng chi trả. Đất nền tại các quận nội thành và vùng ven Hà Nội cũng tăng giá nhanh, đặc biệt ở những khu vực có thông tin lên quận.
Tình trạng "bỏ cọc" sau đấu giá và hiện tượng lũng đoạn, thổi giá đất đã khiến giá nhà đất tăng cao, việc mua bán hầu như trong giới đầu cơ, trong khi người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận do giá vượt khả năng chi trả.
Về đầu tư công, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lo ngại tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong chín tháng đầu năm rất thấp, chỉ đạt 47,3% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Do đó, ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó tìm giải pháp khắc phục để thúc đẩy giải ngân vốn.
Để đạt mục tiêu GDP tăng 7% vào năm 2025, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Chính sách tài khóa được tăng cường điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu.
Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, việc xử lý các vấn đề đất đai, ngăn chặn suy giảm trong thị trường bất động sản, và khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu cũng được coi là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới.
Tăng trưởng GDP năm nay dự kiến vượt 7%
HSBC, UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam được đánh giá lạc quan hơn, nhưng rủi ro còn cao.
Ngân hàng bi quan hơn về tăng trưởng lợi nhuận năm 2024
Chỉ có gần 80% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Con số này giảm đáng kể so với tỷ lệ 86,2% của kỳ điều tra trước.
12 giải pháp của Chính phủ để tăng trưởng kinh tế thời gian tới
Chính phủ đưa ra 12 giải pháp trọng tâm như khắc phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách thủ tục hành chính.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.