Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong đại dịch

Đặng Hoa - 16:09, 24/08/2021

TheLEADERThị trường Việt Nam được đánh giá là vẫn còn rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội sẽ luôn đi kèm với những thách thức về việc chuyển đổi công nghệ, mô hình kinh doanh, giữ vững tinh thần khởi nghiệp và tư duy ở tầm khu vực.

Cơ hội từ tinh thần sẵn sàng thay đổi

Với phạm vi hoạt động của doanh nghiệp ở cả thị trường Malaysia và Việt Nam, ông Kenny Hing, Giám đốc Kinh doanh quốc gia của Super Dry International Pte Ltd tiết lộ, doanh thu tại Việt Nam của công ty này trong mùa dịch đã bù đắp cho 95% sụt giảm về doanh thu ở thị trường Malaysia.

Chia sẻ những góc nhìn đa chiều về cách thức vượt qua những khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mùa dịch ở cả hai thị trường, đặc biệt là ở Việt Nam, ông Kenny nhấn mạnh về việc chuyển đổi từ mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) truyền thống sang mô hình B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng) để đa dạng hóa kênh phân phối và cách tiếp cận khách hàng.

Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong đại dịch
Ông Kenny Hing

Vị doanh nhân này cho biết, Chính phủ Malaysia có những điểm tương đồng với Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn covid, chẳng hạn như chính sách hoãn nộp các loại thuế trong thời gian hai tháng.

Chính phủ các nước rất tích cực khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến để kiếm nguồn thu, hỗ trợ vay vốn, xử lý các khoản nợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ những người thất nghiệp tìm kiếm công việc mới trong bối cảnh đại dịch và phong toả.

Với việc tham gia vào ba hiệp định thương mại tự do lớn CPTPP, EVFTA và RCEP, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo bà Bùi Nhã Uyên, Quản lý kênh đối tác ủy quyền tại Alibaba.com Việt Nam – khối thương mại quốc tế, với lợi thế về chi phí nhân công và sản xuất kèm theo những thuận lợi từ vị trí địa lý trong khu vực đông nam Á, Việt Nam từ lâu là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 xảy đến và diễn biến phức tạp ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng của người dân đang thay đổi rõ nét. 

Số liệu cho thấy, ngoài thực phẩm và đồ uống vốn là nhóm ngành thiết yếu đang được chuyển dịch dần sang các nền tảng bán hàng trực tuyến, một số nhóm ngành cũng rất được quan tâm trên các sàn thương mại điện tử như chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp, đồ gỗ và nội thất, bao bì và đóng gói, vật liệu xây dựng.

Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong đại dịch 1
Bà Bùi Nhã Uyên, Quản lý kênh đối tác ủy quyền tại Alibaba.com Việt Nam

“Xu hướng tìm kiếm những sản phẩm này từ các nhà nhập khẩu trên thế giới ngày một gia tăng trong thời kỳ đại dịch covid-19”, bà Uyên nhận định trong chương trình “Vietnam – your next destination”.

Sự kiện do Business Matching Program (BMP21) - JCI Vietnam tổ chức trong khuôn khổ đại hội JCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ASPAC) 2021 diễn ra từ 19-22/8 nhằm chia sẻ về tiềm năng đầu tư và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh thế mạnh về chi phí nhân lực cạnh tranh, bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet, cũng chỉ ra hai thế mạnh không kém quan trọng của Việt Nam là chuyển đổi số và sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với khu vực.

Cụ thể, đặc thù nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam đã góp phần tạo nên sư chuyển dịch mạnh mẽ từ trực tiếp sang trực tuyến trong những năm gần đây ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là các ngành tài chính, dịch vụ, thương mại điện tử, tiêu dùng…

Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào công tác chuyển đổi số, đặc biệt là các quy trình vận hành, hoạt động mang tính lặp lại… Sau hàng loạt tác động của dịch Covid-19, việc số hóa trong quản trị nhân sự cũng diễn ra nhanh hơn vá quyết liệt hơn. Một sự thay đổi dễ thấy là sự tinh gọn quy trình thanh toán nội bộ sang hình thức trực tuyến, tích hợp chatbot và ứng dụng ERP trong hệ thống quản trị nhằm tạo ra một hệ sinh thái đồng nhất đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức.

Bà Trinh cho biết, trong hơn hai năm qua, Talentnet cũng đã mạnh dạn đầu tư hơn vào công tác chuyển đổi số tại công ty, từ hệ thống quản trị nội bộ cho đến các giải pháp cung cấp cho khách hàng, giúp giảm thiểu những hạn chế, gián đoạn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong đại dịch 2
Bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet

Nói về chiến lược phát triển và mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng như khu vực, bà Trinh nhấn mạnh yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, sẽ cần được ưu tiên hơn cả hiện nay, trước khi tính đến bước đi xa hơn.

Trong khi chuyển đổi số và các hiệp định thương mại trong khu vực ASEAN hứa hẹn tiềm năng phát triển và mở rộng quy mô dài hạn cho các doanh nghiệp lớn, việc đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho nhân viên sẽ là bước đi cấp thiết trước khi tính đến phương án vươn xa trong khu vực đối với các doanh nghiệp SME. Đồng thời, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần nghĩ đến phương án kết hợp với các đối tác khác để tạo ra hệ giá trị cộng hưởng, hơn là một mình xông pha.

“Vững trong” là tiền đề cho “tiến ngoài”

Ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions nhìn nhận, trong khi các công ty và doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, khách sạn và dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng rất nặng do Covid, một số ngành khác như trang thiết bị y tế, dược phẩm… lại nắm bắt được cơ hội

Theo ông Việt, một trong những lợi thế của Việt Nam là đang đi sau về chu kỳ dịch so với một số nước trên thế giới như Ấn Độ hay một số quốc gia khác ở châu Âu nên sẽ có sự học hỏi, chuẩn bị tốt hơn và sẽ có kế hoạch khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh hơn.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã có những bước hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp nội địa trong thời kỳ dịch bệnh này như: hoãn thời gian nộp tất cả các loại thuế, các gói hỗ trợ người lao động mất việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong việc trả lương người lao động...

Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam trong đại dịch 3
Sự kiện “Vietnam – your next destination” trong khuôn khổ đại hội JCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ASPAC) 2021 thu hút hơn 50 thành viên/doanh nghiệp tham gia, chủ yếu đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia…

Đánh giá về sự thay đổi của bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp sau đợt dịch lần thứ tư, CEO Dong A Solutions nhấn mạnh về sự dịch chuyển trong lực lượng lao động từ phía Nam nói chung và TP. HCM nói riêng về các tỉnh thành miền Trung và miền Bắc Việt Nam vì sự ảnh hưởng quá lớn của đại dịch làm gián đoạn cuộc sống của những lao động này khi chi phí sinh hoạt quá cao mà lại không có thu nhập trong thời gian quá dài.

Sự dịch chuyển này có thể không chỉ là ngắn hạn mà có thể mang tính dài hạn khi các tỉnh thành vệ tinh miền Trung và miền Bắc cũng đang bắt đầu phát triển, người lao động có thể tìm kiếm được thu nhập tương đối tốt với mức chi phí sống rẻ hơn rất nhiều so với TP. HCM.

Sự khan hiếm lao động, cộng thêm rủi ro bùng dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, sẽ buộc các doanh nghiệp ở TP. HCM chuyển đổi số và tự động hóa mạnh mẽ hơn, tiết giảm tối đa các chi phí vận hành như chi phí thuê văn phòng, mặt bằng, hành chính nhân sự… Thêm vào đó, Chính phủ sẽ đóng vai trò tái khởi động lại nền kinh tế sau dịch bằng việc đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách kích thích kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới để thu hút lại lực lượng lao động.

Bởi với bối cảnh hiện nay, việc “vững trong” được các chuyên gia nhấn mạnh là tiền đề cho việc “tiến ngoài” vững vàng trong tương lai. Đặc biệt với sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ, ham học hỏi cùng tinh thần khởi nghiệp cao, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Việc chuẩn bị vững chắc cho cơ cấu vận hành, nguồn nhân lực nội tại và sản phẩm chất lượng từ bây giờ sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh về lâu dài.

Từ góc nhìn của một doanh nhân người nước ngoài, ông Kenny Hing đánh giá, thị trường Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ hội sẽ luôn đi kèm với thách thức về việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, giữ vững tinh thần khởi nghiệp và giữ vững tư duy tầm khu vực.