Chuỗi cà phê lớn thứ hai Trung Quốc tiến vào Việt Nam

Việt Hưng - 14:59, 23/12/2023

TheLEADERCotti Coffee sẽ phải cạnh tranh với các chuỗi đồ uống trong nước như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, The Coffee House và Phúc Long.

Cotti Coffee - chuỗi cà phê lớn thứ hai ở Trung Quốc vừa mở mới liên tiếp ba cửa hàng tại Việt Nam. Dự kiến đến đầu năm sau, thương hiệu này sẽ có thêm chín cửa hàng nữa, tập trung vào thị trường TP.HCM và Hà Nội.

Tại Việt Nam, Cotti sử dụng hình ảnh của danh thủ Lionel Messi và đội tuyển bóng đá Argentina để thu hút người tiêu dùng trong nước.

Cà phê tại Cotti được giới thiệu là chọn lọc 100% hạt cà phê arabica chất lượng cao. Trong đó, hạt cà phê Sirius đạt Giải thưởng Bạch kim Cà phê Quốc tế IIAC 2023 và Giải Vàng là lựa chọn hàng đầu.

Thực đơn chủ yếu của Cotti Coffee xoay quanh cà phê và các loại trà hoa quả, trà sữa với mức giá trên dưới 50.000 đồng/sản phẩm.

Tại quê hương Trung Quốc, Cotti Coffee dù mới chỉ thành lập vào tháng 10/2022 nhưng đã nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của các thương hiệu lớn tại nước này, khi đã có hơn 6.000 cửa hàng.

Chuỗi cà phê được mở ra bởi những nhà sáng lập Luckin Coffee - chuỗi cà phê nổi tiếng đã vượt mặt Stabucks tại thị trường tỷ dân.

Ngoài Việt Nam, Cotti Coffee cũng đặc biệt quan tâm tới khu vực Đông Nam Á, khi đồng thời mở những cửa hàng đầu tiên tại Malaysia, Thái Lan trong tháng này.

Chuỗi cà phê lớn thứ hai ở Trung Quốc tiến vào Việt Nam
Chuỗi cà phê lớn thứ hai ở Trung Quốc tiến vào Việt Nam

Theo giới chuyên gia, để có thị phần tại Việt Nam, Cotti Coffee sẽ phải cạnh tranh với các chuỗi đồ uống trong nước như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, The Coffee House và Phúc Long.

Đây được xem là một thách thức lớn với các thương hiệu ngoại, khi nhiều chuỗi cà phê nước ngoài đã phải rời bỏ thị trường trước đó, như Gloria Jean’s, New York Dessert Coffee hay The Coffee Bean & Tea Leaf. 

Gần đây, hai thương hiệu đồ uống hiện đại là Mellower Coffee và Auntie Anne's cũng phải rời đi.

Có nhiều nguyên nhân khiến chuỗi đồ uống ngoại vẫn chưa thể bùng nổ tại Việt Nam. Theo CNBC, điểm khác biệt nằm ở yếu tố hương vị.

Còn theo Nikkei Asia, văn hóa bản địa cũng là một rào cản lớn với các chuỗi cà phê ngoại. Thay vì chọn lựa các quán cà phê sang trọng, người Việt dường như vẫn ưa chuộng các quán cà phê có thể ngắm phố phường, hoặc uống cà phê ngồi vỉa hè.

Do thiếu am hiểu tính bản địa, nhiều chuỗi cà phê ngoại phải thu hẹp quy mô, hoặc rời đi trong nuối tiếc. Một rào cản khác nằm ở mức giá. Theo Nikkei Asia, không nhiều người Việt Nam chấp nhận mức giá 90.000 - 100.000 đồng cho một ly cà phê.

Những nhận định này phù hợp với số liệu được công bố từ báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam.

Theo báo cáo này, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng, tương đương với mức chi ở các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House.

Và chỉ khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng, tương đương các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro.