Đại bàng, kỳ lân và siêu ứng dụng

Tùng Lâm - 06:32, 06/02/2022

TheLEADERDù đã chính thức trở thành một startup Kỳ lân, nhưng đại diện MoMo vẫn muốn là một chú đại bàng - xây dựng hình tượng kiêu hãnh, mạnh mẽ, có sức sáng tạo - đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam quật cường.

Đại bàng, kỳ lân và siêu ứng dụng
Siêu ứng dụng MoMo

Vào những ngày cuối năm 2021, MoMo chính thức hoàn thành vòng gọi vốn Series E, khi kêu gọi được khoản đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.

Với mức định giá vượt mức 2 tỷ USD, MoMo trở thành Kỳ lân (các startup định giá trên 1 tỷ USD) công nghệ tiếp theo của Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và Phó chủ tịch MoMo khẳng định, hành trình này mới chỉ là điểm bắt đầu, và chú đại bàng MoMo vẫn đang bay cao sải cánh với tầm nhìn một siêu ứng dụng.

Thành Kỳ lân rồi, MoMo có còn muốn được gọi là đại bàng không, thưa ông? Vì có vẻ Kỳ lân thì rực rỡ hơn đại bàng?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Kỳ lân là một con vật thú vị, tượng trưng cho sự hiếm có, khác biệt và mang tính hoàn mỹ. Còn đại bàng thì gần gũi với người Việt Nam hơn, và ai cũng biết con đại bàng trông như thế nào.

Kỳ lân và đại bàng là hai hình tượng khác nhau. Trong khi Kỳ lân thường chỉ xuất hiện trong thời khắc tốt đẹp, thì đại bàng thường tung cánh trên những miền đất khó khăn, để chinh phục sự thử thách. Do đó, chúng tôi cảm thấy hình ảnh đại bàng sẽ gần với MoMo hơn.

Từ những ngày đầu thành lập cách đây 15 năm, MoMo cũng vừa là người tiên phong, nhưng cũng vừa là người cô đơn trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Ngoài ra, ở đại bàng cũng có hai đặc tính rất giống với MoMo, đó là tầm nhìn xa và sự dũng cảm, tự tồn tại, tự chiến đấu một mình, tự mình làm tất cả mọi việc.

Phải chăng MoMo chọn hình tượng chú đại bàng vì những đặc tính này cũng chính là tính cách, văn hóa của người MoMo?

Ông Nguyễn Bá Diệp: (cười) Đúng vậy. Thực ra văn hóa ở MoMo đơn giản lắm. Nó hoàn toàn bắt nguồn từ công việc, chứ không phải những thứ cao siêu. Cụ thể là: sáng tạo; không ngừng học hỏi; tinh thần đồng đội; và thực thi xuất sắc.

Vì là một công ty công nghệ, tồn tại và phát triển nhờ đổi mới sáng tạo, nên giá trị đầu tiên của người MoMo là văn hóa đổi mới sáng tạo. Để đạt được sự sáng tạo, mỗi người sẽ phải liên tục học hỏi không ngừng.

Học xong thì anh phải làm và làm thật. Nhưng để làm được thì cần có đồng đội, có teamwork (làm việc theo nhóm – PV). Và teamwork xong thì phải làm đàng hoàng, có nghĩa là hoàn thành công việc xuất sắc.

Bên cạnh đó, vì là một công ty công nghệ, thành ra sự độc lập trong công việc ở MoMo là rất lớn. Tất cả các bộ phận được quyền độc lập với nhau, độc lập nghiên cứu, độc lập thực hiện, và mỗi người phải làm từ đầu đến cuối.

Giống như con đại bàng, tôi cho anh một khoảng trời để độc lập tác chiến, có tầm nhìn tốt, thì anh cần mang lại kết quả tốt và tự làm.

Một điều nữa, đại bàng thường sẽ thả con mình từ trên các vách đá để chúng tập bay. Những con nào mạnh mẽ, vươn cao được thì sẽ thành con đại bàng. Tương tự, các nhân sự MoMo đều phải cố gắng vươn lên. Khi còn là đại bàng con thì MoMo sẽ hỗ trợ, nhưng khi đến lúc, chúng tôi sẽ để các bạn tự bay.

Tự bay để trở thành đại bàng là một quá trình không đơn giản, làm thế nào để văn hóa này thấm nhuần vào từng nhân sự MoMo, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Chúng tôi có rất nhiều mô hình, từ offline tới online, các công cụ truyền thông nội bộ để duy trì văn hóa doanh nghiệp. Nhưng trực quan nhất vẫn là công việc.

Có một thực tế là điều chúng ta nói ra ngày một, ngày hai có thể quên. Còn điều gì chúng ta làm hàng ngày, thì điều ấy sẽ chảy thẳng vào máu và không thể quên được.

Chẳng hạn, khi chúng tôi đặt mục tiêu cần nâng cao trải nghiệm người dùng, sau nhiều cuộc thảo luận căng thẳng, nhiều đêm mất ngủ, đội ngũ phát triển công nghệ sản phẩm đã có quyết định rất táo bạo khi đưa ra khái niệm “trải nghiệm thanh toán trên MoMo phải đơn giản nhất, với chỉ một chạm và thời gian thực hiện thanh toán phải ngắn nhất, chỉ 2 giây”. Đây là một quyết định mang tính đột phá và để làm được điều đó, MoMo đã phải thay đổi gần như toàn bộ quy trình sản phẩm, nâng cấp hệ thống, phát triển lại các kết nối dịch vụ để đảm bảo tỉ lệ thành công của dịch vụ đạt mức độ gần như hoàn hảo. Như vậy, toàn bộ công ty sẽ cùng nhau hoàn thành mục tiêu ấy, phổ biến từ cấp lãnh đạo tới nhân viên. Bốn giá trị cốt lõi của MoMo liên tục được lặp lại mỗi ngày, thì những giá trị đó sẽ ngấm vào huyết quản mỗi người.

Ngoài ra, MoMo cũng tập trung vào các chi tiết rất nhỏ, nhằm làm thỏa mãn người dùng. Ví dụ, một người dân sẽ mất bao lâu để tải MoMo, hay một lần đăng nhập sẽ mất bao nhiêu giây… Đó là những con số rất nhỏ, nhưng để làm được những điều đó rất khó.

Thành ra MoMo được như ngày hôm nay bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé, làm với độ hoàn thiện rất cao, và tất cả mọi người sẽ tập trung vào những mục tiêu đó. Chúng tôi gọi đấy là những điều nhỏ bé vĩ đại.

Cứ như vậy, văn hóa công ty sẽ chảy qua công việc, liên tục lặp lại các quy trình, giá trị cốt lõi nên khó có thể quên. Còn ai mà quên, thì đó chắc… không phải người MoMo.

Đại bàng, kỳ lân và siêu ứng dụng
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập và Phó chủ tịch MoMo

Vậy lỡ có ai đó quên, MoMo sẽ ứng xử ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Bản chất văn hóa MoMo sẽ luôn xoay quanh bốn giá trị cốt lõi tôi đã nêu và công ty sẽ luôn tạo cơ hội cho các nhân sự phát huy tối đa điểm mạnh của mình.

Trong trường hợp, một nhân sự nào đó không theo kịp công việc, thì họ bắt buộc phải ở lại thôi. Vì đại bàng được huấn luyện để bay. Nếu bạn không bay được, thì đó là chuyện ai cũng hình dung ra.

Tôi cho rằng, chuyện nhân sự phù hợp hay không phù hợp ở các doanh nghiệp là điều rất bình thường. Bất kì công ty nào muốn đi xa, đi dài, thì buộc phải lựa chọn những người thực sự phù hợp, trải qua nhiều khóa huấn luyện dài kỳ để trưởng thành.

Với những người chưa phù hợp với công ty, chúng tôi gọi là “Tốt nghiệp MoMo” để tìm những bến đỗ khác. Ban đầu họ nghĩ mình là đại bàng, nhưng qua thực tế họ có thể là những con sói, con cọp, và đó là điều hết sức bình thường.

Và cũng có những trường hợp, ban đầu nhân sự ra đi vì nghĩ mình chưa phù hợp. Nhưng sau đó, họ lại quay về với MoMo với tâm thế thực sự thoải mái, vì chúng tôi luôn chào đón những “chú đại bàng” quay về. Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm việc xuất phát từ trái tim và sự nhiệt huyết thì sẽ luôn đem lại kết quả tốt.

Nếu được chọn một dấu ấn 2021, ông sẽ nói gì về MoMo?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Năm 2020, chúng tôi mới nhắc tới khái niệm siêu ứng dụng, thì năm 2021 đã trở thành siêu ứng dụng, với hơn hàng trăm tiện ích. Như vậy, có thế nói MoMo là đơn vị đầu tiên thực sự triển khai thành công siêu ứng dụng ở Việt Nam.

MoMo giúp người dân thanh toán, mua sắm, giao dịch, sử dụng dịch vụ tài chínhngay cả trong thời gian bệnh dịch. Hai năm gần đây, mỗi năm chúng tôi có thêm 10 triệu người dùng mới, con số hơn 31 triệu người dùng đã chứng tỏ MoMo thực sự mang đến sự tiện ích cho người dân.

Với người tiêu dùng thông thường, ngoài giúp họ chi tiêu hàng ngày với mức giá tiết kiệm, MoMo kết hợp với các tổ chức tài chính, bằng công nghệ, giúp họ tiếp cận thêm các dịch vụ tiện ích như các khoản vay nhỏ. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi giúp họ triển khai thanh toán và quản lý bán hàng trực tuyến, tiếp tục kinh doanh ngay trong dịch bệnh.

Đặc biệt, thời gian qua, trong khi nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thì MoMo đã liên tục tuyển mới. Thú thật, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nhân sự cấp cao của công ty tôi chỉ mới gặp qua Zoom, chứ chưa được gặp mặt bao giờ (cười).

Ông có thể chia sẻ rõ nét hơn về định hướng siêu ứng dụng MoMo?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Năm 2020, MoMo tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Năm 2021 là siêu ứng dụng. Còn năm 2022, MoMo sẽ tập trung vào hai mục tiêu. Đầu tiên là cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số một cách dễ dàng. Thứ hai là mở rộng các dịch vụ tài chính tới người dân thông qua việc kết hợp cùng các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tăng tính tiện dụng, hữu ích trên MoMo.

Chẳng hạn với một người dân sử dụng Ví Trả Sau trên MoMo, toàn bộ thủ tục chỉ mất chừng 2 phút. Việc rút ngắn thời gian, điện tử hóa các thủ tục vay tiền là một nỗ lực rất lớn đến từ MoMo, cũng như các đối tác trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng tôi còn hoàn thành Điểm Tin Cậy MoMo - là thước đo sự hiểu biết và độ tin cậy của MoMo về người dùng, được tính toán và xử lý bằng trí tuệ nhân tạo. Từ đó, giúp đỡ những người dân không có thu nhập ổn định, có dữ liệu tài chính hay điểm tin cậy MoMo tiếp cận được thêm các dịch vụ tài chính phù hợp.

Đại bàng, kỳ lân và siêu ứng dụng 1
Không gian làm việc tại Momo

Liên tục giải các bài toán khó trên hành trình xây siêu ứng dụng, ban lãnh đạo MoMo đã làm gì để thu hút và giữ chân các nhân tài, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã mong muốn sử dụng công nghệ để giúp người dân tiếp cận một cách đơn giản, dễ dàng với dịch vụ tài chính với chi phí thấp, từ đó mang lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn.

Về mặt ý chí, chúng tôi mong muốn mời gọi các nhân tài người Việt để cùng xây dựng một sản phẩm công nghệ có tầm ảnh hưởng đến xã hội, mang lại giá trị hữu ích cho cuộc sống của người dân, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia công nghệ nước ngoài đang hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Đến hiện tại, MoMo đã phần nào hiện thực hóa được hai mục tiêu đó, với một sản phẩm hơn 31 triệu người tin dùng, được xây dựng bởi 100% các kỹ sư Việt Nam. Thời gian qua, chúng tôi đã kêu gọi được rất nhiều nhân tài không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Môi trường làm việc độc lập, tự do nghiên cứu và mục tiêu thách thức, khẳng định trí tuệ Việt chính là 2 yếu tố thu hút được các nhân tài như vậy. Tôi vẫn thường nói vui với các anh em, là chúng ta hãy làm hết mình, để sau này có chuyện kể lại cho con cháu, rằng chúng ta, những người Việt Nam đã làm được những điều phi thườngnhư thế.

Hiện tại, rất nhiều các lãnh đạo của MoMo từng học tập và làm việc ở các công ty nước ngoài lâu năm, theo học các trường lớn như Chicago, Harvard, Yale, Stanford, Oxford… Qua đó, MoMo cũng học hỏi và xây dựng được môi trường làm việc cởi mở, thân thiện và sáng tạo, giúp cho các nhân tài phát triển.

Như vậy, khẩu vị nhân sự của MoMo sẽ là các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và đào tạo được, hay nhân tài có trình độ cao và danh tiếng?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Tôi cho rằng, MoMo cần cả hai nhóm nhân sự này. Bởi có những lĩnh vực, để bạn trở thành một chuyên gia có thể sẽ mất tới 10 - 15 năm, nên buộc có những vị trí cần các chuyên gia, đã có kinh nghiệm dày dặn.

Bù lại, không ai hiểu MoMo bằng chính các nhân sự nội tại của MoMo. Những nhân sự cấp cao có thâm niên sẽ như những chú đại bàng trưởng thành, truyền lại kinh nghiệm cho những chú đại bàng con, giúp các nhân sự mới tập bay và tiến nhanh trên nấc thang công việc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất thích các tài năng trẻ, mới ra trường. Với họ, mọi thứ đều rất mới và nếu được hướng dẫn tốt sẽ phát triển rất nhanh. Bằng chứng là rất nhiều bạn trẻ 9x đã là trưởng phòng, hoặc giám đốc của các bộ phận quan trọng.

Ông từng có lần chia sẻ, đại bàng thường cô đơn? Vậy có phải vì sợ cô đơn, nên MoMo đã thu hút rất nhiều nhân tài, cũng như sáng lập nên quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp?

Ông Nguyễn Bá Diệp: Tất cả những người làm công việc tiên phong, chinh phục, sáng tạo, thì họ thường phải là người đi đầu tiên, đi hướng riêng, nên sẽ ít có bạn đồng hành.

Tôi tin rằng, khi MoMo đã xác định mình là một chú đại bàng, thì chúng tôi phải có trách nhiệm với vùng đất của mình. Do đó, MoMo mong muốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp với hệ sinh thái của MoMo để giúp họ đi đúng đường, phát triển nhanh chóng.

Khi được kết nối với một hệ thống lớn như MoMo về mặt công nghệ, khách hàng, dữ liệu lớn, các doanh nghiệp trẻ này hoàn toàn có thể trở thành đại bàng.

Đất nước Việt Nam muốn hùng cường, thì cần hàng nghìn con đại bàng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, MoMo có thể đóng góp một phần trong việc hỗ trợ và đào tạo ra những chú đại bàng trong tương lai, cùng chung tay giúp đất nước phát triển, và bước lên những tầm cao mới.

Xin chân thành cảm ơn ông!