Covid-19 đẩy thanh toán phi tiền mặt tăng vọt

Trần Anh - 15:27, 24/11/2021

TheLEADERĐại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và hành vi tiêu dùng cũng chuyển đổi nhanh chóng. Một khảo sát của Visa ghi nhận 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối quý 3, số tài khoản thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng đã đạt gần 111 triệu tài khoản. Số dư tiền gửi thanh toán cũng tăng thêm gần 40.000 tỷ đồng trong quý lên hơn 794.240 tỷ đồng.

Tiền gửi thanh toán là tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng để người dân chi tiêu, sử dụng qua các dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán. Lãi suất của tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn nhiều so với có kỳ hạn chỉ quanh 0,1%. Tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 5 năm qua. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng tới 60%.

Tiền gửi thanh toán tăng mạnh trong bối cảnh người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng. Trong tháng 9, tiền gửi dân cư tiếp tục giảm 1.500 tỷ đồng, sau khi giảm 1.000 tỷ đồng trong tháng trước. Lũy kế đến cuối tháng 9, tiền gửi khu vực dân cư tăng 2,9%, thấp hơn con số gần 3% vào cuối tháng 7. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.

Sự tương phản này phản ánh hiệu quả của đề án thanh toán không dùng tiền mặt mà NHNN tích cực triển khai những năm qua. Đề án này đã thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến mọi đối tượng và đẩy nhanh các hình thức thanh toán phi tiền mặt, do đó đã góp phần khuyến khích người dân mở tài khoản tại ngân hàng và sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến nhiều hơn.

Dịch Covid-19 xuất hiện càng khiến xu hướng thanh toán phi tiền mặt mạnh mẽ hơn. Đại dịch đã làm thay đổi mọi thứ và hành vi tiêu dùng cũng chuyển đổi nhanh chóng. Trước các chính sách giãn cách xã hội, mọi người buộc phải sử dụng các kênh trực tuyến để thanh toán các dịch vụ thiết yếu nhất như trả tiền điện, tiền nước, cước phí truyền hình, điện thoại, Internet…

Về phần mình, các ngân hàng và trung gian thanh toán khác đang cạnh tranh đưa ra những sản phẩm và các tiện ích số để thu hút người dân sử dụng dịch vụ. Đây cũng là một trong những cách ngân hàng thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn. Ngay cả ở những vùng nông thôn mà mạng lưới ngân hàng còn ít nhiều hạn chế, cũng như ban hành các chính sách miễn, giảm phí mở, duy trì tài khoản hay thanh toán, chuyển tiền trực tuyến.

Cập nhật số liệu mới nhất về thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Một khảo sát gần đây của Visa cho thấy Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. 77% người tiêu dùng Việt Nam biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất, tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè.

Đặc biệt, có đến 6% người được khảo sát cho biết họ nghĩ rằng sẽ không cần phải sử dụng tiền mặt nữa. Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới thì thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.

Khảo sát gần đây của McKinsey cũng cho thấy, người dùng Việt Nam được đánh giá có mức độ chấp nhận ngân hàng số, thanh toán số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng 41 điểm phần trăm và đạt 82% trong năm 2021.

NHNN cho biết thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid 19, cơ quan quản lý đã giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 70-100% phí chuyển mạch, bù trừ điện tử; và miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công; khoảng 80% giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Mặc dù vậy, tiềm năng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất rộng lớn và kỳ vọng sẽ tăng tốc khi mới đây NHNN đã chính thức công bố Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu tham vọng.

Trong đó, NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet). Và đến năm 2030, mục tiêu các con số đều sẽ đạt ít nhất 80%.