Công ty tài chính tiêu dùng báo lỗ 52 tỷ đồng

Trần Anh - 15:45, 02/04/2019

TheLEADERCông ty tài chính Tín Việt sau khi chuyển đổi mô hình từ cho vay truyền thống sang cho vay tiêu dùng đã gặp nhiều khó khăn và chịu thua lỗ trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình mới.

Giữa năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đổi Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company).

Trước đó, công ty tài chính Xi Măng chỉ tập trung cho vay các tổ chức kinh tế và cho thuê tài chính, với nguồn huy động chủ yếu là nhóm khách hàng của Vicem và Vinashin. Đến khi đổi tên thành VietCredit, công ty có các chức năng hoạt động cơ bản của một công ty tài chính, trong đó bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng...

Sau khi đổi tên, VietCredit đã cắt giảm nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp để chuyển sang tập trung đầu tư, thành lập và mở rộng hoạt động tài chính tiêu dùng cá nhân. Tính đến cuối năm 2018, cho vay các tổ chức kinh tế giảm xuống chỉ còn chiếm 75% tổng dư nợ của công ty so với mức 100% những năm trước đó. Hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng chiếm 25% tổng dư nợ, đạt 118 tỷ đồng. 

Để tạo vốn cho mảng kinh doanh mới, công ty cũng tăng vốn điều lệ từ 605 tỷ đồng lên 669 tỷ đồng. Ngoài ra công ty phát hành 302 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn.

Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của VietCredit tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, dư nợ cho vay chỉ đạt 458,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 715,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Việc chuyển hướng sang lĩnh vực mới khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân.

Thu nhập lãi thuần của công ty đạt 63,5 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2017, trong khi việc chuyển đổi mô hình đẩy chi phí hoạt động tăng gấp đôi lên 127 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh lên 7 tỷ đồng.

Hoạt động chuyển đổi mô hình khiến quy mô tín dụng giảm và đẩy chi phí tăng vọt. Tính đến cuối năm 2018, VietCredit báo lỗ trước thuế 52,3 tỷ đồng. Năm trước đó, công ty lãi trước thuế 12 tỷ đồng.

Kết quả này thấp hơn rất nhiều so với những gì ban lãnh đạo VietCredit kỳ vọng. Trước đó, khi tuyên bố đổi tên, VietCredit đặt mục tiêu dư nợ cho vay trong năm 2018 đạt 1.115 tỷ đồng.

Trong năm 2018, đa phần các công ty tài chính đều phải cho vay chậm lại trong năm ngoái để kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn. Đặc biệt sau khi nhiều công ty tài chính đã đẩy mạnh cho vay tiền mặt trong thời gian trước đó.

Ngoài ra hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending) ngày càng phổ biến ở Việt Nam đã cung cấp thêm lựa chọn cho người có nhu cầu tài chính ngắn hạn.

Thị trường cũng chứng kiến sự phân hóa khi một số công ty cho thấy sự bứt phá như MCredit của MBBank, trong khi đó một số mới gia nhập thị trường như Easy Credit hay SHB Finance lại khá im ắng.

Mặc dù vậy, với quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng trong năm 2018 và dự báo tăng trưởng 20% mỗi năm, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được xem là lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng, thu hút cả các tập đoàn lớn nước ngoài. 

Mới đây, tập đoàn Aeon của Nhật Bản đã bày tỏ ý định muốn thâu tóm một công ty tài chính tại Việt Nam. Trước đó, một công ty của Lotte mua lại công ty tài chính thuộc sở hữu của Techcombank.

Thị trường cho vay tiêu dùng hiện nằm trong tay ba công ty FE Credit, HomeCredit và HDSaison, chiếm khoảng 75% thị phần theo một báo cáo nghiên cứu công bố năm ngoái của FiinGroup.

Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam. Theo cơ quan này, hình thức cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Một dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến, trong đó có quy định kiểm soát quy mô cho vay theo hình thức giải ngân trực tiếp không quá 30% tổng dư nợ cho vay. Các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu.

Nếu quy định mới của NHNN được ban hành, các công ty tài chính có thể phải điều chỉnh chiến lược sản phẩm cho vay thay vì tập trung quá nhiều vào cho vay tiền mặt như hiện nay. Đồng thời tạo ra cơ hội cho các công ty tài chính tiêu dùng mới xuất hiện cạnh tranh với các công ty hiện tại trên thị trường.