Cơ chế quản trị vùng ‘để 13 tỉnh cùng nhìn về một hướng’

Phạm Sơn - 12:24, 24/05/2021

TheLEADERNhững thách thức của đồng bằng sông Cửu Long là thách thức chung cho toàn vùng, do đó đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ để tập hợp nguồn lực, tránh việc “mệnh ai nấy chạy” gây lãng phí, kém hiệu quả.

Cơ chế quản trị vùng ‘để 13 tỉnh cùng nhìn về một hướng’
Miền Tây trù phú, thịnh vượng đang dần tụt hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất nhận được ưu đãi của tạo hóa, với lưu lượng phù sa trù phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. 30 năm đổ về trước, TP. Hồ Chí Minh có mức đóng góp cho GDP chỉ bằng 2/3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên, đến nay, vị trí đã đảo ngược. Đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức GDP chỉ bằng 2/3 so với TP. Hồ Chí Minh. Đây là minh chứng cho thấy sự trì trệ về kinh tế trong suốt một thời gian dài.

Lý giải cho điều này, theo nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và trường đại học Fulbright, quan điểm sai lầm về an ninh lương thực khiến trong suốt một thời gian dài, chính quyền và người dân miền Tây đã cố gắng duy trì diện tích trồng lúa, bất chấp những khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra.

Từ đó, nền kinh tế đồng bằng sông Cửu Long chậm chạp trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nguồn vốn đầu tư công đổ dồn vào xây đập ngăn mặn mà không chú trọng hạ tầng giao thông. Các nguồn tài nguyên như nước ngọt, đất phù sa cũng đang bị tận khai. Cơ hội kinh tế dần bị “triệt tiêu” tại mảnh đất Chín Rồng.

Thiếu hụt cơ hội kinh tế cũng tiếp tục kéo theo những hệ lụy cho miền Tây: tỷ lệ đi học thấp nhất cả nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hạn chế, vốn đầu tư tư nhân cũng không nhiều, mặc dù 13 tỉnh đều rất nỗ lực thu hút đầu tư, thể hiện qua xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Mô hình phát triển mới và cơ chế quản trị mới

Đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế, lại đang phải chống chịu những ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, 13 tỉnh miền Tây đều đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu nhưng chưa thể đưa ra được một lời giải thỏa đáng.

Cơ chế quản trị vùng ‘để 13 tỉnh cùng nhìn về một hướng’
Mô hình phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Fulbright.

Theo dõi và nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long suốt một thời gian dài, nhóm nghiên cứu của VCCI và đại học Fulbright nhận xét, đồng bằng sông Cửu Long cần có một mô hình phát triển mới, hướng tới sự bền vững thay vì chỉ chạy theo tăng trưởng kinh tế như trước đây.

Mô hình phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng dựa trên 4 trụ cột, bao gồm 3 trụ cột truyền thống kinh tế, xã hội, môi trường và trụ cột thứ 4 là quản trị.

Lý giải cho trụ cột về quản trị, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright, một trong những điểm yếu của miền Tây nằm ở sự phân tán, các tỉnh cạnh tranh với nhau, không đưa ra được chiến lược chung.

“Các thách thức như thiếu nước ngọt, xói mòn đất đều mang tính toàn vùng mà các tỉnh lại hành xử theo kiểu địa phương”, ông Anh nhận xét.

Mặt khác, nguồn lực đầu tư dù có xu hướng tăng khi thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP nhưng vẫn rất thiếu để bù đắp cho suốt một khoảng thời gian dài miền Tây bị “bỏ quên”. Trong tình cảnh đó, các tỉnh cần có sự thống nhất, đồng thuận để phân bố nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.

Hiện nay, cơ chế hội đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng, tuy nhiên chỉ được tiến hành họp 2 lần mỗi năm. Trong các cuộc họp, lãnh đạo 13 tỉnh thành đều nhất trí về chiến lược chung nhưng khi về địa phương lại tiếp tục “mệnh ai nấy chạy”.

TS. Anh đề xuất, để tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt đưa vùng đất “Chín Rồng” chuyển mình, Nhà nước cần xem xét tạo ra một cơ chế liên kết vùng chặt chẽ hơn, thậm chí là xây dựng một chính quyền vùng.

Trước đó, trao đổi với Chỉnh phủ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang cũng đề xuất về một cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn để “13 tỉnh cùng nhìn về một hướng” thay vì để những xung đột lợi ích cản trở tập hợp nguồn lực.