Chính phủ Na Uy và UNDP hỗ trợ thí điểm kinh tế tuần hoàn tại Bình Định

Phạm Sơn - 08:00, 19/06/2021

TheLEADERDự án thí điểm kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với tổng kinh phí 1,3 triệu USD do chính phủ Na Uy tài trợ.

Chính phủ Na Uy và UNDP hỗ trợ thí điểm kinh tế tuần hoàn tại Bình Định
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác dự án giữa UNDP và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. Ảnh: UNDP

Dự án nhân rộng các mô hình quản lý rác thải tổng hợp và toàn diện thông qua việc trao quyền cho người lao động khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn dự kiến sẽ được tiến hành trong thời gian 3 năm, triển khai và thử nghiệm những biện pháp hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn.

Các biện pháp cụ thể bao gồm xây dựng danh mục các biện pháp can thiệp để hỗ trợ lực lượng thu gom đồng nát, ve chai; ứng dụng mô hình quản lý trong lĩnh vực thủy sản và thành lập cơ sở tái chế vật liệu.

Dự án được triển khai bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), với mục tiêu làm tăng cơ hội sinh kế cho người lao động trong chuỗi giá trị rác thải, đặc biệt là nhóm phụ nữ thu gom rác phi chính thức và mở rộng các mô hình quản lý chất thải bền vững, toàn diện thông qua hỗ trợ, phát triển năng lực và chia sẻ kiến thức.

Thông qua đó, dự án đóng góp tích cực vào thực hiện hóa các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, dựa trên cơ sở của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Đây là hoạt động tiếp nối giai đoạn đầu tiên của dự án Mở rộng mô hình xã hội hóa về quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại 5 địa phương: Quảng Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định và Đà Nẵng, cũng do chính phủ Na Uy tài trợ.

Theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, giai đoạn 1 của dự án đã ghi nhận nhiều thành công khi thu hút được sự tham gia của cộng đồng địa phương, đặc biệt là người phụ nữ cùng chung tay chống rác thải nhựa và xây dựng kinh tế tuần hoàn.

“Điều này rất quan trọng trong bối cảnh phục hồi xanh hậu đại dịch”, bà Lochen nhận xét.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam kỳ vọng dự án giai đoạn 2 này sẽ tiếp tục kêu gọi được sự tham gia của các bên liên quan. Thông qua đó, kinh nghiệm và kiến thức về kinh tế tuần hoàn sẽ được củng cố và nhân rộng, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo ước tính, khu vực phi chính thức thu gom khoảng hơn 30% lượng rác thải, do đó có vai trò rất lớn trong bức tranh quản lý chất thải rắn ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong khu vực này là phụ nữ, không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết và bị hạn chế trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Tăng cường hiệu quả của nhóm phi chính thức để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng nằm trong nội dung hành động của nhiều tổ chức, chương trình như Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) hay sáng kiến Mạng lưới kinh tế tuần hoàn của tổ chức WasteAid.