Cửa sống sót duy nhất của doanh nghiệp hậu Covid-19

Kim Yến - 09:45, 02/07/2020

TheLEADERCác doanh nghiệp không nên chờ đợi vào sự cứu trợ của Chính phủ mà phải nỗ lực tìm ra cách để tự tái cấu trúc lại nhằm vượt qua khủng hoảng Covid-19.

Những điểm nghẽn khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong tái cấu trúc

Bàn về bức tranh kinh tế thế giới hiện nay, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận, riêng về kinh tế, những ngày gần đây cái nhìn thế giới bi quan hơn. Ngân hàng Thế giới dự đoán GDP toàn cầu 2020 âm 5%, riêng Việt Nam lạc quan hơn. Cả thế giới đang đứng trước thảm hoạ nợ xấu tăng cao rất lớn. Cung cầu đều giảm rất mạnh, chuỗi cung ứng gãy do chính sách buộc phải giãn cách, cách ly thế giới. Phục hồi kinh tế còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ.

Bên cạnh đó là tâm lý hoảng loạn, sợ hãi… gây ra những tác động lớn, các gói cứu trợ quy mô lớn nhất như Hoa Kỳ, Singapore đã tung ra, trao quyền thời chiến cho Chính phủ.

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cửa sống sót duy nhất hậu Covid-19
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Hiện chưa biết bao giờ kinh tế mới phục hồi, bởi không ai biết được dịch bệnh sẽ đi đến đâu. 

Theo khảo sát mới nhất của tạp chí kinh tế uy tín thế giới Fortune với các CEO, khi đặt câu hỏi bao giờ nền kinh tế toàn cầu sẽ như trước, có đến 54% CEO cho rằng đến quý I/2022, 14% cho rằng đến quý I/2023

Xu hướng vận động của thế giới có thể có trước Covid-19, nhờ khủng hoảng dịch bệnh này đã thúc đẩy mạnh hơn, hoặc có xu hướng mới hoàn toàn đang xảy ra, đó là câu chuyện công nghệ, chuyển đổi số… Dù câu chuyện nào thì loài người vẫn phải sống dài dài với bất định và rủi ro. Doanh nghiệp cần phải tối đa hoá lợi ích với một xã hội đầy biến động bởi dịch bệnh, tài chính, địa chính trị…

Ông Thành cho rằng, tất cả gói hỗ trợ vừa rồi của Chính phủ chỉ để giúp doanh nghiệp cầm cự và sống sót. May là nhiều doanh nghiệp còn nguồn lực, khác hẳn năm 2009. Điều cần bàn ở đây là bên cạnh gói cứu trợ đại trà, cần có cách hỗ trợ số doanh nghiệp doanh thu vài ngàn tỷ đồng trở lên. Chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp lớn, vì trong làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) dữ dội này, phải bảo vệ doanh nghiệp Việt không bị thâu tóm nếu quá khó khăn, bên cạnh an ninh quốc phòng”.

Đồng quan điểm với ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhìn nhận, tự do hoá cộng với toàn cầu hoá trong bối cảnh loài người kết cấu theo chuỗi đòi hỏi doanh nghiệp năng lực phát triển rất mới để bước vào giai đoạn toàn cầu hoàn toàn mới. Doanh nghiệp phải đặt trên nền tảng đó mới xác định được tái cơ cấu cho chiến lược ngắn hạn và dài hạn.

Nhưng rất tiếc doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ bị kỳ thị đối xử với doanh nghiệp nhà nước và FDI, nếu không mở trói đó được thì làm sao tái cơ cấu? Đầu tư công ngày càng chậm, 780 ngàn tỷ đang đóng băng trong kho bạc khiến cho mọi thứ đứng sững hết. Thời điểm này cần thay đổi căn bản những gì đang có, không thể tái cấu trúc doanh nghiệp nếu không có sự đồng hành của Chính phủ.

“Không chỉ cứu doanh nghiệp đang hấp hối, nhất là khi có quá ít nguồn lực. Việc phân loại doanh nghiệp để cứu thế nào phải suy nghĩ, không cứu tràn lan. Thà rằng dành một phần quan trọng nguồn lực quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp mới ra đời, đặc biệt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, để khi đứng dậy có nguồn doanh nghiệp, nguồn máu mới. Nếu không chúng ta lại chỉ hát bài ca cũ, cơ hội biến mất”, ông Thiên nói.

Đối với doanh nghiệp TP. HCM, theo ông Thiên, các doanh nghiệp phải nhìn thấy nguy trong cơ để vượt lên, khi lực lượng không mạnh, bị trói buộc, đó chính là tái cơ cấu, nếu không chỉ là “gà nhặt mấy hạt thóc rơi vãi”.

Vị chuyên gia này cho rằng, dịch Covid-19 tất nhiên đáng sợ nhưng không nên quá ám ảnh vì nó, bởi thời đại hiện nay còn nhiều yếu tố khác nữa cần quan tâm. Đó là tinh thần doanh nhân tham gia vào quá trình tái cấu trúc, bên cạnh đó là môi trường chính sách, làm thế nào để giúp doanh nghiệp tái cấu trúc sau khủng hoảng Covid-19?

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cửa sống sót duy nhất hậu Covid-19 1
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

“Tôi chủ trương kêu gọi doanh nghiệp gây áp lực với Chính phủ để thay đổi chính sách. Đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà chính là cải cách kịp thời và quyết liệt của Chính phủ. Muốn tái cấu trúc phải hiểu được từ bình thường mới. Biết không giống ngày xưa, nhưng nếu không làm rõ nó thì khả năng sẽ trở lại bình thường cũ”, ông Thiên nói.

Với Việt Nam, toàn bộ sức hấp dẫn được chuẩn bị trước khi Covid-19 xảy ra, 3 năm kinh tế Việt Nam thành công trong bối cảnh quốc tế suy giảm, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung làm cả thế giới bất ổn, những cải cách bên trong làm tương đối tốt, ký nhiều hiệp định thương mại tạo ấn tượng tốt với thế giới. Đó là tình trạng bình thường cũ!

Trong bối cảnh bình thường mới, về phía Chính phủ phải tiếp tục làm thật mạnh cải cách thể chế theo tinh thần đó, bởi Covid-19 như yếu tố kích hoạt cách mạng 4.0. Cuộc xung đột Mỹ -Trung hiểu theo nghĩa rộng là toàn cầu hoá đang được định nghĩa lại. Trung Quốc đang mạnh lên và muốn chi phối toàn thế giới. Cách tiếp cận đặt ra cách thức mới của toàn cầu hoá, cuộc đấu tiền tệ, tài chính vẫn đang tiếp tục, cuộc chiến pháp lý, xung đột toàn cầu ngày càng gay gắt.

Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp theo ông Thiên phải đặt trong toàn bộ bối cảnh đó, buộc chiến lược doanh nghiệp phải thay đổi. Ví dụ đồng bằng sông Cửu Long hiện đang ngập mặn, TP. HCM thường xuyên ngập lụt thế này thì cấu trúc doanh nghiệp cũng phải thay đổi như thế nào để phát triển.

Ở một góc nhìn khác về quản trị, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC nhấn mạnh đến khâu kiểm soát và minh bạch vẫn còn bị xem nhẹ trong quản trị của nhiều doanh nghiệp khiến cho tái cấu trúc rất khó khăn.

“Dịch bệnh cũng nằm trong quy luật đào thải, theo tôi chuyện gì cũng qua, quan trọng là cơ hội phải nắm bắt. So với khủng hoảng 2009, khủng hoảng hôm nay lớn rộng vô cùng, đi sâu vào từng ngõ ngách, ảnh hưởng đến cả người bán vé số, đầu vào đầu ra, ảnh hưởng đến vận mệnh của nhiều quốc gia, làm sao doanh nghiệp có thể chen chân vào cuộc chiến tranh mậu dịch này là một bài toán khó”, ông Thành nhấn mạnh.

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cửa sống sót duy nhất hậu Covid-19 2
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC

Khát vọng doanh nghiệp theo ông Thành là không khuất phục, đó cũng là vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp kinh doanh trên mô hình của mình, chọn tuỳ theo điều kiện phát triển của mình, vấn đề tái cấu trúc là nhu cầu tuỳ theo thời kỳ, hết sức tự nhiên, giúp doanh nghiệp trưởng thành thực sự, từ doanh nghiệp gia đình đến các công ty TNHH hay tập đoàn đều phải tái cấu trúc lại.

Chủ tịch TTC cho biết, riêng với ngành mía đường, TTC phải đối diện 4 năm trời ảm đạm, nhờ có lương khô dự trữ nên đã vượt lên ngay trong đại dịch và tận dụng cơ hội có một không hai này để tăng trưởng mạnh mẽ, hướng tới pát triển bền vững cho ngành mía đường với những cuộc cách mạng về công nghệ, đón đầu xu hướng organic.

“Điều tôi muốn lưu ý với các doanh nghiệp là muốn tái cấu trúc thành công thì quản trị phải minh bạch với nhà đầu tư, kiểm soát phải có trách nhiệm. Nhiều doanh nghiệp coi kiểm soát là cái bông cái hoa để trưng cho có. Kiểm soát bị coi thường, khi có biến cố xảy ra mới lo thì không kịp nữa. Đã là thời 4.0 thì phải quản trị số, điều hành số là nền tảng để hội nhập sâu rộng. Kiểm soát chi phí là kiểm soát thị trường mới phát triển bền vững”, Chủ tịch TTC khẳng định.

Nhấn mạnh đến yếu tố con người, chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ: “Bỏ mức lương 2.000 USD ở Hongkong về giúp cho FPT, Đồng Tâm, tôi hiểu rất rõ Việt Nam nếu không có chiến lược hiền tài thì cơ hội sẽ không về. Chúng ta chưa trọng dụng được hiền tài. Trong Covid-19, khi tham gia tái cấu trúc cho các doanh nghiệp, chúng tôi rất bế tắc về nhân sự. Các chiến lược tái cấu trúc ở Việt Nam hiện nay tựu chung đều đang vướng là nhân sự quá kém, không đáp ứng được nhu cầu. Từng làm tư vấn chiến lược cho VNPT, Viettel…ngay cả những tập đoàn lớn như vậy vấn đề này vẫn nổi cộm".

Tái cấu trúc doanh nghiệp: Cửa sống sót duy nhất hậu Covid-19 3
Chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa

TP. HCM tại sao hiền tài không về? Vì không có đất dụng võ! Làm thế nào để tạo ra một “thế hệ thanh niên xung phong 4.0”, câu hỏi đó phải được đặt ra, bởi 5 cục máu đông hiện nay đều nằm ở điểm nghẽn nhân sự, nếu không mọi cơ hội đến đều đi qua. Rất tiếc TP. HCM không có chiến lược đúng tầm, nói thì rất hay, tiền thì không có, trên rải thảm, dưới rải chông”.

Với doanh nghiệp, chiến lược rất tốt lại được giao cho những con người không có kỹ năng. Người tài đang thiếu động lực, nằm ở hệ thống cấu trúc nhân sự, trong công ty người cực giỏi nhưng không được sử dụng sẽ trở thành cản trở công ty. Doanh nghiệp thường kẹt ở nguồn lực, tiền và người, không có hành động cụ thể.

Nhiều cơ hội mất đi vì không có chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong tái cấu trúc, khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là tái cấu trúc vốn, dòng tiền. Câu chuyện rất bức xúc dưới đây của ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP. HCM, CEO Công ty Nam Thái Sơn đang đặt ra dấu hỏi lớn cho những nhà làm chính sách tín dụng trong “thời chiến”, khi mà dịch Covid-19 đang hoành hành nhưng vẫn có biết bao cơ hội quý giá mở ra.

Với 42 năm lịch sử, ngành nhựa TP. HCM là ngành duy nhất 100% là doanh nghiệp tư nhân. Cả nước hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp ngành này, trong đó 77% ở TP. HCM. Dịch Covid-19 vừa rồi toàn bộ khẩu trang đặc biệt phục vụ cho ngành y tế được sản xuất bởi ngành nhựa TP. HCM nhưng đã đánh mất cơ hội khủng khiếp vì doanh nghiệp nhỏ, công suất thấp. Lúc ấy doanh nghiệp rất cần nguồn tín dụng quay nhanh để nhập dây chuyền, cao điểm khoảng 4 tỷ đồng, giá xuất khẩu cao điểm siêu lợi nhuận nhưng không thể tìm đâu nguồn tiền vì ngân hàng nhìn doanh nghiệp nhỏ với thái độ hết sức cảnh giác.

Về nguyên liệu nhựa cũng vậy, đợt vừa rồi giá nguyên liệu xuống khoảng 500 - 700USD/tấn. Cơ hội để nhập nguyên liệu giá rẻ này cũng trôi qua, vì giá nguyên liệu xuống chỉ trong 2-3 tháng. Lúc ấy Hiệp hội nhựa TP. HCM đã kiến nghị ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền nhập nguyên liệu nhưng ngân hàng vẫn cảnh giác, vì nhựa không bao giờ mất đi. Đến thời điểm này giá nguyên liệu đã lên, dao động từ 950 - 1200 USD.

Ông Việt Anh nói: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là chính sách tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ, của hệ thống tài chính ngân hàng, lòng tin không có. Riêng găng tay bằng nhựa tổng hợp Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp làm, trong đó có Công ty Khải Hoàn, nếu thực sự tín dụng mở hơn thì rất nhiều doanh nghiệp có thể tham gia sản xuất găng tay. Nước Mỹ cứ hỏi hiệp hội chúng tôi đòi mua găng tay suốt, chúng ta lại đánh mất cơ hội nữa cho ngành nhựa”.

Riêng với TP. HCM theo ông Việt Anh tái cấu trúc cần phải làm hoàn toàn khác, chính quyền phải tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là tập trung doanh nghiệp phát triển dụng cụ y tế. Trang thiết bị y tế trong đại dịch đã trở thành một mặt hàng chiến lược, nhưng Việt Nam không có tên, chỉ có Mỹ, Trung Quốc.

Vấn đề là doanh nghiệp phải hợp tác, dám chơi, biết chơi. Hơn lúc nào hết Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, mặt bằng và các chính sách khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Điều thứ hai chúng tôi rất thắc mắc là tại sao không doanh nghiệp nào được biết chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ đến giờ này ai được hưởng? Tại sao Chính phủ không công khai? Chính phủ nói cứu doanh nghiệp sắp chết, hấp hối, nhưng cần có những cánh chim đầu đàn. Nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa biết bao nhiêu doanh nghiệp phá sản, bao nhiêu được hưởng cứu trợ”, vị doanh nhân này đặt câu hỏi.

Chuyển đổi số là một trong những chìa khóa

Trước và trong dịch Covid-19, chuyển đổi số là giải pháp được nhắc tới rất nhiều ở cả cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp, tuy nhiên tốc độ còn khá chậm. Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Sao Bắc Đẩu cho rằng điểm nghẽn lớn nhất trong chuyển đổi số nằm ở các ông chủ doanh nghiệp chứ không phải là công nghệ.

“Các doanh nghiệp nghĩ đó là vấn đề công nghệ, thực ra là vấn đề quản lý, vấn đề của ông chủ. Chuyển đổi số phải đến từ quyết tâm của lãnh đạo, công nghệ đưa vào là để giải quyết các vấn đề của công ty như thế nào? Thực tế hiện nay, sự kết hợp giữa công ty công nghệ và các doanh nghiệp chưa tốt. Bản chất chuyển đổi số là thay đổi mô hình kinh doanh, không nên phức tạp hoá nó. Phải hiểu chúng ta đang cần gì, sử dụng công nghệ nào đúng cái mình cần”, ông Tuấn cho biết.

Về phía doanh nghiệp CNTT, chỉ tập trung các doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa - đây là cộng đồng năng động khi đưa áp dụng công nghệ vào. Làm sao đưa ra gói phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tiếp cận khách hàng, thay đổi về quản trị. Những gói ứng dụng cũng cần miễn phí.

“Chúng ta luôn nói về hệ sinh thái doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa kết hợp thành hệ sinh thái để trở thành hệ sinh thái công nghệ…Đây là cơ hội cho thị trường nội địa, cơ hội cho làn sóng FDI”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO Vietravel cũng tán đồng với quan điểm của ông Tuấn: “Chúng ta cần tái cấu trúc cả nền kinh tế Việt Nam chứ không chỉ từng doanh nghiệp. Với chính phủ và doanh nghiệp đều cần cơ chế thời chiến, một số công ty có phòng tác chiến với chính sách, thị trường, khách hàng. Chính phủ cũng cần có cơ chế thời chiến để chiến đấu với bối cảnh hiện nay”.

Tái cấu trúc theo ông Kỳ, đầu tiên là cái đầu của lãnh đạo, chuyển đổ số là chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh và chiến lược của doanh nghiệp. Kinh doanh du lịch nội địa sau dịch của Vietravel đã bằng với trước dịch, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch đang khó khăn vì không biết xoay trở thế nào khi thị trường đang xuống thế này.

Doanh nghiệp du lịch hiện nay cấu trúc nghiêng về khách ngoại, khi thị trường trong nước sản phẩm không có. Bản chất du lịch không tự nó làm ra, phải dựa vào hệ thống xã hội. Về chính sách, công ty ông Kỳ cũng chưa nhận được một đồng nào hỗ trợ từ Chính phủ.

“Theo tôi nên cứu các con chim đầu đàn trước, phải chấp nhận cuộc chơi cơ chế thị trường. Doanh nghiệp đầu đàn sẽ kéo các doanh nghiệp khác đi theo, ví dụ các doanh nghiệp hàng không đều phải cứu hết . Vấn đề là minh bạch và dám chịu trách nhiệm”, lãnh đạo Vietravel nói.

Theo tính toán của ông Kỳ, nếu nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thì quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm sẽ đón khoảng 35 đến 40 triệu khách/năm. Khi thị trường khách quốc tế vào Việt Nam được mở ra vào quý IV/2020 và quản trị tốt thì quy mô tối đa cũng chỉ khoảng 5-6 triệu khách. Số hoá là cách giảm tiếp xúc khi dịch chưa kết thúc. Vốn mồi và tác động domino có thể kéo được cả hệ thống lên. Ngoài việc kiến nghị về cấp tiền cho người đi du lịch trong nước, nếu được cũng cần cho phép học sinh nghỉ hè thêm một tháng, để giúp các em được vui chơi thoải mái, đồng thời tạo cơ hội cho du lịch phục hồi.

Chia sẻ thực tế về doanh nghiệp mình, ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch Thorakao cho biết: “Tái cấu trúc kiểu gì thì cũng vẫn phải giữ thế mạnh cốt lõi của mình. Bạn tôi có mấy khách sạn ở Đà Nẵng, tôi hỏi anh ấy chừng nào phá sản?. Quả thực ngành du lịch đang cực kỳ khó khăn, nhiều khách sạn đang tìm cách bán tháo.

Nhiều doanh nghiệp cũng hỏi tôi trong điều kiện này muốn đầu tư thì từ đâu? Theo tôi, đừng mơ mộng hỗ trợ của Chính phủ, lo tự cấu trúc mình đi. Ngành giày da chưa biết bao giờ mở cửa, chỉ nên củng cố và chuẩn bị, vì không có dịch bệnh nào kéo dài quá 8 tháng - 1 năm, chỉ trong thời gian nhất định thôi. Tinh thần doanh nghiệp là ngủ đông, đóng cửa, củng cố và nuôi quân, ít nhất 50% để chuẩn bị.

Ngành nhà hàng khách sạn thì lo chuẩn bị cho tương lai, vì đây là sự nghiệp của mình, chịu nổi hay không là do tích luỹ của doanh nghiệp, còn tái đầu tư thì chưa tính được. Tùy theo ngành, doanh nghiệp cần củng cố, tinh thần doanh nghiệp là san sẻ, nuôi quân, bồi dưỡng và đào tạo nhân viên mình”.

TheLEADER khởi đăng chuyên đề "Đại dịch Covid - Cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp"

Theo số liệu thống kê của Cục quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 2 tháng gần nhất đã có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5 % so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 2.807 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Hoạt động sản xuất bị trì trệ, thương mại hạn chế, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, xuất khẩu nông sản, dệt may, da giày, bán lẻ, ngay cả dòng vốn đầu tư quốc tế cũng bị chững lại.

Trong bối cảnh cam go đó, doanh nghiệp Việt phải làm gì? Buông tay theo thời cuộc hay coi đây là cơ hội để tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì sự sống trong và sau đại dịch?

Chuyên đề “Đại dịch Covid- Cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp” do TheLEADER tổ chức là sự chia sẻ, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, những chủ doanh nghiệp đang đứng đầu sóng ngọn gió, với những bài học hết sức cụ thể, nhằm giúp cả doanh nghiệp và người làm chính sách có được cái nhìn thấu đáo hơn, để có hành động kịp thời trong bối cảnh “thời chiến” đầy cam go như hiện nay.