ADB viện trợ 2,5 triệu USD cho miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ
ADB viện trợ quốc tế khẩn cấp không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua tại một số tỉnh miền Trung.
“Miền Trung hơn 178 tỷ đồng. Hơn 61.000 dân vùng bão lũ miền Trung có chi phí trang trải tái thiết lại cuộc sống sau thiên tai. Hàng trăm ngôi nhà sập hoàn toàn được xây mới lại sau bão, hàng nghìn hộ gia đình khó khăn vùng sâu vùng xa thiệt hại sau bão 30-70% ngôi nhà có được chi phí sửa chữa nhà. 3 công trình cầu dân sinh, 10 nhà cộng đồng 400 - 500m2 tránh lũ bão thiên tai, 20 thuyền máy cứu hộ…”.
Những con số không biết nói. Nhưng hình ảnh cô gái mảnh mai, liễu yếu đào tơ, “người đẹp hát” Thủy Tiên, băng mình trong lũ dữ, mưa gió đầy hiểm nguy ở các tỉnh miền Trung để trao tận tay bà con từng gói mì, từng đồng tiền ấm áp nghĩa tình đồng bào đã thực sự là những hình ảnh biết nói...
Vượt lũ dữ kịp thời đến với bà con
Ngay khi hay tin đợt lũ đầu tiên ập đến với đồng bào miền Trung, ngay sau đợt dịch Covid-19 vừa càn quét làm cho người dân khốn đốn, cả đêm Tiên đã không ngủ được, không biết sao cứ nhắm mắt là thấy hình ảnh lũ lụt miền Trung lẫn quẩn trong đầu. Đi sẽ rất vất vả, vì một khi đã làm gì thì phải tự tay làm tới nơi tới chốn nên chả biết sức cô có chịu nổi hay không... mà không làm thì trong lòng ray rứt ngủ không được.
Theo dõi tin tức, thấy ngoài lũ lụt, miền Trung lại chuẩn bị có bão tiếp tục, nên có thể đồng bào mình sẽ còn tan hoang nữa. Sau khi suy nghĩ cả đêm, Tiên đã quyết định bỏ hết công việc và lên đường.
Nhờ một người em đi tiền trạm thực tế trước các nơi Huế, Quảng Bình, Quảng Trị như lần giúp đỡ miền Trung bão và lũ lụt 2 năm trước, Tiên lên kế hoạch và thông báo rõ ràng những điểm đến và làm những gì để các mạnh thường quân yên lòng. Chỉ sau ba ngày kêu gọi, số tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung vào tài khoản Thủy Tiên đã lên 40 tỷ đồng.
Đêm đầu ra Huế mưa to quá, ngày thì trời nắng chang chang, dưới chân thì nước trắng xóa… lại không hề biết bơi, các bạn sinh viên đi chung Thuỷ Tiên rất lo, sợ Tiên ngã bệnh. Lội nước 2 ngày bị nhiễm lạnh, Tiên chích thuốc xong lại đi tiếp. Ông xã Công Vinh của Thủy Tiên lo quá kêu vợ về ngay, con gái cũng khóc nức nở sợ… mẹ chết! Nhưng rồi bão lại ấp tới, thế là 20 người đi cùng với Tiên lại quyết tâm tiếp tục hành trình.
Trong cả những lúc gian khó nhất, Tiên vẫn giữ một tinh thần vững mạnh, pha chút hài hước khiến cho anh em trong đoàn cứu trợ cùng Tiên lúc nào cũng thấy vui lây: “Ba mẹ muốn mình làm thần tiên nhưng đời đưa đẩy làm thần nước có pha tí thần kinh chứ mình cũng đâu muốn...”.
Theo lịch trình, lẽ ra sáng hôm sau phải về TP.HCM sớm do là hạn chót làm việc cho các hợp đồng quảng cáo đã ký từ trước; tuy nhiên có mấy vùng ở Quảng Trị bị ngập nặng cục bộ đột ngột, nước dâng cao có nơi hơn 2 mét, nhiều người già và trẻ nhỏ kêu cứu đội cứu hộ phải sơ tán trong đêm lên nhà tạm..., nên sáng thức dậy Thủy Tiên quyết định: Quay xe, vào tiếp vùng lũ Quảng Trị.
Đoàn đã kịp thời đến phụ giúp đưa người già và trẻ nhỏ ra khu vực an toàn và hỗ trợ thực phẩm cùng kinh phí để mua lại đồ đạc sau khi nước rút do nhiều hộ đã mất hết đồ đạc, di chuyển tránh lũ cấp thời không kịp mang theo đồ dùng.
Kết thúc đợt 2 ròng rã 12 ngày trời...hết nắng rồi dầm mưa, nhiều hôm cả người đau nhức đến mức tay chân nhấc không nổi, ráng gồng dữ lắm nhưng nhiều khi cực quá, mệt mỏi quá, lại bị áp lực nhiều chuyện và từ nhiều phía khiến đầu óc không còn tỉnh táo để giải quyết vấn đề, nhiều lúc Tiên tức quá khóc luôn.
Nhưng được khóc, được cười với người dân, được nhìn và được giúp đỡ họ trong lúc hoạn nạn nhất, cùng cực nhất chính là hạnh phúc của Thủy Tiên. Ở huyện Hải Lăng, 19.000 hộ dân bị ngập, nhà nào cũng có quà không sót một ai. Nghe nói hôm ấy xóm nào cũng vui như tết, bỏ cả ăn trưa để rộn ràng rủ nhau đi nhận phiếu nhận quà ai cũng mãn nguyện, người dân kháo nhau: “Tối nay cả huyện ngủ ngon ai cũng hài lòng, không ai buồn nữa…”.
“Một giọt nước hòa vào biển cả thì giọt nước chính là biển cả. 20.000đ của một bé nào đó đã nhịn ăn sáng chuyển khoản ủng hộ cũng đều có công trong việc giúp đỡ trực tiếp cho gần 40.000 người, chưa kể các hỗ trợ xây dựng cầu đường, nhà cửa... Cầu mong tốt đẹp cho tất cả mọi người và ai cũng được hạnh phúc …”, Tiên nói.
May mắn cho Thủy Tiên là những đợt cứu trợ sau đều có ông xã Công Vinh cùng nhiều người bạn sát cánh bên mình, giúp cô giữ vững nguyên tắc từ đầu là công khai minh bạch; đồng thời là sự hỗ trợ và chung tay của chính quyền địa phương để trao được đúng người cần.
Như ở Quảng Bình, danh sách 13.000 hộ dân thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão lũ đã nhanh chóng được chính quyền lập và được thông báo đến từng hộ gia đình để kịp thời có mặt khi đoàn cứu trợ đến trao tiền, hàng. Tương tự là ở Hà Tĩnh, đích thân người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh ra điểm đón đoàn và tổ chức hướng dẫn đoàn đến những nơi có nhiều người dân khó khăn sau lũ đang chờ sẵn.
Sau đó là đi khảo sát tận nơi những nhà dân bị thiệt hại nặng nề sau lũ, để lên phương án hỗ trợ việc tái thiết nhà cửa cũng như công trình công cộng ngay sau bão lũ.
“Thật xúc động khi thấy lãnh đạo và các ban ngành của Hà Tĩnh, Quảng Bình đã rất sâu sát và lo cho dân nghèo. Danh sách cần hỗ trợ giúp đỡ tại đây được lập rất chính xác, đến 100%. Về kế hoạch hỗ trợ tái thiết sau thiên tai, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đều cho biết do chi phí lớn trong khi ngân sách tỉnh eo hẹp nên rất cần nguồn hỗ trợ; nhưng tỉnh vẫn khẳng định sẽ trích xuất thêm 50% kinh phí của tỉnh để cùng với nguồn tiền hỗ trợ của đoàn cho các hộ gia đình. Không chỉ vậy, lo an toàn cho cả đoàn do cầm tiền nhiều, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo lực lượng công an theo hỗ trợ mình liên tục phòng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, Thủy Tiên bồi hồi kể lại.
Những món quà từ tâm của người cho
Khi số tiền ủng hộ chuyển vào tài khoản lên đến hơn 100 tỷ đồng, rất nhiều bạn bè anh em gọi điện thoại cho Thủy Tiên, nhắn tin như là chuyện rất nghiêm trọng… Họ lo lắng cho Tiên, dặn cô phải cẩn thận nếu không là mất hết cả sự nghiệp tạo dựng; có người khuyên cô nên khóa tài khoản không nhận thêm tiền ủng hộ. Nhiều người khuyên Tiên về cách làm để sử dụng số tiền minh bạch hiệu quả, như thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể, hình thành một bộ máy để thực hiện trao… Nhưng Thủy Tiên vẫn kiên định với cách làm của riêng mình.
“Mỗi người sẽ có quan điểm riêng để làm từ thiện, cách riêng để giúp đỡ cộng đồng… Việc tổ chức một bộ máy cồng kềnh, tốn kém, càng làm rắc rối và mất thời gian họp hành rồi đưa ra quyết định? Rồi nhỡ đâu trong bộ máy mình xây dựng nên có người không đàng hoàng, gây ảnh hưởng đến tổ chức thì lại càng nguy hiểm trở thành miếng mồi ngon cho các tổ chức phản động chống phá nhà nước, nên tuyệt đối không thể…”, Thủy Tiên bộc bạch.
Thủy Tiên quyết định cô sẽ làm việc theo cái tâm của mình, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào và cũng không tạo ra một tổ chức nào. Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ là Tiên phải trực tiếp cầm đi và trao tận tay người dân dù có cực đến mấy.
“Nhà nước mình làm những việc lớn, chi ngân sách nuôi quân để bảo vệ đất nước, giữ yên bình tổ quốc; còn công việc của một người dân nhỏ bé như mình thì chỉ mong làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt theo tinh thần lá lành đùm lá rách, thế thôi”, Tiên nói.
Thủy Tiên còn nhận được lời khuyên của mẹ: “Bao nhiêu người dân còn cực khổ cần giúp… Con cứ làm đúng tự khắc Trời Phật sẽ giúp mình, không phải lo”, là nguồn động viên lớn cho cô.
Thủy Tiên nghĩ: Người ta sống trên đời chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình v.v… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp. Chính vì vậy mà cô đã sẵn sàng với tâm thế: “Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết mình cũng vui vẻ chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi. Ai mà không đến lúc già, chết đi và mất hết chứ”.
Một số bạn bè còn bảo Thủy Tiên là việc đưa tiền cho người dân là không nên, vì như vậy thì bất cập quá, nên giúp thức ăn cho họ. Nhưng cô bày tỏ rõ quan điểm: Mục đích chính của mình là giúp tiền mặt để người dân tái thiết lại cuộc sống sau lũ. Phải đến tận nơi mới hiểu rõ được. Người dân trong vùng lũ vẫn có hàng xóm giúp đỡ nhau, chính quyền địa phương hỗ trợ, nhiều mạnh thường quân, cá nhân vẫn cố gắng gửi lương thực nên không lo đói.
“Nhưng mối nguy lớn nhất là sự lo sợ đến hoảng loạn của người dân khi họ mất hết của cải, thậm chí mất người thân; bị trôi hết đồ đạc, gia súc gia cầm, nhà cửa đổ nát... Vậy thì cái Tiên có thể có lúc đó để giúp họ chỉ là vài triệu tiền chợ búa thôi chẳng thấm vào đâu so với mất mát.
Cái được lớn nhất khi Tiên có mặt ở đó là giúp họ bằng những lời động viên, những hỗ trợ tài chính để giúp họ xây lại nhà cửa, tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ. Đó là cái chính mà Tiên muốn làm, chứ không phải chỉ là đến cho vài triệu tiền chợ chữa cháy”, Thủy Tiên nói.
Riêng ý kiến về việc chi tiêu minh bạch đến mức chi tiết từng khoản chi và phải có cả ekip theo làm việc này, Thủy Tiên giải thích là cô không đủ tiền để chi trả cho cả ekip làm việc này, cô cũng không được phép dùng tiền của mọi người gửi hỗ trợ người dân cho chi phí này; bởi đây là việc thiện từ tâm, tất cả những anh em đi theo Tiên đều có công ăn việc làm ổn định, nhiều người còn không quen biết nhau, nhưng khi làm việc thiện đều không lấy tiền công, lại còn kêu gọi thêm anh em khác tình nguyện giúp đoàn trong suốt những chuyến đi ở miền Trung.
Để đi gom được hàng cứu trợ cũng là cả một vấn đề lớn. Thủy Tiên cho biết các bạn giúp Tiên là các em sinh viên đại học, tình nguyện viên tại địa phương. Lũ lớn nên giao thông khó khăn, hàng hóa khan hiếm, mọi người phải gom hàng từng đại lý lớn, siêu thị, đến những tiệm tạp hóa, tiệm thuốc nhỏ, từ vài chục thùng mì, 5-10 chai dầu gió mỗi nơi một ít… thành đến con số hàng nghìn phần quà mỗi ngày.
Về việc phát tiền hỗ trợ, Thủy Tiên cho biết cô cũng phải nhìn mặt từng người và từng hoàn cảnh mới phát, và với số lượng lớn người nhận như vậy mỗi ngày cũng là cả một thử thách đối với cô, nên vừa phải từ thực tế, từ cảm nhận thực tế và từ tâm; đồng thời là sự hỗ trợ của các thành viên trong đoàn và nhiều người, nhiều bên.
“Hơn 100 tỷ đồng là rất nhiều, địa bàn thì rộng lại phức tạp do lũ lụt, số người cần thì rất nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Bản thân Tiên cũng không biết có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh bị ngập lũ; bởi ngoài hỗ trợ trực tiếp tiền, hiện vật, còn để hỗ trợ xây lại nhà, còn làm cầu cống đường xá đã bị bão lũ tàn phá cho người dân. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người.
Tiên tin là nếu mình là một công dân tốt biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì chính quyền nhà nước nào cũng ủng hộ cho mình cả…”, Thủy Tiên tự tin cho biết.
Sức mạnh của tình yêu thương lan tỏa
Và quả thật chính quyền từng địa phương đã không phụ niềm tin của cô gái ấy. Sau khi rút kinh nghiệm và được sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền, sức lan tỏa của Thủy Tiên cùng đoàn cứu trợ của cô càng mạnh mẽ hơn. Đến tỉnh nào cô cũng nhận được hỗ trợ của lãnh đạo là người đứng đầu mỗi tỉnh, sự hỗ trợ an toàn của công an và chính quyền địa phương, không có tiêu cực nào xảy ra, hoặc nếu có cũng được giải quyết nhanh chóng.
Tiếp nối trong những tháng bão lũ khốc liệt là nhiều đoàn cứu trợ của các nghệ sĩ , các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân … đã lên đường hướng về miền Trung thân yêu. Từng đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau đến miền Trung là những hình ảnh đầy ý nghĩa của một đất nước đang vươn mình mang theo những giá trị nhân văn sâu sắc.
Mặc nỗ lực dốc hết tâm lực cho những ngày dài trầm mình trong mưa lũ giúp người dân như vậy, cố gắng làm tốt nhất và minh bạch nhất, nhưng Thủy Tiên vẫn phải đối mặt với không ít thị phi trong cộng đồng và trên mạng xã hội khiến cô rất mệt mỏi.
“Có hôm về người mỏi nhừ, nhìn cơm tối ăn không nổi, thật sự rã rời và áp lực. Rồi lại đọc được những tin tức tiêu cực nhắm mũi dùi vào mình khiến mình chả thể làm nổi việc gì, chỉ biết uống thuốc giảm đau để ngủ được mai còn đi tiếp. Bởi bao nhiêu bà con đang chờ được giúp, chứ đâu còn thời gian để thức viết, giải thích cặn kẽ những điều trên mạng. Thế là lại xuất hiện thông tin chửi rủa rằng sao không giải thích, có ý đồ xấu gì...”, Thủy Tiên nhớ lại những đêm dài đầy mệt mỏi của chuyến đi cứu trợ.
Rồi cô suy nghĩ: Đã mất công mất sức như vậy rồi thì tiền phải được trao đúng ý nghĩa của nó. Cứ làm hết sức cho đúng, cho tốt đã! Cứ thế cô lại lao vào những chuyến đi hôm sau.
“Mà khi đến nơi, chứng kiến hình ảnh trời mưa tầm tã mà người dân vẫn ngồi ngoài mưa đợi từ sớm; rồi nhìn nụ cười và nước mắt của người dân khi người ta nhận được quà, được tiền thì tự nhiên mình hết buồn luôn...; động lực với công việc lại dâng trào”, Thủy Tiên xúc động kể lại.
…Và những điều đọng lại
Trong những chuyến đi, có lúc chênh lệch chi nhiều hơn thu là do những lần đầu phát tiền sơ suất hay do điều kiện mưa gió, không có văn bản chứng nhận nên Thủy Tiên phải bỏ thêm tiền riêng khoảng hơn 3 tỷ đồng để bù vào. Số tiền tổ chức đoàn từ thiện là 250 triệu đồng cũng từ vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên trang trải nhằm đảm bảo tiền của mạnh thường quân đóng góp không bị thất thoát.
Thủy Tiên đã luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu những nhận xét phản hồi và làm mọi cách để việc làm từ thiện của cô được hợp lý, hiệu quả và minh bạch nhất có thể. Sự vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cho đến cán bộ cơ sở thôn, xã của các tỉnh miền Trung, sát cánh cùng đoàn của Thủy Tiên, tạo điều kiện cho một “tư nhân không chức năng” làm tốt việc “ủy thác” của rất đông người dân có tâm.
Chia sẻ cảm xúc trước thềm năm mới 2021, Thủy Tiên tâm sự: “Vào thời điểm này khi ngồi xuống nhìn lại một năm qua, Tiên vẫn cảm thấy tràn đầy biết ơn với những mục tiêu tốt đẹp mình đã thực hiện được, và cả những điều khó khăn mình đã đi qua.
Hồi nhỏ Tiên nghe người ta nói hãy sống như một đóa hoa, lớn lên Tiên chỉ thích mình là loài cỏ dại. Bởi hoa nhanh nở chóng tàn gặp một cơm mưa rào đổ xuống thì cánh hoa đã nát; nhưng cỏ dại thì dù người ta dẫm đạp, đốt phá thế nào nó vẫn âm thầm chịu đựng và lặng lẽ cố gắng mà sống tiếp không trách móc gì cả… Tiên sẽ vẫn nuôi dưỡng bản thân mình bằng những điều tốt đẹp như đã từng”.
ADB viện trợ quốc tế khẩn cấp không hoàn lại trị giá 2,5 triệu USD cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua tại một số tỉnh miền Trung.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường, điều kiện tự nhiên, hoạt động xây dựng làm mất rừng... là các nguyên nhân chính dẫn đến thiên tai tại khu vực miền Trung.
Chương trình nghệ thuật gây quỹ “Lũ ơi, chào mi!” vừa tổ chức đã thu hút đông đảo sự tham gia của giới nghệ sĩ và các mạnh thường quân. Toàn bộ doanh thu của sự kiện này được gửi về quỹ xây dựng nhà an toàn cho bà con vùng lũ (giai đoạn 2020 - 2025) của chương trình Nhà chống lũ.
Trong khi các nhà máy thủy điện lớn giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn thì những thủy điện nhỏ thì không làm được điều này, thậm chí còn gây thêm tình trạng lũ lụt.
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.