Chiến lược quản trị rủi ro giúp Vietjet vượt qua đại dịch

Đặng Hoa - 15:37, 21/05/2020

TheLEADERLãnh đạo Vietjet khẳng định đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục, nhờ tiềm lực tài chính dồi dào và chiến lược quản trị rủi ro.

Vốn là một ngành cực kỳ nhạy cảm với sự biến đổi kinh tế, ngành hàng không còn có đặc thù như chi phí cố định lớn, chi phí vận hành cao và bị kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhưng cầu tiêu thụ lại khó xác định. 

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, thế giới đã trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, ngành hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những tác động của đại dịch và được dự báo là mất rất nhiều thời gian để vực dậy.

Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên 2019 của Vietjet mới được công bố, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đã khẳng định, bằng tiềm lực tài chính dồi dào và sự vững vàng của đội ngũ, hãng hàng không này "đã vượt qua đại dịch một cách ngoạn mục, xây dựng chiến lược mới sẵn sàng cất cánh bay cao hơn."

“Chúng tôi đang nhìn thấy những cơ hội rất rộng mở sau đại dịch", bà Thảo nói. 

"Có thể với doanh nghiệp khác, việc gượng dậy phải mất nhiều thời gian, nhưng với mô hình hàng không chi phí thấp như Vietjet, các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hàng không chi phí thấp là hình mẫu lý tưởng của khả năng vượt qua những cuộc khủng hoảng”, nữ tỷ phú chia sẻ.

Chiến lược quản trị rủi ro để Vietjet vượt qua đại dịch
Hội đồng quản trị của Vietjet

Được biết, trong ba tháng đầu năm, Vietjet lỗ thấp nhất trong ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, với mức lỗ gần 1.000 tỷ đồng, so với con số gần 2.400 tỷ đồng của Vietnam Airlines.

Để vượt qua khủng hoảng và cất cánh sau đại dịch, công tác quản trị rủi ro, tạo thế chủ động khi đối mặt với những tình huống bất ngờ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của Vietjet.

Quản trị rủi ro trong kinh doanh

Trong báo cáo thường niên năm 2019, Vietjet khẳng định chiến lược phát triển kinh doanh luôn tập trung vào các hoạt động cốt lõi, được xác định một cách rõ ràng và xuyên suốt trong toàn công ty.

Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này đã nhận diện các rủi ro tiềm tàng tác động đến mục tiêu chiến lược và đưa ra các giải pháp quan trọng để xử lý rủi ro, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động cùng với môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các hãng hàng không trong nước và trong khu vực.

Các giải pháp bao gồm hoạch định hoạt động cốt lõi của công ty và tập trung nguồn lực vào việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không chất lượng và an toàn, quản trị hiệu quả và áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí, xây dựng chiến lược tài chính trung và dài hạn nhằm đảm bảo dòng tiền hoạt động, xây dựng các phương án ứng phó với thay đổi của thị trường, xây dựng và củng cố chuỗi giá trị để tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng giá trị cho khách hàng.

Bên cạnh đó, hãng cũng không ngừng hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp, áp dụng các nguyên tắc và thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới để tối ưu hóa nguồn lực nội tại; phát huy hình ảnh và thương hiệu uy tín của Vietjet trong nước và khu vực. Ngoài ra, Vietjet duy trì phong cách làm việc chuyên nghiệp trong toàn thể cán bộ nhân viên, góp phần tạo dựng môi trường và văn hóa chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet chia sẻ, dù đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nhưng đội ngũ Vietjet vẫn luôn tự tin, lạc quan, bình tĩnh biến nguy thành cơ, nhanh chóng triển khai chiến lược chuyển đổi phù hợp với tình hình.

Bên cạnh những chuyến bay giải cứu hành khách khỏi vùng bị ảnh hưởng của dịch, Vietjet đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa, vận chuyển được hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Tất cả hành khách, phi hành đoàn, phương tiện, tàu bay đều an toàn tuyệt đối, đi qua dịch bệnh nhờ kỷ luật tuân thủ những quy trình phòng chống dịch của các nhà chức trách trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, Vietjet tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức; tăng cường tiết kiệm, tổ chức làm việc khoa học để vừa đảm bảo công việc, vừa đảm bảo an toàn và đời sống cho cán bộ công nhân viên; triển khai các khóa học trực tuyến cho lãnh đạo, nhân viên; tập trung làm mới đội tàu bay; củng cố các yếu tố chuẩn bị cho bước nhảy vọt sau đại dịch.

Quản trị rủi ro tài chính

Vietjet hiện đang hoạt động khai thác tại nhiều quốc gia với 40 điểm đến nằm tại 12 vùng lãnh thổ. Do đó, rủi ro tài chính của hãng chủ yếu đến từ tỉ giá hối đoái, giá nhiên liệu bay và bất ổn chính trị - xã hội.

Thứ nhất, rủi ro giá nhiên liệu bay ảnh hưởng mạnh đối với các hãng vận tải hàng không nói chung, do tính biến động bất định và tỷ trọng chính chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí hoạt động của hãng. 

Trong những năm qua, Vietjet đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những tác động của rủi ro từ biến động giá nhiên liệu. Trong đó, sử dụng đội tàu bay có mức tuổi bình quân thấp nhằm tối ưu hóa nhiên liệu tiêu hao; triển khai chương trình tiết kiệm nhiên liệu; khai thác và vận hành đội tàu bay thế hệ mới Airbus A321 NEO, giúp tiết kiệm tới 16% tiêu hao nhiên liệu.

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm suy yếu nhu cầu đối với nhiên liệu, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi có các nhà máy đã không hoạt động và hàng ngàn chuyến bay bị hủy. Việc các nhà cung cấp nhiên liệu không có sự đồng thuận về chính sách khiến giá nhiên liệu giảm mạnh, tạo cơ hội cho các hãng hàng không gồm Vietjet tận dụng những hóa đơn năng lượng giá rẻ trong hiện tại và sử dụng công cụ phái sinh hàng hóa để tối ưu giá nhiên liệu trong dài hạn.

Thứ hai, rủi ro tỉ giá ảnh hưởng nhiều tới những hãng hàng không vay nợ để tài trợ đội tàu bay thông qua nghiệp vụ thuê tài chính. Ngoài ra, các nhóm chi phí chính như nhiên liệu bay, chi phí sở hữu máy bay được thanh toán bằng USD. 

Theo định hướng hiện nay, Vietjet đang tập trung phát triển các đường bay quốc tế, do đó ngoại tệ cũng đang dần chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu của hãng.

Các biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá của Vietjet có thể kể đến như xây dựng kế hoạch tài chính trung và dài hạn, quản lý chặt chẽ ngân quỹ thông qua dự báo dòng tiền theo tuần, tháng, quý, năm nhằm điều phối dòng tiền đáp ứng kịp thời phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa dòng tiền, tiết giảm chi phí cơ hội và gia tăng thu nhập từ hoạt động tài chính.

Hãng đã đàm phán, thương lượng với các tổ chức tín dụng uy tín nhằm có được lãi suất, chi phí vốn tối ưu nhất; thương lượng với khách hàng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ và thanh toán bằng USD để tạo nguồn USD trong kinh doanh. 

Ngoài ra, Vietjet theo dõi chặt chẽ biến động của thị trường và lãi suất để đưa ra các cảnh báo và đề xuất biện pháp ứng phó thông qua sử dụng các công cụ phái sinh như hoán đổi ngoại tệ, hợp đồng quyền chọn… để đảm bảo nguồn ngoại tệ, đặc biệt là USD khi cần thiết.

Thứ ba, rủi ro bất ổn xã hội do đại dịch Covid-19 tác động lên tính an toàn của ngành cũng như tâm lý của hành khách. Nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã đưa ra những biện pháp hạn chế nhập cảnh, hạn chế di chuyển và bản thân hành khách cũng có tâm lý lo ngại. 

Sự sụt giảm mạnh về dòng tiền doanh thu từ việc bán vé khiến cho các hãng hàng không nói chung cũng như Vietjet nói riêng gặp trở ngại trong việc duy trì tính thanh khoản do đặc thù ngành, các khoản chi phí vận hành và chi phí tài sản cố định vẫn phải trả thường xuyên với giá trị lớn.

Đối phó với tình hình trên, Vietjet đã kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm cắt giảm chi phí vận hành bao gồm hoãn, dừng đầu tư tài sản cố định có giá trị lớn, tạm dừng công tác tuyển dụng, khuyến khích nhân viên nghỉ phép tự nguyện, làm việc với các cơ quan nhà nước nhằm xin hỗ trợ về thuế và chính sách ưu đãi. 

Trong ngắn và trung hạn, các biện pháp trên đã giúp công ty duy trì hoạt động và giảm thiểu tối đa tác động do đại dịch gây ra. 

Để duy trì tính thanh khoản và dòng tiền, song song với hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, Vietjet cũng đã làm việc tích cực để thỏa thuận cắt giảm 30 - 70% giá, phí dịch vụ, và gia hạn thời hạn thanh toán với các nhà cung cấp trọng yếu, các định chế tài chính tàu bay quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước.