Cơ hội cho kinh tế Việt Nam từ thỏa thuận xanh châu Âu

Phương Anh - 09:45, 05/05/2022

TheLEADERDịch chuyển theo hướng 'xanh hóa' tại châu Âu sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trong hành trình đi tới nền kinh tế xanh, hiện thực hóa cam kết không phát thải vào năm 2050.

Tham vọng dẫn đầu

Được phê duyệt vào năm 2020, thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu là một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Đây là một chiến lược tăng trưởng mới, nhằm mục đích đưa châu Âu thành một xã hội công bằng và thịnh vượng, với nền kinh tế hiện đại, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và cạnh tranh.

Thỏa thuận xanh này cũng hướng tới mục tiêu châu Âu không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050, và là nơi tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của khu vực, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường.

Đơn cử, châu Âu sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp theo hướng kinh tế xanh, sạch và tuần hoàn. Điều này xuất phát từ thực tế lượng nguyên liệu khai thác toàn cầu hàng năm đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 1970 – 2017, và tiếp tục tăng, gây ra rủi ro lớn trên toàn cầu.

Việt Nam trong cuộc chơi chung

Trong một loạt biện pháp trên nhiều lĩnh vực của thỏa thuận xanh, hai điểm nổi bật là việc sửa đổi chỉ thị đánh thuế năng lượng – chuyển ưu đãi thuế khỏi nhiên liệu hóa thạch, hướng tới công nghệ sạch, và cơ chế điều chỉnh về carbon xuyên biên giới với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, châu Âu cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải vào năm 2030, và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Những mục tiêu và điều chỉnh chính sách trên có nghĩa rằng tất cả doanh nghiệp của châu Âu phải đảm bảo các yêu cầu này, dù hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa rằng Việt Nam – một trong những thị trường xuất khẩu nhiều tới châu Âu cũng như tiếp nhận nhiều FDI từ khu vực này – cũng nằm trong vòng ảnh hưởng.

Cơ hội nhảy vọt cho kinh tế Việt Nam từ thỏa thuận xanh châu Âu 1
Ông Giorgio Aliberti, đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Giorgio Aliberti, đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định, thỏa thuận xanh của châu Âu sẽ tác động đến nhiều phương diện của Việt Nam, từ tổng thể nền kinh tế đến cá nhân mỗi người dân.

Thông qua những quy định mới để đạt được mục tiêu mới của châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực cải thiện quá trình sản xuất, sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của cả thị trường trong nước.

“Khi chúng ta thực hiện các yêu cầu theo thỏa thuận xanh, chúng ta buộc phải áp dụng những công nghệ mới, công cụ mới. Điều này có thể giúp Việt Nam đạt được những bước tiến nhảy vọt, cũng như tận dụng được các công nghệ trong thời gian tới”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Cơ hội này càng trở nên rộng mở hơn khi Việt Nam đang sở hữu vị thế tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực nhờ đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. 

Tuy nhiên, theo vị đại sứ, các mục tiêu “xanh” đòi hỏi khoản tiền khổng lồ để có thể triển khai – một thách thức rất lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn ngay cả với khu vực lớn như châu Âu.

Dù vậy, Việt Nam không hề đơn độc trong tiến trình này, bởi chính phủ sẽ có sự hỗ trợ từ bên ngoài, và từ cả khu vực tư nhân, ông Giorgio Aliberti cho biết. Câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút nguồn lực từ tư nhân, và điều này dẫn tới thách thức thứ hai liên quan đến quy trình thủ tục.

“Thủ tục thông thoáng, minh bạch, khả đoán – có thể đoán trước được – sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Khi chúng ta có những thay đổi tốt đẹp như vậy, khu vực tư nhân – cả nước ngoài và Việt Nam – sẽ tham gia hăm hở hơn vào tiến trình này, từ đó giúp phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nền kinh tế chung, mang lại lợi ích cho mỗi người dân Việt Nam”, vị đại sứ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về hành động biến đổi khí hậu, chính sách môi trường, việc làm và xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định điều quan trọng hiện nay là tạo môi trường tốt để khu vực tư nhân tham gia – bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài lẫn doanh nghiệp nội địa.

Theo kinh nghiệm, chính phủ có thể kêu gọi khối tư nhân thông qua tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ tốt với những quy phạm pháp luật sửa đổi hợp lý, mang tính khuyến khích.

Đơn cử, châu Âu đã đưa ra những định danh cụ thể về việc sử dụng năng lượng sạch để doanh nghiệp có những tiêu chí cụ thể để căn cứ, tiến hành đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận đến những khoản vay ưu đãi. 

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Phó thủ tướng Lê Văn Thành là phó trưởng ban, thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế tất yếu, đồng thời thể hiện quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, của Bộ Chính trị về ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021 – 2025, và hướng tới các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.

Theo Thông báo số 30/TB-VPCP, đối với các thành viên ban chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2022, chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, gửi Bộ Tài nguyên và môi trường để tổng hợp, xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.