Covid-19 phủ mây đen lên ngành hàng không Việt Nam

Trần Anh - 08:00, 12/03/2020

TheLEADERCả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh.

Ngành hàng không Việt Nam đang sống trong những ngày u ám nhất trong vòng nhiều năm qua, khi lượng khách du lịch sụt giảm do tác động của dịch Covid-19. Các hãng hàng không là đơn vị sụt giảm trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh năm 2020 không mấy khả quan.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, 25% sản lượng ngành hàng không đến từ các chuyến bay từ Trung Quốc. Khi các chuyến bay này đã ngừng khai thác từ đầu tháng 2 đến nay, sản lượng toàn ngành hàng không được dự báo sẽ giảm khoảng 30%  trong quý đầu năm, sau đó giảm 23% trong quý 2 so với cùng kỳ. Sự phục hồi, nếu có, sẽ chỉ bắt đầu một cách từ từ trong nửa cuổi năm.

Với Vietnam Airlines, theo website flightradar24.com, có 13 trên 98 tuyến bay của VNA kết nối Việt Nam và các điểm đến tại Trung Quốc. Chỉ riêng việc ngừng bay tới Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Vietnam Airlines. Không chỉ vậy, các thị trường Đông Á tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nặng nề. Việc bùng phát dịch ở Italia cũng làm cho đường bay châu Âu gặp khó khăn.

Mới đây nhất, Vietnam Airlines thông báo tạm thời giảm tần suất bay giữa Việt Nam và châu Âu từ ngày 25/3. Tổng cộng 14 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu trên các đường bay bị cắt giảm bao gồm giữa Hà Nội, TP.HCM và London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).

Không chỉ giảm về số chuyến bay, doanh thu bình quân trên mỗi vé của Vietnam Airlines cũng thấp xuống do hãng hàng không phải giảm giá vé để thúc đẩy nhu cầu. Trong năm 2019, thời điểm chưa có dịch bệnh, Vietnam Airlines đã giảm giá vé máy bay nhằm cạnh tranh với hãng hàng không mới là Bamboo Airways. VCSC dự báo Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm giá vé máy bay, dẫn đến lợi suất hành khách giảm 3% nhằm nắm bắt nhu cầu sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt.

Covid-19 phủ mây đen lên ngành hàng không Việt Nam
Vietnam Airlines tiến hành khử trùng toàn bộ chuyến bay quốc tế về Việt Nam. Ảnh: VNA

Dịch bệnh diễn ra đúng thời điểm Vietnam Airlines đang cải tổ đội bay. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết trong năm 2019 đã bổ sung số lượng tàu bay mới cao kỷ lục là 22 chiếc, kéo theo đó là chi phí cho thuê, vận hành và bảo dưỡng sẽ được phản ánh trong năm 2020. Đòn bẩy hoạt động cao hơn trong bối cảnh doanh thu giảm sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp mảng hàng không. Mặc dù vậy, Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ được bù đắp bởi chi phí nhiên liệu được dự báo sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Theo báo cáo sơ bộ của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng mạnh do dịch Covid-19. Dự kiến doanh thu năm 2020 của Vietnam Airlines có thể giảm đến 12.500 tỷ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm 2020) và giảm lợi nhuận đến 5.880 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng (trong khi kế hoạch lãi gần 1.600 tỷ đồng).

Với Vietjet Air, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Trung Quốc thậm chí còn là thị trường quốc tế trọng yếu của Vietjet Air, điều này khiến hãng bay này bị tổn thất lớn hơn cả Vietnam Airlines khi phải ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc. 

Tại thị trường Hàn Quốc, Vietjet Air cũng là hãng hàng không khai thác đường bay từ Việt Nam đến Hàn Quốc nhiều nhất với 11 đường bay thẳng, tần suất 480 chuyến bay/tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

VCSC ước tính, lượng bay quốc tế của hãng hàng không giá rẻ Việt Nam có thể giảm 60% trong quý 1 và khoảng 30% trong quý 2 năm nay.

Lợi suất hành khách của Vietjet Air cũng đang giảm, nhưng mức giảm này có thể không cao nhờ cạnh tranh ít hơn dự kiến. Theo VCSC, Vietjet Air sẽ tiếp tục giữ giá vé máy bay ở mức rẻ nhằm thúc đẩy các chuyến bay trong giai đoạn bùng phát dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ chỉ là vấn đề ngắn hạn. Còn trong dài hạn, khi 1 đối thủ tiềm năng mới là Vinpearl Air đã dừng kế hoạch tham gia thị trường hàng không, áp lực cạnh tranh trong những năm tới sẽ thấp hơn so với dự tính.

VCSC dự báo tổng lợi nhuận của Vietjet Air năm 2020 sẽ được hỗ trợ bởi doanh thu bán máy bay. Năm ngoái, hãng đã giãn kế hoạch giao nhận tàu bay và chỉ thực hiện 7 giao dịch bán và cho thuê lại (SALB). Năm nay con số này dự kiến sẽ tăng mạnh để bù đắp thu nhập.