Cơ cấu lại nợ có thể ‘đẩy rủi ro cho tương lai’

Hoàng Đông - 09:15, 13/05/2023

TheLEADERTheo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm giải quyết khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp có nguy cơ tạo hiệu ứng phụ về lâu dài.

“Ngàn cân treo sợi tóc” là tình trạng của không ít doanh nghiệp trong giai đoạn đầu năm, khi thị trường tiêu thụ sụt giảm, nguyên liệu đầu vào tăng cao, khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thua lỗ, phải cầm cố tài sản để trả nợ ngân hàng.

Cơn bĩ cực ấy phần nào được giải tỏa khi ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, có hiệu lực ngay vào ngày 24/4.

Thông tư 02 được ban hành khá kịp thời, giúp cho nhiều doanh nghiệp đang vay nợ ngân hàng được trút bỏ nỗi lo lớn, an tâm để tiếp tục tính toàn các phương án duy trì hoạt động, chờ thời cơ phục hồi.

Đánh giá về Thông tư 02, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhìn nhận, Thông tư 02 ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn và sống được qua khó khăn, do đó rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi diễn biến nền kinh tế dưới lăng kính ngành tài chính, ông Hòe không khỏi băn khoăn rằng, nhiều khả năng Thông tư 02 sẽ “đẩy rủi ro cho tương lai”.

Chuyên gia: Nghị quyết 02 có thể ‘đẩy rủi ro cho tương lai’
Ông Phạm Xuân Hòe (thứ 2 từ trái sang) thảo luận cùng các chuyên gia tại tọa đàm của VEPR. Ảnh: VEPR

Theo đó, vào năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một văn bản có tính chất tương tự là Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ. Quyết định 780 cũng nhằm giãn, hoãn nợ, từ đó giảm áp lực trả nợ của doanh nghiệp trong bối cảnh vĩ mô bất ổn nghiêm trọng (mức lạm phát năm 2011 đạt kỷ lục hơn 18%).

Sau khi Quyết định 780 hết hiệu lực vào tháng 4/2015, dư nợ xấu tăng lên đến 17,2% tổng dư nợ. Ông Hòe nhận xét, Quyết định 780 nhằm giãn, hoãn nợ, khiến cho tỷ lệ nợ xấu được phản ánh một cách không thực chất. “Nếu đánh giá thực chất, nợ xấu Việt Nam lúc đó phải lên đến khoảng 33%”, ông Hòe cho biết.

Từ đó, tiêu cực xảy ra khi ngân hàng “cho vay mới, thu nợ cũ”. Cuối cùng, gánh nặng lại đổ về phía ngân hàng, gây ra nhiều hệ lụy tới các động lực tăng trưởng, dù các ngân hàng, theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến khi Quyết định 780 hết hiệu lực, đã liên tục tăng cường trích lập dự phòng.

Nhìn lại hiện tại, đến cuối quý I/2023, nợ xấu của các ngân hàng thương mại tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng đến gần 70% nợ xấu. Áp lực nợ xấu và áp lực phải gia tăng trích lập dự phòng càng đè nặng lên ngân hàng khi doanh nghiệp đang khó khăn và dần kiệt quệ. Đây cũng chính là lý do Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ giải tỏa bớt phần nào áp lực.

Tuy nhiên, nợ xấu có thể giãn ra nhưng vẫn còn “treo trên đầu”. Để phòng ngừa hệ lụy rủi ro nợ xấu, Thông tư 02 yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% cho năm 2024. Theo ông Hòe, đây là một điểm tích cực so với Quyết định 780 chỉ yêu cầu trích lập dự phòng tối thiểu 20% cho mỗi năm trong 5 năm.

Tác động của Thông tư 02 sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi, duy trì và phát triển của các doanh nghiệp vay nợ.

Theo báo cáo Đánh giá nhanh tác động của Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến hết năm 2024. Sau đó, tác động của Thông tư 02 sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi, duy trì và phát triển của các doanh nghiệp vay nợ.

Nói cách khác, nếu môi trường kinh doanh vẫn khó khăn, doanh nghiệp phục hồi không tốt, nợ xấu sẽ tăng lên, tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp và ngân hàng. Để tránh kịch bản này xảy ra, nhóm tác giả đề xuất cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; lành mạnh hóa các thị trường, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Về chính sách tiền tệ, theo nhóm tác giả, cần nới lỏng phù hợp để đảm bảo mục tiêu kép.

Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ đạo, nhấn mạnh cách tiếp cận mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng lúc, đúng chỗ. Cần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để giải tỏa vốn ngân sách tồn đọng.

Tại tọa đàm "Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023", ông Hòe cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo vị chuyên gia, có đến hơn 1 triệu tỷ vốn đầu tư công đang đọng lại ở Kho bạc Nhà nước, cần phải được đẩy ra nền kinh tế để tăng cung tiền, tăng quay vòng vốn.

Thúc đẩy đầu tư công cũng giúp tạo ra dòng tiền cho nhóm doanh nghiệp xây dựng, từ đó giảm được một khoản nợ xấu lớn, giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng.