Cuộc chiến giấy phép con: 'TÔI XIN NÓI THẲNG VỚI THỦ TƯỚNG...'
Kim Yến
Thứ hai, 28/08/2017 - 12:03
“Nếu không dám đụng tới bộ máy công kềnh và kém hiệu quả hiện nay của các bộ, mọi biện pháp để xóa bỏ giấy phép con đều chỉ nửa vời”, CEO Lửa Việt Tours Nguyễn Văn Mỹ khẳng định.
LTS: "Giấy phép con" lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Tiến trình loại bỏ giấy phép con đã được Chính phủ triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi. Cứ loại bỏ được loại này thì loại khác lại hình thành. Cộng đồng đã đúc kết và chỉ rõ các nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy quản lý "quản không được thì cấm" và lợi ích ẩn chứa phía sau giấy phép con tác động làm thiên lệch chính sách... Trong năm 2016, Chính phủ đã ký ban hành hàng loạt các chính sách mà qua đó hơn 3000 giấy phép con được loại bỏ. Ngày 22/8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi. Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện Chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.
Hơn 30 năm kinh doanh trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours và các đối tác của ông đã bị giấy phép con “hành hạ” triền miên.
Sau đây là nhận định của ông về việc Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất xóa bỏ gần 2.000 giấy phép con và cả kế hoạch triển khai bãi bỏ giấy phép con của Chính Phủ:
Điều kiện kinh doanh hay còn được gọi là “giấy phép con” lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính của việc liên tục đặt thêm các giấy phép con chính là vì sự quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước, nhiều điều kiện mang tính can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý; đặc biệt là tư duy quản lý kiểu “cứ không quản được thì cấm”. Ông nghĩ sao về điều này? Khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là gì?
CEO Nguyễn Văn Mỹ:Khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là bị nhũng nhiễu” toàn tập. Các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các Hiệp hội ngành nghề, gần như không giúp được gì cụ thể cho doanh nghiệp.
Nhiều khi còn “hành (là) chính” thêm với đủ thứ thủ tục, giấy tờ. Chưa kể đủ thứ nỗi khổ không tên vì bị chào mời quảng cáo, khen thưởng, mua sách, làm từ thiện…và ….
Hàng chục năm qua, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa cả ở nghị trường Quốc hội hay trên các diễn đàn kinh tế với mục tiêu xóa bỏ các giấy phép con không cần thiết, không phù hợp nhưng chưa thực sự cho thấy kết quả như mong đợi. Theo ông vì sao?
CEO Nguyễn Văn Mỹ: Kết quả thế nào được khi chỉ làm nửa vời. Khi giải quyết vấn đề theo kiểu bẻ ngọn chứ không dám nhổ gốc.
Giấy phép con và các thủ tục là bầu sữa, là nguồn thu nhập chính của các cơ quan quản lý. Mấy chục năm như thế, cai sữa đâu có đơn giản và dễ dàng, thậm chí không thể.
Thời gian gần đây, với quan điểm kiến tạo và hành động, Chính phủ đã cho thấy rõ quyết tâm xóa bỏ các rào cản gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, với việc hàng chục nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành, đã có hơn 3.000 giấy phép con bị xóa xổ trong tổng số gần 7.000 điều kiện kinh doanh đang tồn tại?
CEO Nguyễn Văn Mỹ: Vẫn chỉ là phần ngọn. Tôi hiểu mong muốn và quyết tâm của Thủ tướng nhưng vấn đề là có dám quyết liệt và triệt để không. Có dám tuyên chiến và cai sữa cho "đứa trẻ không bao giờ chịu lớn" hay không.
Có xóa sổ hết gần 7.000 điều kiện kinh doanh đang tồn tại thì sẽ đẻ ra tiếp 7.000 khác. Có thể che đậy bằng cách ít hơn nhưng bản chất vẫn là hành doanh nghiệp để vắt sữa vỗ béo.
Khi mà tất cả các bộ, lãnh đạo đều nhiều hơn nhân viên; cơ ngơi nào cũng hoành tráng bề thế, biên chế không ngừng phình nở thì làm sao cải cách tiền lương tối thiểu chứ chưa dám nói đủ sống trong sạch để có thể hỗ trợ doanh nghiệp như mong muốn ???
Khi xóa bỏ được hơn 3000 giấy phép con, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lúc đó đã phát biểu trên báo chí: Đây không phải thời điểm kết thúc của quá trình cải cách về điều kiện kinh doanh, mà chính là thời điểm khởi đầu công cuộc này đi vào thực chất, xóa bỏ lợi ích cục bộ, “quyền anh - quyền tôi” của các bộ như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết? Ông nghĩ sao về nhận định này?
CEO Nguyễn Văn Mỹ: Rất đúng nhưng…phải chờ kết quả cụ thể. Vẫn phải tin, vì nếu không thì đâu còn động lực kinh doanh. Bởi lâu nay, niềm tin của các doanh nghiệp nhiều lúc bị lạm phát vì những “quyết tâm” của các bộ, ngành.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD (OECD đã đặt ra tiêu chí chuẩn mực nhất về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật), giao Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu đề xuất bãi bỏ tiếp các điều kiện hạn chế cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng một nghị định hoặc một chỉ thị về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Thủ tướng ban hành trong quý IV/2017. Kế hoạch này liệu có thực hiện được?
CEO Nguyễn Văn Mỹ: Tôi xin nhấn mạnh và nói thẳng với Thủ tướng “Nếu không dám đụng tới bộ máy công kềnh và kém hiệu quả hiện nay của các bộ, mọi biện pháp đều chỉ nửa vời”.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Phải bắt đầu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công thương. Cần phải có cơ quan giám sát độc lập và trách nhiệm cá nhân cụ thể. Bằng không, nói thẳng mà cứ làm cong như lâu nay thì mọi việc làm đều vá víu, mèo vẫn hoàn mèo, không chừng còn thành cáo.
Đề xuất xóa bỏ gần 2.000 giấy phép con cản trở doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối, không đồng tình của cơ quan quản lý vốn đang sử dụng những thủ tục đó để kiếm lợi, thu phí ngoài pháp luật thông qua việc “bôi trơn”, “đi cửa sau” của doanh nghiệp.
Cuộc chiến xóa bỏ giấy phép con cản trở doanh nghiệp đã kéo dài cả thập kỷ nhưng chưa thực sự cho thấy kết quả như mong đợi. Nhiều ý kiến đã ví von “giấy phép con cứ như đầu Phạm Nhan, chặt đầu này lại mọc đầu khác”…
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.