Chủ đầu tư Alma Resort báo lỗ 831 tỷ đồng

Trần Anh - 15:10, 02/10/2023

TheLEADERCông ty Vịnh Thiên Đường, chủ dự án Alma Resort tại Cam Ranh, Nha Trang báo lỗ liên tục trong hai năm qua khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 1.575 tỷ đồng.

Chủ đầu tư Alma Resort báo lỗ 831 tỷ đồng
Dự án Alma Resort tại bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường vừa công bố định kỳ tình hình tài chính trong đó năm 2022 báo lỗ ròng 831 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, doanh nghiệp này cũng lỗ ròng 700 tỷ đồng.

Nhiều năm thua lỗ lớn khiến công ty âm hết vốn chủ sở hữu. Năm 2022, vốn chủ sở hữu của Vịnh Thiên Đường đã âm 1.575 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng so với thời điểm năm 2021.

Quy mô nợ phải trả của công ty gần 5.800 tỷ đồng, tuy nhiên công ty này không còn dư nợ trái phiếu. Trước đó, năm 2019 và 2020, công ty kinh doanh kỳ nghỉ dưỡng này phát hành thành công 3 lô trái phiếu tại thị trường trong nước, với giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Cụ thể, lô trái phiếu ALMA_BOND01_2019 được phát hành ngày 12/12/2019, kỳ hạn 1 năm, với giá trị 42,6 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm; lô trái phiếu ALMA_BOND02_2019 được phát hành vào ngày 03/1/2020, kỳ hạn 1 năm, với giá trị 166 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm; lô trái phiếu ALMA_BOND03_2020 được phát hành vào ngày 26/10/2022, kỳ hạn 2 năm, với giá trị 400 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm.

Công ty Vịnh Thiên Đường là chủ dự án Alma Resort tại Cam Ranh, Nha Trang, quy mô gần 600 căn hộ và biệt thự. Công ty Vịnh Thiên Đường cũng giới thiệu trên website là nhà tiên phong trong lĩnh vực sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam.

Mô hình sở hữu kỳ nghỉ đã có mặt trên thế giới hàng chục năm trước. Còn tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu phát triển từ năm 2019 với các nhà cung cấp như Vịnh Thiên Đường và một số doanh nghiệp khác.

Mô hình này cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Tại Việt Nam, mô hình này được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường. Các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí. 

Khách hàng sở hữu kỳ nghỉ có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Mặc dù vậy, hồi tháng 7, Bộ Công an đã cảnh báo người dân cẩn trọng khi ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Cơ quan này cho biết đã nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ, nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí. Đồng thời, khách hàng không thể bán lại cho người khác, cũng như không thể đòi lại được tiền.

Cũng theo Bộ Công an khuyến cáo, khi tham gia mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch, khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro. Hầu hết hợp đồng mua bán là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.