Chuyên gia nêu 7 việc cần làm để TP. HCM sớm trở thành đô thị thông minh

Quỳnh Như - 10:03, 08/06/2018

TheLEADERVùng TP. HCM buộc phải thông minh hơn để cạnh tranh với các thành phố khác trên thế giới và vì không thể phát triển theo cách cũ.

Chuyên gia nêu 7 việc cần làm để TP. HCM sớm trở thành đô thị thông minh
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Giảng viên Trường Đại học Việt Đức

Theo các chuyên gia đến từ Đại học Việt Đức - một trong những thành viên tích cực trong công cuộc chuẩn bị xây dựng thành phố thông minh cho vùng TP. HCM - mô hình vận hành cho TP. HCM buộc phải khác biệt và có hiệu quả hơn so với các thành phố thông minh khác trên thế giới.

“Điều quan trọng hiện nay không phải là chuyện vùng TP. HCM có nên trở thành thành phố thông minh hay không mà nên làm gì để thông minh hơn. Vùng TP. HCM buộc phải thông minh hơn để cạnh tranh với các thành phố khác trên thế giới và vì không thể phát triển theo cách cũ.

Công nghệ đang có mặt khắp nơi, chúng ta phải biết dùng chúng để tích hợp tất cả mọi thứ. 1+1 sẽ bằng 5 chứ không phải bằng 2, các cơ quan tổ chức phải biết phối hợp với nhau để tạo ra kết quả tốt hơn”, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên Đại học Việt Đức khẳng định.

Theo ông Hiếu, từ góc độ quản lý phát triển, thành phố thông minh là nơi các hoạt động phối hợp được tích hợp mức độ cao, dựa vào xây dựng kết nối trong các lĩnh vực chủ chốt, sự phối hợp luôn phải ở tốc độ cao và chặt chẽ hơn, cho phép nhiều bên tham gia một cách dễ dàng.

Thành phố phát triển thông minh vận hành trên nền tảng thể chế tích hợp hơn, khi thay đổi cách quản trị, thể chế cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng tích hợp để phối hợp hành động. 

Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào khả năng phối hợp và khả năng mỗi bên tối đa hoá khả năng của mình trong quan hệ liên ngành/đa ngành. Muốn phối hợp được tất cả các thành phần, cần nền tảng thể chế đủ mạnh, lựa chọn tối ưu hơn chứ không nhất định phải tối ưu nhất.

Quản lý phát triển tích hợp là điều chỉnh cùng nhau thích ứng với bối cảnh thay đổi; là phối hợp hành động giữa các bên tham gia, đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển chung, giảm thiểu mâu thuẫn – chồng chéo, tiết kiệm nguồn lực…

Để trở nên thông minh hơn hiện tại, TP. HCM cần tích hợp những cái gì và như thế nào?

Đầu tiên, TP. HCM cần tích hợp trong hệ thống quản lý phát triển, hệ thống quản lý phát triển tích hợp cho phép các vấn đề liên ngành được xem xét và điều chỉnh đồng thời, đa chiều, đa cấp độ và đa chủ thể.

Trong hệ thống này, các hoạt động quản lý phát triển dự án, hạ tầng giao thông, quy hoạch phân khu, nguồn đầu tư công của thành phố cho đến hạ tầng nói chung là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả, cần tích hợp chặt chẽ hơn.

Thứ hai, thành phố cần tích hợp trong hệ thống quy hoạch, tập trung vào các đảm bảo kết nối giữa các ngành và các cấp theo khu vực. Việc quy hoạch hiện nay vẫn mang nặng tính “sản phẩm”, quy hoạch tích hợp phải là “quá trình”. Các đồ án làm theo sản phẩm thường xuyên phải cập nhật theo đề xuất, còn quy hoạch tích hợp sẽ điều chỉnh theo quy tắc và xu hướng được cảnh báo trước.

Hiện tại, các ban ngành của thành phố cần phải được đánh giá mức độ phụ thuộc lẫn nhau trong thực thi và kết quả đầu ra, các bên tham gia sẽ xác định phạm vi phối hợp: tích hợp những gì, cần tích hợp ở khâu nào, khi có khác biệt thì ưu tiên ai và công cụ hỗ trợ nào…

Thứ ba, tích hợp quy hoạch đô thị với kế hoạch nguồn lực và thực thi, việc kết nối về không gian và thời gian đã có các công cụ pháp lý; thách thức lớn nhất của quy hoạch đô thị vẫn là tích hợp với nguồn lực thực hiện, thế nên nhất định phải có chiến lược gắn phân bổ nguồn lực với quy hoạch.

Tích hợp là từ khoá quan trọng nhất trong việc tạo lập thành phố thông minh
Khu vực Phú Mỹ Hưng có quy hoạch khá tốt

Sở dĩ khu vực Phú Mỹ Hưng có thể làm tốt chuyện quy hoạch là vì họ tập trung được tài chính và tài lực, tiền luôn đồng hành với kế hoạch quy hoạch.

Thứ tư, tích hợp về dữ liệu quản lý phát triển không gian, cơ sở dữ liệu không gian địa lý (GIS) là nền tảng cơ bản giúp tích hợp quản lý phát triển không gian. Xét riêng trong lĩnh vực quản lý giao thông và đất đai – nơi cần tích hợp với mức độ cao nhất, nếu dựa vào Web-GIS để ra quyết định sẽ có hiệu quả cao hơn nhiều so với việc hỏi thông tin từng trường hợp.

Hiện tại, việc xây dựng hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện, căn cứ vào dữ liệu bản đồ TP. HCM mà các cơ quan chức năng cung cấp vào cuối năm 2017, có thể thấy, dù thành phố đã xây dựng và duy trì được nền tảng dữ liệu quan trọng, song vẫn chưa đầy đủ.

Ví dụ như thông tin đất theo thửa hiện trạng chưa cập nhật đầy đủ, hiện trạng công trình xây dựng chưa có, đánh số nhà chưa có, mạng lưới thoát nước chỉ có một số khu vực và còn chưa quy hoạch cụ thể… Như vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt là số hóa dữ liệu quản lý.

Thứ năm, tích hợp hệ thống quản trị và thể chế để vận hành trong bộ khung ICT. Để có thể vận hành trong bộ khung ICT ở tương lai, TP. HCM cần bổ sung nhiều cơ chế - quy chế - quy chuẩn – quy định, như: thể chế mới để có thể quản lý hỗ trợ kết nối IoT, thể chế và hệ thống quản trị ràng buộc khai thác thông tin bảo mật, quản trị nhà nước về thị trường công nghệ…

Thứ sáu, tích hợp quản lý giao thông và phát triển đô thị. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thành phố sẽ ‘thông minh hơn’ khi kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng ở các khu vực có mật độ giao thông cao – không ưu tiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho phương tiện cá nhân, thay đổi nhu cầu đi lại – khiến người dân ưu tiên chọn xe công cộng hoặc đi bộ.

Cuối cùng, tích hợp phát triển đất và chống ngập, vì vấn đề ngập lụt có quan hệ nhân quả với phát triển quỹ đất. Việc bê tông hoá bề mặt trên diện rộng làm gia tăng lượng nước chảy tràn. Việc xây dựng công trình và khai thác nguồn nước ngầm gây sụt lún và giảm bù nước thấm, hiện tại, các dự án thoát nước – đầu tư công đã không thể đảm bảo tốc độ phát triển của xây dựng – đầu tư cá nhân.