Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt

Quỳnh Chi - 10:04, 09/09/2021

TheLEADERGS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global cho rằng, thích ứng là điều kiện không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp và quốc gia trong việc hoạch định chính sách và lựa chọn chiến lược.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global

Tuy khác biệt về không gian, thời gian và mức độ ảnh hưởng nhưng thế giới và Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn đến từ đại dịch Covid-19. Thách thức đó vừa sâu, vừa rộng, tác động trực tiếp đến cuộc sống, sức khoẻ con người, kinh tế và các hoạt động xã hội.

PGS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho biết, nhiều thay đổi về chiến lược, địa chính trị đang diễn ra ở nhịp độ cao nhằm giảm sự phụ thuộc và tăng tự cường, điều chỉnh chuỗi cung ứng - chuỗi giá trị - chuỗi sản xuất, xu hướng tạo lập các liên kết kinh tế chiến lược, thúc đẩy số hoá nền kinh tế ở cấp độ cao với các công nghệ tương lai như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá…

Nhìn nhận ở góc độ tích cực, Chủ tịch AVSE Global cho rằng, cơ hội mà các doanh nghiệp Việt có thể có được trong giai đoạn hiện nay là cơ hội thị trường mới do Việt Nam tạo được lòng tin chiến lược quan trọng với hầu hết quốc gia, là đầu mối quan trọng cho nhiều hiệp định tự do thương mại như EVFTA, RCEP…

Tuy nhiên theo ông Khương, cơ hội này hiện chưa được khai thác nhiều. Nếu doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng tốt về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho đổi mới sáng tạo thì sẽ có thể bước thêm những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó là cơ hội đến từ dòng dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, nền kinh tế mở.

Đáng chú ý, ông Khương cho biết, ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số. Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh.

Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009 cho thấy, sau mười năm, sự bất ổn của nền kinh tế vẫn diễn ra liên tục và thường xuyên.

“Mọi thứ có thể thay đổi trừ một thứ không thay đổi là sự thay đổi. Yêu cầu thích ứng là điều kiện không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp và quốc gia trong việc hoạch định chính sách và lựa chọn chiến lược”, ông Khương nói tại sự kiện “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi”.

Cơ hội đi liền thách thức

Để có thể nắm bắt và từ đó tranh thủ tạo cơ hội mới, các doanh nghiệp cần nắm bắt, thấu hiểu và có những điều chỉnh trước những thay đổi sâu sắc đang diễn ra hiện nay ở cả cấp độ vĩ mô và doanh nghiệp.

Đó là sự nhận thức rõ về giá trị cơ bản của bất cứ mô hình kinh tế, xã hội nào. Các giá trị cơ bản này bao gồm: sức khoẻ, y tế, hạnh phúc của tổ chức và mỗi cá nhân. Điều này cũng khẳng định xu thế và yêu cầu phát triển bền vững vì một cuộc khủng hoảng tương tự rất có thể xảy ra trong tương lai.

Đó là việc xem xét lại mô hình toàn cầu hoá và sự tự chủ của mỗi quốc gia. Ưu thế trong cuộc chiến mà cả thế giới đang đối mặt dành cho các quốc gia và tổ chức quan tâm đến xây dựng được lòng tin chiến lược với các đối tác và có phương án quản trị rủi ro trước các tình huống biến động bất ngờ để có thể nhanh chóng thích ứng.

Đó là sự thay đổi sang phương thức làm việc mới: số hoá, từ xa, không biên giới...

Đó là nhu cầu đối với sản phẩm mới, cơ hội hợp tác phát triển mới cũng như thị trường mới từ sự thay đổi chiến lược ở các quốc gia, sự dịch chuyển của các dòng vốn và sản xuất.

Ông Khương nhấn mạnh, điểm đến của các dòng vốn đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào định vị quốc gia. Các nhà đầu tư chỉ tìm đến khi quốc gia đó tạo được niềm tin chiến lược với đối tác và tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn.

Sự thay đổi quan trọng cuối cùng được ông Khương nhấn mạnh là sự ra đời của những phương thức thanh toán mới.

Tuy nhiên để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Ông Khương cho rằng trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp không thể vì mục tiêu lợi nhuận đơn thuần mà phải đặt sức khoẻ, an toàn và hạnh phúc nguồn nhân lực vào trọng tâm của chiến lược doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần thúc đẩy chuyển đổi số để thích ứng với yêu cầu mới về phương thức làm việc hỗn hợp (từ xa, trực tiếp), tối đa hóa hiệu quả các nhóm làm việc từ xa. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh.

Việc thay đổi và thích ứng mô hình kinh doanh, đầu tư nghiên cứu và phát triển để tìm cách tham gia vào các chuỗi giá trị đang được hình thành là điều quan trọng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình quản trị rủi ro doanh nghiệp với sự chuẩn bị bài bản hơn các kịch bản ứng phó rủi ro; đồng thời, tiết kiệm chi phí, tự chủ chuỗi cung ứng qua việc chú trọng xây dựng các nguồn cung ứng địa phương.