Covid-19 thúc đẩy mô hình bếp trên mây tại Việt Nam

Việt Hưng - 14:48, 09/10/2020

TheLEADERThay vì đi ăn ở ngoài, ngày càng nhiều người có xu hướng đặt thức ăn giao đến tận nơi. Điều này khiến giới chuyên gia đự đoán mô hình "bếp đám mây" sẽ trở thành tương lai của ngành ăn uống.

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát là ngành dịch vụ ăn uống. Thay vì đi ăn ở ngoài, ngày càng nhiều người có xu hướng đặt thức ăn giao đến tận nơi. Điều này khiến giới chuyên gia đự đoán mô hình "bếp đám mây" sẽ trở thành tương lai của ngành ăn uống.

Trên thế giới, mô hình bếp trên mây còn được gọi là bếp ảo hay "nhà hàng ma" đang phát triển rất mạnh. Mô hình này tối thiểu hoá sự hiện diện ở mặt vật lý, tối đa hiện diện qua kênh trực tuyến, tập trung vào phần giao hàng qua ứng dụng giao hàng bên thứ ba.

Bếp trên mây hiện được triển khai rộng khắp ở Mỹ, Châu Âu, Châu Á và hiện tại mô hình này nổi lên như một xu hướng trong ngành F&B. Tại Việt Nam, mô hình bếp trên mây còn khá mới mẻ với sự hiện diện từ GrabKitchen của Grab là tên tuổi lớn duy nhất.

Gần đây, thị trường đón nhận thêm tên tuổi Chef Station cũng đang theo đuổi mô hình bếp trên mây. Tại đây, các đầu bếp, những chuyên gia ẩm thực có thể tập trung vào việc nấu bếp, tạo nên những món ăn chất lượng còn Chef Station sẽ lo toàn bộ việc thiết lập, điều hành nhà hàng cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác.

Sản phẩm của Chef Station chỉ được phân phối qua hình thức giao hàng (hoặc khách mua mang đi), với mục tiêu tiết kiệm các chi phí vận hành để mang đến cho khách hàng những món ăn chất lượng với giá trị thực.

Covid-19 thúc đẩy mô hình bếp trên mây tại Việt Nam
Covid-19 thúc đẩy mô hình bếp trên mây tại Việt Nam

Ninh Hoàng Ngân - Nhà sáng lập Chef Station chia sẻ: "Trong nửa đầu của năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng đã rơi vào tình trạng doanh thu đầu vào không thể bù được chi phí đầu ra như tiền mặt bằng, tiền nhân sự, tiền vận hành... Chúng tôi nhận ra rằng, có lẽ việc duy trì và mở thêm các cửa hàng vật lý cho các nhà hàng F&B là không hề đơn giản, vấn đề cốt lõi của một nhà hàng, một thương hiệu, kể cả trong ngành chuỗi F&B, không phải là bạn có nhiều hay ít cửa hàng, mà sản phẩm hoặc món ăn của bạn có đến được tay nhiều người tiêu dùng hay không?".

Hiện tại, Chef Station đã triển khai hợp tác thành công với 4 thuơng hiệu có tiếng trong ngành ẩm thực: Bánh Canh Hai Nhiên, Cô Tấm, Chops và Made by CJ Foods.

Đồng hành với Chef Station từ những ngày đầu, anh Huỳnh Hiếu, quản lý chuỗi thương hiệu Cô Tấm Quán cho biết: "Khi xu hướng người tiêu dùng đặt đồ ăn trực tuyến ngày càng tăng, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid hoành hành, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi thói quen từ cách truyền thống là đến nhà hàng, quán ăn đến đặt qua mạng. Sự thay đổi này sẽ là đòn bẩy, hứa hẹn rằng mô hình này sẽ nhận được sự đón nhận của các nhà hàng và người tiêu dùng".

Theo báo cáo Kinh tế Đông Nam Á (ĐNA) năm 2019, ở thị trường giao đồ ăn trực tuyến: tỷ lệ thâm nhập Đông Nam Á và tỷ lệ thâm nhập Việt Nam lần lượt ở mức 16,3% và 9,8% vào năm 2020, cho thấy đây là thị trường nhiều triển vọng.

Trong đó, giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam đạt gần 61 triệu người dùng Internet trong năm 2019 (theo Báo cáo eConomy SEA 2019 của Google & Temasek). Sự tăng trưởng của nền kinh tế Internet Việt Nam cũng dự báo đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.

Theo công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, một cuộc khảo sát gần đây với 600 người dùng ứng dụng giao đồ ăn cho thấy 99% đã đặt đồ ăn trực tuyến 2-3 lần một tháng.