Cú huých cho du lịch hồ Hoà Bình

Quỳnh Chi - 08:00, 27/03/2021

TheLEADERQuy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 5.900 phòng lưu trú cùng các sản phẩm du lịch đa dạng sẽ đánh thức “Vịnh Hạ Long trên núi" của xứ Mường.

“Du lịch hồ Hoà Bình sẽ bùng nổ”. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô hồ hởi khi chia sẻ về Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 25/3/2021. 

Là nhà đầu tư theo sát những biến chuyển khi đặt chân vào đây từ năm 2007 và cũng là một trong những người đầu tiên phát triển dự án nghỉ dưỡng ở lòng hồ Hoà Bình, ông Trung nhìn nhận quy hoạch chung xây dựng mới sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai một loạt các dự án đầu tư mới mà nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhắm đến từ lâu. 

Đến nay, khu du lịch hồ Hoà Bình đã thu hút 16 dự án du lịch - dịch vụ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng khoảng gần 1.450ha. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều mới nằm trên giấy, bởi chưa có quy hoạch chung xây dựng nên chưa thể triển khai.

Cú huých cho du lịch hồ Hoà Bình
Hồ Hoà Bình là hồ thuỷ điện lớn nhất cả nước

“Cái quan trọng nhất đối với một khu vực được quy hoạch thành trọng điểm phát triển là sự ra đời của quy hoạch xây dựng bởi đó là điểm mốc thời gian chứng kiến một sự phát triển hoàn toàn mới của khu vực, hiện thực hoá tính khả thi của chủ trương, bắt đầu đi vào cuộc sống. Từ sau khi có quy hoạch xây dựng thì các dự án sẽ thực sự bùng nổ”, ông Trung nói.

Bản quy hoạch xây dựng chung hồ Hoà Bình là một bước cụ thể hoá và đồng thời là một bước thay đổi quan trọng so với quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016. 

Thời điểm đó, khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình được quy hoạch trên diện tích vùng lõi 1.200ha với tổng nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2030 khoảng 800 buồng, trong đó khoảng 160 buồng khách sạn.

Tuy nhiên, bản quy hoạch xây dựng đã cho thấy quy mô của một khu du lịch trọng điểm mang tầm quốc gia với sáu phân khu lớn, có thể đón đón 1,6 - 2 triệu lượt khách vào nắm 2030 và 2,5 - 3 triệu lượt khách vào năm 2035.

Theo đó, khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình đến năm 2035 được lập quy hoạch trên quy mô lên đến 52.200ha với tổng số phòng lưu trú lên đến 5.900 phòng.

Cụ thể, phân khu 1 là khu vực cửa ngõ gắn với hệ thống cảng Bích Hạ, Ba Cấp thuộc thành phố Hoà Bình, là khu vực phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ hỗn hợp gắn với phát triển du lịch. Diện tích tự nhiên khoảng 5.220ha, diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.230ha; quy mô lưu trú khoảng 650 - 700 phòng.

Phân khu này dự kiến sẽ có các khu đô thị mới, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với vui chơi giải trí, sân golf, hệ thống cáp treo; hình thành các không gian quảng trường gắn với không gian đón tiếp.

Phân khu 2 là khu phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Bình Thanh, Vẩy Nưa (thuộc địa phận huyện Đà Bắc); là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao gắn với mặt nước hồ, khu dân cư mới huyện Đà Bắc.

Diện tích tự nhiên của phân khu này theo quy hoạch khoảng 7.270ha, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 630ha, quy mô lưu trú 1.100 - 1.200 phòng.

Phân khu 3 có diện tích tự nhiên khoảng 10.170ha, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 440ha, quy mô lưu trú 400 - 500 phòng. Đây là khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía Bắc hệ sinh thái hồ Hoà Bình. Phân khu này được định hướng phát triển nông lâm nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với các điểm du lịch thôn bản hiện có; phát triển sản vật địa phương...

Phân khu 4 là phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa (thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc); là khu trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch hồ Hoà Bình, trung tâm văn hoá – lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và các dân tộc miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch tâm linh gắn với đền Thác Bờ.

Diện tích đất tự nhiên của phân khu này khoảng 10.470ha, đất xây dựn các khu chức năng khoảng 1.100ha, quy mô lưu trú khoảng 3.000 - 3.100 phòng.

Phân khu 5 là phân khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu); là trung tâm dịch vụ hậu cần cảng Bãi Sang, khu nghỉ dưỡng sinh thái núi mang văn hoá dân tộc Mường, đồng thời cũng là khu vực kết nối với khu du lịch Mai Châu. Diện tích đất tự nhiên khoảng 9.540ha, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 480ha, quy mô lưu trú khoảng 300 - 400 phòng.

Phân khu 6 là phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (thuộc huyện Đà Bắc), là khu du lịch sinh thái gắn với bảo vệ phát triển rừng. Diện tích tự nhiên khu vực khoảng 9.520ha, xây dựng các khu chức năng khoảng 420ha.

Cũng theo quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình, các tuyến giao thông được định hình một cách rõ ràng. Tuyến cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu quy mô bốn làn xe sẽ được đầu tư mới; hoàn thiện giai đoạn hai đường cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình, quy mô bốn làn xe; nâng cấp cải tạo quốc lộ 6 và hệ thống đường tỉnh 432, 435, 450.

Tuyến đường du lịch ven lòng hồ kết nối các điểm du lịch, các vị trí bến thuyền sẽ được đầu tư xây dựng. Trung tâm các khu vực phát triển du lịch đầu tư hệ thống đường giao thông nội bộ mới, kết nối thuận tiện ra các tuyến ngoại.

Đồng thời, quy hoạch phát triển hệ thống cảng thuỷ nội , hệ thống bến thuỷ nội địa, hệ thống giao thông công cộng, các bãi đỗ xe quy mô tối thiểu từ 3.000-5.000m2. Đề xuất xây dựng bến thuỷ phi cơ phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, vị trí dự kiến đặt gần khu vực cảng Bích Hạ.

Theo ông Trung, hồ Hoà Bình hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển, từ vị trí, giao thông, văn hoá, ẩm thực, tâm linh, thiên nhiên cực kỳ lý tưởng cho việc phát triển một khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Đây là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có chiều dài hơn 100km với trữ lượng hơn 9 tỷ m3 nước. Trong khu lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ bao gồm các đảo đá vôi và đảo núi đất, có điểm du lịch tâm linh Thác Bờ. Hồ trải rộng trên nhiều địa phương và gắn với các bản làng của người Mường, Thái, nổi tiếng với nhiều đặc sản ẩm thực.

Ông Trung so sánh hồ Hoà Bình với hồ Garda ở phía Bắc nước Ý. Hồ này cách thành phố Milan khoảng 120km và là trung tâm du lịch cực kỳ nổi tiếng của cả châu Âu. Trong khi đó, hồ Hoà Bình chỉ cách trung tâm Hà Nội 80km, tương đương 1,5 tiếng lái xe, cùng với những tiềm năng sẵn có cũng hoàn toàn có khả năng trở thành địa điểm du lịch lý tưởng.

“Hồ Hoà Bình gần như sẽ là một đặc khu du lịch bên thềm của Hà Nội, là đối trọng rất quan trọng về du lịch với Hà Nội”, ông Trung khẳng định.

Đáng chú ý, theo ông Trung, hiện giới trung lưu và trên trung lưu đang phát triển nhanh và những người trong giới thượng lưu thường sở hữu một chiếc du thuyền cá nhân. Trong khi hồ Garda có hàng trăm chiếc du thuyền thì người Việt hoặc là chơi du thuyền trên biển, hoặc giới thượng lưu ở TP. HCM chơi du thuyền trên con sông Sài Gòn nhỏ hẹp.

“Hồ Hoà Bình sẽ là một điểm đến mới của giới thượng lưu chơi du thuyền”, ông Trung kỳ vọng.

Hiện tại, ông Trung cùng các nhà đầu tư đang triển khai khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills với 135 căn biệt thự và hai khối khách sạn ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư du lịch Hoà Bình đã nâng vốn đầu tư cho dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson từ 279 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng, các hạng mục 2-3 sao trước đây cũng được nâng cấp lên 4-5 sao.