Công trình xanh: Lợi cho khách hàng hay chiêu trò PR của chủ đầu tư?

Thu Phương - 09:51, 20/10/2017

TheLEADERCông trình xanh có thực sự là xu hướng hay chủ đầu lợi dụng mác "xanh" để bán hàng, còn người sử dụng mới gánh chịu chi phí? Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House, chia sẻ thêm về những vấn đề phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Công trình xanh: Lợi cho khách hàng hay chiêu trò PR của chủ đầu tư?
Nhiều chủ đầu tư vẫn không rõ công trình xanh là gì

Ngày càng có nhiều dự án bất động sản gắn mác xanh. Liệu “xanh” có phải là một chiêu thức PR bán hàng của các chủ đầu tư hay thực sự mang lại lợi ích cho người mua nhà?

Ông Trịnh Tùng Bách: Đúng là thị trường bất động sản hiện nay có không ít chủ đầu tư gắn mác công trình xanh để quảng bá, bán hàng. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ phải gắn chữ “xanh” vào sản phẩm? 

Điều đó cho thấy các chủ đầu tư hiện nay đã ý thức được giá trị của các công trình xanh cũng như sức hút của nó đối với người mua nhà. Bởi thị hiếu của khách hàng hiện nay là ai cũng mong muốn sở hữu một căn nhà hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với môi trường.

Thực tế, bản thân các chủ đầu tư này cũng có làm một chút cảnh quan xanh cho dự án của mình. Tuy nhiên, chỉ trồng cây xanh mà gắn mác là công trình xanh là chưa đủ. Cây xanh, cảnh quan xanh chỉ là một phần rất nhỏ, chiếm từ 1 - 2 điểm trong bộ tiêu chí tiêu chuẩn xanh thang điểm 100.

Việc các chủ đầu tư dự án trên thị trường hiện nay có lợi dụng "mác" xanh để bán hàng hay không tôi chưa thể khẳng định. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là họ thiếu kiến thức về công trình xanh. Các chủ đầu tư này gắn mác xanh vào dự án nhưng không có bất kì một đơn vị nào cấp chứng chỉ xanh họ, công nhận công trình của họ xanh tiêu chuẩn nào, xanh như thế nào?

Do đó, chương trình truyền thông mà bên Capital House đang làm nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức xanh cho khách hàng trên thị trường. Người mua nhà cần phải có kiến thức về công trình xanh để trở thành người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn những sản phẩm xanh thực sự chất lượng cho cuộc sống của chính mình.

Vậy công trình xanh mang lại những lợi ích như thế nào cho khách hàng, thưa ông?

Ông Trịnh Tùng Bách

Ông Trịnh Tùng Bách: Khách hàng ở trong một căn hộ xanh trước hết là một điều rất đáng tự hào. Người mua nhà chỉ cần thêm 1 đồng mua nhà nhưng trong suốt quãng thời gian dòng đời của dự án, chi phí điện nước sẽ giảm 30% so với các căn hộ thông thường. 

Tức là nhìn về lâu về dài, khách hàng mới chính là người được lợi chứ không phải chủ đầu tư. Chủ đầu tư và khách hàng cùng chia sẻ điều đó để hướng tới những giá trị tốt đẹp và bền vững hơn cho xã hội.

Về mặt vĩ mô, mỗi căn hộ tiết kiệm được khoảng 30% năng lượng, nhân với 1.000 căn, 1 triệu căn… cứ như vậy, một nguồn tài nguyên rất lớn sẽ được tiết kiệm. 

Nhiều người nói rằng: Tôi bỏ 2 tỷ mua nhà, chẳng việc gì tôi phải tiếc mấy chục nghìn tiền điện, nước mỗi tháng?.

Tôi cho rằng đó là suy nghĩ rất ích kỷ. Họ không nghĩ được rằng ở Việt Nam có hàng trăm nghìn người chết do nguồn nước kém vệ sinh, 17 triệu người sống trong điều kiện nước không được xử lý. Việt Nam thừa nước đấy nhưng thiếu nước sạch. 

Chính vì vậy, 30% lượng nước mỗi công trình tiết kiệm được đó để cống đem cống hiến cho chính đồng bào của mình là một việc làm thực sự rất có ý nghĩa.

Ông có thể lấy dẫn chứng cụ thể tại các dự án của Capital House xanh như thế nào?

Ông Trịnh Tùng Bách: Những dự án đầu tiên của Capital House khởi công từ 2013, chúng tôi không rõ xanh là gì, chỉ thấy cái gì xanh có thể áp dụng được thì áp dụng. Ví dụ như cảnh quan xanh, cây xanh.

Đối với dự án Ecohome 1 và Ecohome 2, chúng tôi đã đầu tư từ 4,1 – 8,2 tỷ đồng cho cảnh quan cây xanh, mặc dù đây là hai dự án nhà ở xã hội. 

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng áp dụng gạch không nung, chúng tôi cũng đầu tư 3,7 - 5,5 tỷ đồng cho hệ thống năng lượng mặt trời để chiếu sáng cho điện công cộng.

Đối với các dự án sau này như Ecolife Capital, khi chúng tôi đã có kinh nghiệm phát triển công trình xanh, kết quả đạt được là dự án tiết kiệm được 27,5% năng lượng nước, 27,7% năng lượng điện và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 27%.

Riêng tòa văn phòng cho thuê, tiết kiệm nước 46,5%, điện 23,6% và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 25,6%

Đối với dự án Ecohome Phúc lợi cũng tiết kiệm 30% nước và 39% năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu.

Những năng lượng dự án tiết kiệm này tác động trực tiếp vào hóa đơn tiền điện nước hàng tháng của khách hàng, đem đến cho người mua nhà một cuộc sống tịên nghi, đảm bảo sức khỏe, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững

Bên cạnh đó, các công trình xanh còn có chi phí khấu hao giảm, giữ giá khi giao dịch. Dự án Ecohome Phúc Lợi, sau mở bán một vài tuần, nhiều khách hàng đã bán lại trên thị trường với mức giá tăng 50 triệu/căn hộ.

Phát triển các công trình xanh đồng nghĩa với việc chi phí cho việc chăm sóc cảnh quan, vận hành công trình sẽ tăng thêm, vậy chi phí này sẽ được tính như thế nào? Liệu mức phí dịch vụ người mua nhà phải trả có quá cao so với các dự án khác?

Ông Trịnh Tùng Bách: Tại các dự án xanh có rất nhiều cảnh quan cây canh và các hệ thống tiết kiệm năng lượng như hệ thống tưới cây nhỏ giọt, thu và xử lý nước mưa, năng lượng mặt trời. Để vận hành hệ thống này, đương nhiên là mất công chăm sóc và thêm chi phí.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tính toán rất kỹ để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của khách hàng. Ví dụ như đối với cảnh quan xanh, Capital House đã lựa chọn những cây phù hợp, tốn ít công chăm sóc để giảm chi phí vận hành cho công trình.

Tại các dự án của Capital House, phí dịch vụ không hề cao. Bên cạnh đó, người dân bỏ ra số tiền tương xứng với dịch vụ được hưởng thì đương nhiên họ sẽ cảm thấy rất xứng đáng.

Khi phát triển công trình xanh, chủ đầu tư gặp những khó khăn như thế nào?

Ông Trịnh Tùng Bách: Những khó khăn khi chủ đầu tư xây dựng dự án xanh bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, thách thức là chi phí đầu tư lớn, chưa có hướng dẫn cụ thể từ Nhà nước, quá trình xin chứng nhận các tiêu chuẩn xanh rất khó thực hiện.

Mặt khác, các tổ chức tài trợ, trợ vấn, tổ chức khoa học khó tiếp cận. Thực tế trên thị trường cũng không nhiều các chủ đầu tư muốn làm công trình xanh.

Từ phía người mua căn hộ, khách hàng nhận thức về công trình xanh còn hạn chế. Nhận thức không rõ ràng dẫn đến việc người mua nhà không hiểu một cách đầy đủ về những lợi ích của công trình xanh đối với chính mình và xã hội.

Bên cạnh đó, Capital House đang phải cạnh tranh với quá nhiều dự án gắn mác xanh trên thị trường nhưng không rõ chất lượng như thế nào.

Vậy tại sao Capital House vẫn kiên định phát triển công trình xanh?

Ông Trịnh Tùng Bách: Mặc dù rất nhiều khó khăn như vậy, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng việc phát triển công trình xanh đang mang lại cho chủ đầu tư những lợi ích nhất định. Theo đó, giá bán tại các dự án xanh tốt hơn những dự án khác.

Bản thân chủ đầu tư không muốn tăng giá bán nhưng do làm về xanh dẫn đến chi phí cao hơn 1 – 3% nên giá bán cũng tăng theo để bù lại. 

Điển hình như tại dự án Ecohome Phúc Lợi. Mặc dù giá chỉ từ 16,5 triệu/m2 vẫn nhỉnh hơn một chút so với các dự án xung quanh nhưng thực tế bán rất nhanh. Việc này đồng nghĩa với thu hồi vốn nhanh, quay vòng vốn, tái đầu tư tốt hơn

Bên cạnh đó, kết quả lớn hơn cả là sự hài lòng của khách hàng và thành công của dự án. Qua đó, thương hiệu Capital House trở nên gần gũi hơn với người người mua nhà, tạo được lòng tin đối với khách hàng và từng bước vững chắc xây dựng uy tín trên thị trường bất động sản.

Xin chân thành cảm ơn ông!