Diễn đàn quản trị
Cơn ác mộng Covid-19: Khủng hoảng chỉ mới bắt đầu
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE, nếu có tư duy và hành động đúng đắn, kịp thời, nhà lãnh đạo không những có thể lèo lái doanh nghiệp sống sót qua thời kỳ đen tối mà còn có thể chớp lấy cơ hội để bứt phá ngoạn mục sau đại dịch.
Khủng hoảng chỉ mới bắt đầu
Đại dịch Covid-19 đang từng bước được đẩy lùi tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Giản Tư Trung, nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE, khủng hoảng chỉ mới đang chuẩn bị bắt đầu. Đây là một cuộc “khủng hoảng chồng”, bắt nguồn từ khủng hoảng về y tế, sau đó gây ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Cơn ác mộng mang tên Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ cuộc chơi và chấp nhận phá sản do áp lực từ khủng hoảng kéo dài.
Những tác động do Covid-19 đem lại là hết sức nghiêm trọng. Như bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã từng nhận định: “Chúng ta đang phải sống trong những ngày tháng đen tối nhất của lịch sử loài người, Covid-19 còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng và đại suy thoái! Đại dịch Covid-19 sẽ càn quét kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng âm vào 2020, gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau đại suy thoái năm 1930 và chỉ hồi phục một phần vào năm 2021”.
Việt Nam có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Khi những thị trường này vẫn còn đang trong tình trạng phong tỏa, kinh tế Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Trung khẳng định “nhiều người nói nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi là hoàn toàn không thực tế”.
Điểm qua tình trạng các doanh nghiệp gặp phải trong thời này, ông Trung cho rằng, khó khăn đầu tiên liên quan đến đầu ra của sản phẩm bởi không có đầu ra khiến việc kinh doanh ngưng trệ, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Thứ hai là khó khăn về đầu vào, đặc biệt đối với những doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị từ nước ngoài, vì đối tác thương mại chính của Việt Nam vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa.
Đáng chú ý, tài chính là bài toán khó đặt ra cho các doanh nghiệp, từ quy mô vừa và nhỏ cho tới quy mô lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, dòng tiền bị ngắt dẫn đến tình trạng “khô máu” của doanh nghiệp. Ông Trung nhìn nhận, nếu không đảm bảo được dòng tiền, nhiều công ty dù đang làm ăn có lãi nhưng cũng phải tuyên bố phá sản vì mất khả năng thanh toán.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong việc áp dụng chiến lược kinh doanh, dù đã xây được một chiến lược rất tốt, giúp công ty khởi sắc trong nhiều năm, nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Về mặt nhân sự, ông Trung cho rằng, nếu chưa có sự gắn kết và chưa xây dựng văn hóa công ty vững mạnh ngay từ trước, doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng nhân viên bỏ việc trong thời gian khó khăn. Sự cam kết và gắn bó là yếu tố quan trọng khiến nhân viên ở lại chung tay góp sức cùng doanh nghiệp đẩy lùi khó khăn.
Lãnh đạo trong khủng hoảng
Theo nhà sáng lập PACE, sẽ không bao giờ có một biện pháp chung cho tất cả doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ khó khăn, mỗi doanh nghiệp sẽ cần linh động tìm các phương án phù hợp và tối ưu nhất. Dù vậy, ông Trung cũng đưa ra một số để xuất để doanh nhân coi đó là phương pháp luận, từ đó tìm ra hướng đi cho trường hợp của riêng mình.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Chỉ khi có sức khỏe, nhà lãnh đạo mới có thể dồn hết tâm, trí và thể lực để chèo chống con thuyền tổ chức. Cần lưu ý, sức khỏe ở đây không chỉ là sức khỏe về mặt thể chất, mà còn bao hàm những yếu tố về tinh thần và xã hội.
“Trong khủng hoảng đại dịch Covid-19, giữ được sức khỏe thể chất đã quý, nhưng còn sức khỏe tinh thần và xã hội thì cực kỳ khó, bởi vì mình nhìn thấy xã hội lành mạnh thì mình khỏe, chứ thấy tang thương thế này thì làm sao mà khỏe được”, ông Trung nói tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Lãnh đạo trong khủng hoảng” do Học viện Quản lý PACE tổ chức.
Theo ông Trung, có lẽ sẽ còn khá lâu để nghiên cứu thành công vắc xin phòng ngừa bệnh dịch Covid-19, nhưng ngay lúc này, người làm công tác lãnh đạo cần điều chế cho mình một liều vắc xin chống lại sự suy sụp về sức khỏe tinh thần. Chỉ khi có sức khỏe toàn diện, người lãnh đạo mới có thể truyền lửa và tiếp sức và năng lượng tích cực cho tổ chức, nhân viên để cùng nhau vượt qua gian khó.
Thứ hai, các doanh nhân cần phải có bản lĩnh để dũng cảm đối diện, đương đầu và tìm cách giải quyết vấn đế thay vì lảng tránh hoặc tự lừa dối mình. “Chỉ khi dám nhìn nhận được thẳng vào gian khó, ta mới có thể thấu hiểu nó một cách rõ ràng. Chỉ khi thấu hiểu rõ ràng vấn đề thì những giải pháp được đưa ra sau này mới có giá trị”, ông Trung chia sẻ.
Như cố tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã từng nói: “Thứ duy nhất chúng ta phải sợ là nỗi sợ. Không có vấn đề nào không thể giải quyết nếu chúng ta đối diện với nó một cách khôn ngoan và dũng cảm. Có nhiều cách giải vấn đề, nhưng vấn đề không bao giờ được giải quyết chỉ bằng cách nói. Chúng ta phải hành động và hành động thật nhanh”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc giữ được bản lĩnh là điều hết sức khó khăn. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc đánh mất bản lĩnh bao gồm nỗi đau, sự hoảng loạn và nỗi sợ hãi. Ông Trung cho rằng, cách tốt nhất để thoát khỏi nỗi đau là biết buông bỏ, cách tốt nhất để thoát khỏi sợ hãi là tìm được lối ra, cách tốt nhất để thoát khỏi sự hoảng loạn là sự vững vàng từ bên trong bản thân.
Thứ ba là có một tầm nhìn tốt để xác định được xem mình đang ở tình trạng thế nào và tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp sai lầm trong việc xác định tầm nhìn, chủ yếu là đặt sai sự tập trung. Theo ông Trung, người lãnh đạo cần tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng thay vì vòng tròn quan tâm; tập trung vào những gì mình có thể làm, có thể giải quyết chứ không phải những gì quá to tát và lớn lao. Nếu là chủ doanh nghiệp, đừng hy vọng vào việc thay đổi đất nước mà hãy tạo ra sự thay đổi ở chính doanh nghiệp, lấy đó làm nền tảng đóng góp cho đổi mới đất nước.
Tầm nhìn còn nằm ở thái độ khi tiếp cận với gian khó của nhà lãnh đạo. Ông Trung phân tích, trong khủng hoảng, nếu có tầm nhìn chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ sụp đổ, tầm nhìn thích ứng sẽ giúp doanh nghiệp sống sót, còn tầm nhìn kiến tạo sẽ tạo ra bứt phá cho doanh nghiệp.
Thứ tư, sau khi xác định được tầm nhìn, nhà lãnh đạo cần tìm ra giải pháp. Năm câu hỏi gợi ý doanh nghiệp cần xem xét để tìm ra giải pháp dành riêng cho mình bao gồm: Năng lực cốt lõi của công ty là gì? Đang phục vụ ai? Có thể làm gì cho khách hàng và cái gì là thiết yếu đối với họ? Vì sao khách hàng lại chọn mình? Tốc độ triển khai giải pháp như thế nào?
Ông Trung khẳng định, nếu trả lời được năm câu hỏi này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ sống sót, còn nếu không trả lời được chỉ một trong năm câu thì cơ hội sống sót là bằng không.
Nếu chỉ sống sót không thôi chưa đủ, ông Trung cho rằng, các nhà lãnh đạo cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa tổ chức bứt phá mạnh mẽ sau đại dịch. Theo đó, bốn giải pháp cần thực hiện để đạt được sự bứt phá bao gồm: Chuyển đổi số, chuyển đổi văn hóa, chuyển đổi mô hình kinh doanh và chuyển đổi mô hình quản trị.
Cuối cùng, sau khi đã hội tụ đầy đủ những gì cần thiết, doanh nhân cần chuyển thành hành động. Càng vào thời điểm gian khó, các hành động càng cần phải được tiến hành nhanh chóng và quyết liệt.
“Nếu có giải pháp mà không hành động thì những giải pháp có hay ho, có hiệu quả bao nhiêu cũng chỉ nằm trên giấy. Còn nếu hành động mà không đủ nhanh thì khi hiệu quả chưa được phát huy, doanh nghiệp đã phải chịu phá sản”, nhà sáng lập Học viên PACE khẳng định.
Khó khăn là thách thức cho những giá trị cốt lõi
Theo ông Trung, khủng hoảng, khó khăn luôn tạo ra phép thử cho những giá trị cốt lõi của tổ chức, doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi còn tồn tại sau đại dịch mới là giá trị đích thực, còn “nếu vì khó khăn mà bẻ cong đi giá trị cốt lõi thì nó chỉ là ảo, là khẩu hiệu mà thôi”.
Trong bối cảnh cả nước đồng lòng chống dịch, cộng đồng đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, từ những chiếc ATM gạo phát miễn phí cho đồng bào gặp khó khăn cho đến siêu thị 0 đồng cung cấp nhu yếu phẩm cho người chịu thiệt hại nặng nề trong mùa dịch. Những hành động nghĩa hiệp đó không chỉ cứu giúp người khác thoát khỏi cơn nguy khốn, mà còn đem lại những giá trị vô cùng to lớn về thương hiệu, về sự lan tỏa trong cộng đồng.
Ngược lại, đâu đó vẫn có nhiều kẻ “bất lương”, nhẫn tâm đẩy giá nhu yếu phẩm, thiết bị y tế lên cao để trục lợi. Đối với những doanh nghiệp sẵn sàng bẻ cong đạo lý, phản bội lại giá trị cốt lõi như vậy, ông Trung cho rằng, chuyện diệt vong chỉ là sớm muộn.
“Trong suốt chiều dài lịch sử và trong cả dự báo tương lai, mọi giá trị đều bị thách thức và mọi chuẩn mực đều bị lật nhào, chỉ có NHÂN BẢN là trường tồn. Khi lấy tự do và hạnh phúc của con người làm gốc, làm động cơ, con đường và đích đến cho mọi hành động của mình (cả trong công việc và cuộc sống) thì ta có thể tin chắc rằng, mình đang sống một cuộc đời sáng sống”, ông Trung đúc kết.
Với những nhà lãnh đạo đang phải vật lộn từng ngày giải bài toàn lèo lái doanh nghiệp, tổ chức, ông Trung chia sẻ: “Trong khủng hoảng, nếu chỉ nghĩ đến chuyện sống sót thì khả năng sống sót sẽ không cao; nhưng nếu có tầm nhìn bứt phá thì không chỉ sống sót mà còn mở ra những vận hội to lớn”!
Đứng trước cuộc khủng hoảng, điều tối kị nhất chính là tuyệt vọng và bỏ cuộc. Nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE cho rằng, hãy cố gắng hết sức mình, vận dụng toàn thể sức mạnh tâm – trí – lực để giải quyết khó khăn một cách khôn ngoan và dũng cảm. “Khi khó khăn và nghịch cảnh không thể làm cho chúng ta gục ngã hay sụp đổ, nó sẽ càng làm cho ta mạnh mẽ hơn”.
Chân dung nhà lãnh đạo kiểu mới
Hậu đại dịch Covid-19 cần những nhà lãnh đạo 'kiên tâm'
Để tăng thêm niềm tin cho mọi người với tâm lý bất ổn trong và sau khủng hoảng, cần có những nhà lãnh đạo thực sự kiên tâm để vượt qua những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, đồng thời đưa doanh nghiệp vươn mình trỗi dậy sau đại dịch.
Chân dung nhà lãnh đạo kiểu mới
Lãnh đạo thời nay không còn thuần tuý là người chỉ tay năm ngón mà là một hình mẫu tổng hợp các tố chất cũng như công việc của nhà chỉ huy, người cùng kiến tạo, nhà huấn luyện, người hợp tác và nhà truyền thông.
Các phẩm chất nền tảng của một nhà lãnh đạo bền vững
Thế giới hiện đại với những thay đổi chóng mặt xung quanh ta luôn là một thử thách cho bất cứ ai, trong cuộc sống, trong công việc, và sau cuối là trong việc tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình.
4 bí mật của nhà lãnh đạo truyền cảm hứng
Sở hữu phẩm chất với lượng vừa đủ mới có thể tạo nên một nhà lãnh đạo tài ba, ông Vũ Minh Trường, chuyên gia về lãnh đạo chiến lược nhận định.
Quản trị chiến lược thực chiến: Bí quyết dẫn dắt doanh nghiệp bứt phá
"Quản trị chiến lược thực chiến" không chỉ là cuốn sách mà là kim chỉ nam để doanh nghiệp của bạn vững bước vượt qua mọi thử thách trên con đường phát triển.
Ngân hàng bi quan hơn về tăng trưởng lợi nhuận năm 2024
Chỉ có gần 80% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Con số này giảm đáng kể so với tỷ lệ 86,2% của kỳ điều tra trước.
Bỏ học, chăn bò tới ông chủ chuỗi tinh dầu Nada Oils
Chàng trai Hà Tĩnh ngày nào giờ đã startup tiến vào một "đại dương xanh" với mô hình chuỗi tinh dầu phục vụ các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và spa.
FPT thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng và bán lẻ
Bán lẻ và năng lượng là những ngành then chốt tại Đức và cũng là những lĩnh vực mà FPT Software đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyển đổi số.
Các tập đoàn đầu tư nổi tiếng rót 5 tỷ USD vào một doanh nghiệp Việt
Trong 17 năm qua, Masan đã huy động vốn thành công xấp xỉ 5 tỷ USD. Các nhà đầu tư như KKR, TPG, SK group đều đầu tư nhiều lần vào Masan và hướng tới sự hợp tác lâu dài.
Giá chung cư Hà Nội 'tăng đột biến đến ngỡ ngàng'
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã nhận xét như vậy khi chứng kiến các chu kỳ biến động của thị trường bất động sản.
Việt Nam và Pháp nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.