Củng cố nội lực để phát triển nhanh

GS Trần Văn Thọ - 08:00, 04/02/2019

TheLEADERTrong thập niên 2020, có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao hơn hiện nay, chất lượng phát triển cũng tốt hơn, nhất là doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo.

Củng cố nội lực để phát triển nhanh
Việt Nam cần kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước để tạo thành những sản phẩm mới. Ảnh: Quốc Trường

Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển tương đối cao, trung bình 6,5%, đặc biệt hai năm qua trên dưới 7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp và phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, mặc dù tiềm năng không nhỏ. 

Trong năm 2019 cần củng cố nội lực và có chính sách thích hợp trong việc dùng ngoại lực để Việt Nam phát triển cao hơn và bền vững hơn trong thập niên 2020.

5 đặc trưng của nền kinh tế

Kinh tế Việt Nam hiện nay có các đặc trưng sau:

Thứ nhất, Việt Nam có mức độ hội nhập rất cao vào kinh tế thế giới. Tỷ lệ của xuất và nhập khẩu trên GDP gần 190%, là tỷ lệ rất cao. Thêm vào đó, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường chính, chiếm 20% và 17% trong tổng xuất khẩu năm 2018; nên xuất khẩu Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng của chiến tranh kinh tế Mỹ Trung. Chiến lược sắp tới cần quan tâm hơn đến nội nhu theo hướng củng cố nền kinh tế bền vững lâu dài.

Thứ hai, Việt Nam tùy thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2018, FDI chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư, hơn 50% sản lượng công nghiệp và 70% xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên sức lan tỏa của FDI về công nghệ đến nền kinh tế bị hạn chế, liên kết với doanh nghiệp trong nước còn yếu, và nhiều dự án FDI kém chất lượng. Nhiều ngành không cần công nghệ cao nhưng vai trò của FDI rất lớn. Trong thời gian tới cần một chiến lược thu hút FDI khôn ngoan hơn, chọn lọc hơn và nhất là nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ và tích cực liên kết với FDI.

Củng cố nội lực để phát triển nhanh
GS Trần Văn Thọ

Thứ ba, thị trường vốn, đất đai còn méo mó, nguồn lực chưa được phân bổ hợp lý. Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư (hơn 33% năm 2018) nhưng hoạt động kém hiệu quả. phản ảnh trên hệ số ICOR (luôn luôn cao hơn doanh nghiệp tư nhân và FDI).

Cộng với điểm thứ hai nói trên, chính sách kinh tế sắp tới là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp dân tộc giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Thứ tư, công nghiệp hóa còn mỏng, chưa sâu (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, doanh nghiệp Việt Nam ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị). Khảo sát xuất nhập khẩu của một số ngành chủ đạo trong mậu dịch hiện nay như may mặc, điện thoại, v.v.. ta thấy Việt Nam càng xuất khẩu các mặt hàng này càng phải nhập khẩu ngày càng lớn trong các sản phẩm trung gian, các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Thứ năm, lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Trong nông lâm ngư nghiệp, còn tới 42% lao động làm việc trong khu vực mà năng suất rất thấp. Thêm nữa, khu vực kinh tế cá thể còn chiếm tới 30% GDP. Từ các con số này, ta thấy rất rõ rằng chỉ cần dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực cá thể sang khu vực kinh tế hiện đại, có tổ chức ở quy mô lớn thì năng suất lao động của toàn xã hội sẽ tăng lên cao. Dư địa tăng năng suất qua tái phân bổ nguồn lao động là rất lớn.

Củng cố nội lực, chú trọng khu vực tư nhân

Năm nhận định nói trên đã cho thấy nội dung cần thiết của chiến lược, chính sách kinh tế trong năm 2019. Theo tôi, nội dung này gồm những điểm sau:

1. Tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng vừa sâu vừa rộng. Sâu là thoát ra khỏi tình trạng lắp ráp, gia công ở giai đoạn thấp của chuỗi giá trị sản phẩm. Cụ thể hơn, cần tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn, linh kiện xe hơi, xe máy, máy in, máy tính, v.v… Đây là những ngành Việt Nam phải nhập siêu nhiều, nhân dịp này đẩy mạnh thay thế nhập khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chiến lược thay thế nhập khẩu này còn quan trọng nhìn từ tình hình bất ổn của xuất khẩu trước chiến tranh thương mại Mỹ Trung hiện nay. Xuất khẩu dù giảm nhưng nhập khẩu cũng giảm sẽ không gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô và đóng góp của ngoại nhu vào tăng trưởng kinh tế sẽ không thay đổi.

Công nghiệp hóa tiến hành theo diện rộng là mở rộng sản xuất nhiều ngành công nghiệp đã có hoặc các ngành công nghiệp mới. Công nghiệp thực phẩm là ngành công nghiệp đã có nhưng chưa phát triển mạnh mẽ do chưa xây dựng được các chuỗi nối kết sản xuất nông nghiệp với công nghiệp thực phẩm gia công. Thực phẩm với chất lượng cao đang có nhu cầu rất cao trên thị trường Á châu và thế giới mà Việt Nam lại có thế mạnh về nguồn tài nguyên nông thủy sản. Công nghiệp thực phẩm cần được đẩy mạnh hơn.

Những chính sách nói ở trên có tính cách định hướng nhưng tiềm năng phát triển của Việt Nam không phải chỉ có ở những lĩnh vục ấy. Cần tạo điều kiện để cá nhân trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và nước ngoài phát huy sáng kiến, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước tạo thành những sản phẩm mới, những ngành mới. Cụ thể nên thành lập các trung tâm cách tân công nghệ và khởi nghiệp tại các thành phố lớn với các chính sách ưu đãi cần thiết.

2. Do tác động của chiến tranh kinh tế Mỹ Trung, làn sóng FDI đang chảy mạnh đến các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Đây là thời cơ của Việt Nam nhưng phải có chính sách, chiến lược thích hợp để chọn lựa các dự án có công nghệ cao, và có tác dụng đẩy mạnh công nghiệp hóa Việt Nam theo các hướng trình bày ở trên.

Ngoài ra nên khuyến khích các dự án liên doanh với doanh nghiệp trong nước hoặc có chương trình tích cực nội địa hóa các sản phẩm trung gian.

3. Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải trong việc tiếp cận với vốn, với quỹ đất để đầu tư và đơn giản hóa, nhanh chóng hóa các thủ tục liên quan hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng khả năng liên doanh với FDI, cung cấp sản phẩm trung gian cho doanh nghiệp FDI và nối kết vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần lập ra một ban chuyên trách có trách nhiệm lập ra danh sách những công ty có tiềm năng và hỗ trợ bằng vốn, tư vấn và nối kết họ với các dự án FDI.

Nghiên cứu để lập một quỹ hỗ trợ vốn và sớm đưa ra đạo luật có thời hạn (5 năm chẳng hạn) liên quan việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp có tiềm năng này. Vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi sẽ cung cấp có thời hạn cho những doanh nghiệp du nhập công nghệ, đổi mới thiết bị để đáp ứng yêu cầu của các công ty FDI.

Hiện nay doanh nghiệp tư nhân chiếm độ 43% tổng đầu tư toàn xã hội. Bằng các chính sách như vừa trình bày trên, hy vọng trong thập niên 2020, doanh nghiệp tư nhân sẽ có vai trò lớn hơn cả lượng và chất, và trở thành chủ đạo trong thời đại phát triển mới.

4. Dưới tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số, cách mạng công nghệ 4.0, tự động hóa trong sản xuất ngày càng mạnh, công nghiệp hóa ngày càng ít dùng lao động nên chỉ đẩy mạnh công nghiệp hóa không thôi sẽ không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân. Cần phát triển nhiều ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có thế mạnh như du lịch, công nghệ thông tin phần mềm,…

Việt Nam có cảnh quan biển và nhiều di sản văn hóa nhưng chưa đủ nguồn nhân lực để tổ chức và vận hành dịch vụ du lịch một cách có văn hóa và bài bản. Các trường đại học cần khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu này. Thật ra như sẽ nói ở phần tiếp theo dưới đây, đại học đoản kỳ (2 năm) rất thích hợp cho việc cung cấp nhanh chóng nguồn nhân lực phục vụ cho mục đích này.

5. Ngoài hệ thống đại học 4 năm, cần chú trọng hình thức đại học đoản kỳ (2 năm) để nhanh chóng cung cấp đủ nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và phát triển các ngành dịch vụ như du lịch. Tại đại học đoản kỳ, sinh viên học 1 năm văn hóa và 1 năm chuyên môn như kế toán, du lịch, thư ký văn phòng, quản lý trung gian ở nhà máy, v.v... Nhu cầu lao động ở trình độ này rất cao, đào tạo ngắn hạn nên cung cấp ra thị trường nhanh chóng.

Củng cố nội lực để phát triển nhanh 2
Việt Nam có nhiều phong cảnh đẹp nhưng chưa vận hành dịch vụ du lịch một cách bài bản. Ảnh: Bình Phạm

Tại Việt Nam hiện nay bậc trung cấp tương đương với đại học đoản kỳ 2 nhưng vì tên gọi như vậy không hấp dẫn người đi học và trên thực tế bậc học này cũng không được đầu tư đúng mức và chỉ chú trọng các lĩnh vực công nghệ. Còn cao đẳng thì mất 3 năm nên tâm lý người đi học muốn vào đại học 4 năm vì chỉ sai biệt có 1 năm. Theo tôi cần sớm chỉnh lý lại hai loại hình nầy và thống nhất thành đại học đoản kỳ.

6. Ngay trong năm 2019, cần kích thích nhu cầu trong nước (nội nhu) theo hai hướng. Một là tăng đầu tư công vào các lĩnh vực dân sinh, cải thiện cuộc sống người dân (cụ thể là xây chung cư cho người dân có thu nhập vừa và thấp ở đô thị, nâng cấp trường ốc các bậc học, cải thiện nhà vệ sinh, nâng cấp các bệnh viện,..). Hai là, chú trọng đầu tư nâng cấp một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao, một số cơ sở hạ tầng khác để tiếp nhận làn sóng FDI mới như đã nói.

Đầu tư công này sẽ kích cầu cho năm 2019 và những năm tới, nhưng đồng thời xúc tiến tích lũy tư bản, cải thiện chất lượng giáo dục và thể chất lao động, những điều kiện cơ bản để phát triển cho thập niên 2020. Tiếp tục cắt giảm chi tiêu thường xuyên để có ngân sách cho các nỗ lực đầu tư nói trên. Chính phủ cần yêu cầu chính quyền địa phương giảm đầu tư các hạng mục như xây trụ sở, tượng đài và các công trình chưa cần thiết, thay vào đó ưu tiên đầu tư cho trường học, bệnh viện và nhà chung cư cho người thu nhập trung bình và thấp.

Như đã đề cập, hiện nay hơn 40% lao động đang còn làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản và 30% GDP do các hộ gia đình, các đơn vị kinh tế phi chính thức đóng góp. Di chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, và di chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang các cơ sở sản xuất hiện đại có quy mô lớn hơn sẽ làm tăng năng suất dễ dàng.

Với các biện pháp, các chiến lược, chính sách nói trên, việc di chuyển lao động này sẽ được thực hiện dễ dàng.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng