Chủ tịch HoREA: 'Nguy cơ ế vốn' gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Hứa Phương - 08:38, 09/06/2023

TheLEADERÔng Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, những điều khoản, quy định trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn nhiều bất cập dẫn đến nguy cơ bị ế vốn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đưa ra nhằm ưu đãi cho các chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2030 từ đầu tháng 4/2023. Theo đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư sẽ được vay với lãi suất 8,7%, người mua nhà vay với lãi suất 8,2%.

Bất cập trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Một dự án nhà ở xã hội do Becamex IDC triển khai ở Bình Dương (Ảnh Hạ Long)

Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, dù gói tín dụng 120.000 tỷ đã triển khai được 2 tháng nhưng chưa có dự án nào để cho vay. Việc chậm giải ngân này được lý giải là do yếu tố khách quan như việc các dự án hiện nay chủ yếu đang ở giai đoạn làm thủ tục đầu tư.

Tuy nhiên theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thì những điều khoản, quy định trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng còn nhiều bất cập.

Chủ đầu tư hưởng lợi, ít tác động đến người mua

Ông Châu phân tích, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.

Tuy nhiên, trong văn bản 2308/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi” đã dẫn đến sự ngộ nhận đây là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội.

Bởi lẽ, nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo hai tiêu chí. Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại. Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi phải kéo dài.

Trong khi với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lại được Ngân hàng Nhà nước quy định: áp dụng lãi suất 8,2%/năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Mức lãi suất này tuy thấp hơn mức 9%/năm mà người mua nhà ở xã hội đang vay hiện nay nhưng vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị.

Riêng mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư lại khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư. Lý do là mức lãi suất trung bình hiện nay có thể lên đến 12-13%/năm.

Chủ đầu tư được vay với lãi suất 8,7%/năm sẽ giúp kéo giảm giá thành, giá bán nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở của các dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Việc Ngân hàng Nhà nước quy định các mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xác định định kỳ 6 tháng một lần. Theo đó mức lãi suất 8,2%/năm, 8,7%/năm áp dụng đến ngày 30/06/2023 làm cho tâm lý của người vay bất an.

Thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Đối với chủ đầu tư, thời gian ưu đãi 3 năm chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình mà chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.

Có thể thấy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng tác động tích cực đối với các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng lại tác động khá hạn chế đối với người mua.

Nguy cơ bị ế

Theo Bộ Xây dựng, đã có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội tại 36 địa phương được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng, có tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng với 85.662 căn hộ, đã đăng ký vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên ông Châu đánh giá, số lượng dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn được chủ đầu tư chưa nhiều mà chủ yếu còn đang ở giai đoạn triển khai thủ tục đầu tư xây dựng. Do đó, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Bên cạnh đó, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa mặn mà vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do lãi suất lên đến 8,2%/năm, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng lãi suất vay ưu đãi này trong 5 năm và sau 5 năm thì ngân hàng thương mại và người mua, thuê nhà ở xã hội thỏa thuận lãi suất vay. Có thể nhận định là lãi suất sau khi hết thời hạn 5 năm ưu đãi sẽ cao hơn nên người mua nhà sợ, không dám vay.

Bởi vì như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% (tức là 200 triệu đồng) và được vay 80% (tức là 800 triệu đồng) với lãi suất 8,2%/năm thì năm đầu tiên người vay phải trả lãi bình quân 5,4 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn phải trả thêm nợ gốc.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước quy định người vay để mua, thuê nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi một lần để mua một căn nhà. Do đó, người vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8,2%/năm sẽ không còn được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm của Ngân hàng Chính sách xã hội nữa. 

Hơn nữa, hiện nay ngân hàng chính sách xã hội đang còn tồn gần 11.000 tỷ đồng thuộc gói ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm (thời gian áp dụng theo Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ) để cho vay mua, thuê nhà ở xã hội nhưng do không có nhà nên chưa có người vay.

Tính suất vay bình quân là 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỷ đồng thì ngân hàng chính sách xã hội còn có thể cho khoảng 18.000 người vay.

Nếu có nguồn cung nhà ở xã hội thì người mua, thuê sẽ lựa chọn vay ưu đãi tại ngân hàng chính sách xã hội thay vì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Do đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị ế vì người mua, thuê nhà ở xã hội không lựa chọn để vay.