Đà Nẵng chi 15.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố sinh thái

Nhật Hạ - 20:27, 19/04/2021

TheLEADERĐà Nẵng hướng đến đô thị sinh thái vào năm 2030, nơi mà người dân cảm nhận được chất lượng không khí luôn trong lành, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, đa dạng sinh học được gìn giữ.

Tại buổi họp báo ngày 19/4 công bố đề án "Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường" giai đoạn 2021-2030, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết kinh phí thực hiện là 15.546 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 5.400 tỷ; vốn ODA 3.200 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa gần 7.000 tỷ đồng.

Bốn nhóm mục tiêu của đề án gồm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng sinh thái.

Đà Nẵng chi 15.000 tỷ đồng để xây dựng thành phố sinh thái
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Trang thông tin của thành phố Đà Nẵng

Với 31 tiêu chí cụ thể, đề án đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định. 100% các nguồn phát thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) được kiểm soát tự động.

Đến năm 2025, Đà Nẵng hoàn thành mô hình khu công nghiệp sinh thái, 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. 

Vào năm 2030, thành phố có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái; 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn; giảm 5-7% khí thải nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo; 95% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch. 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến đạt hơn 97% vào năm 2030. Chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, xử lý triệt để.

Vào 10 năm sau, Đà Nẵng sẽ có diện tích cây xanh công cộng ở khu vực nội thành là 9 m2/người và 100% rác thải được phân loại tại nguồn.

Trước đó, từ năm 2008, Đà Nẵng xây dựng đề án thành phố môi trường với 10 tiêu chí. Sau 12 năm, thành phố đã đạt được nhiều kết quả như cấp nước đô thị đạt 99%, 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự đồng, liên tục; giải quyết cơ bản 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 83% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%.

Đặc biệt cộng đồng người dân thành phố đã tích cực tham gia các phong trào như: Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp, khu dân cư thân thiện môi trường, phụ nữ sống xanh, 195 câu lạc bộ Cựu chiến binh bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trong thành phố vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như tình trạng nước thải chưa qua xử lý bị xả chui ra bãi biển, sông Hàn bốc mùi hôi khó chịu; thiếu cây xanh; vấn đề môi trường tại nhiều dự án treo, rác thải tràn ra trên một số tuyến đường.

Cũng tại họp báo, ông Hùng cũng thừa nhận việc phát triển nóng về đô thị thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy. Đơn cử như ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn, ở âu thuyền Thọ Quang là những điển hình về vấn nạn ô nhiễm môi trường mà Đà Nẵng đang phải đối diện.

Ông Hùng cho biết, Đà Nẵng đang thực hiện các dự án cải tạo hệ thống nước thải ven bờ biển, đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom dọc tuyến đường 2/9 để chấm dứt tình trạng rò rỉ nước thải ra sông Hàn.

"Hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn nào để công nhận thành phố môi trường. Nhưng Đà Nẵng mong muốn đề án lần này đặt nền tảng cho một đô thị sinh thái, nơi mà người dân cảm nhận được chất lượng không khí luôn trong lành, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, đa dạng sinh học được gìn giữ", ông Tô Văn Hùng nói.

Liên quan đến một số dự án lấn sông, lấn biển dư luận quan tâm, ông Hùng cho biết, trong điều chỉnh quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt, dự án công viên ở Sơn Trà thành công viên chuyên đề đã được điều chỉnh và không còn phần lấn biển.

Riêng 2 dự án lấn sông Hàn, thời gian tới thành phố sẽ thuyết phục các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, giữ lại đất trồng cây xanh để làm mềm lại cảnh quan dọc hai bờ sông. Kết quả cuộc thi quốc thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn trước đây đã được tích hợp vào bản điều chỉnh quy hoạch của thành phố vừa được thông qua.