Đằng sau vị thế ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam của OCB

Trần Anh - 15:18, 12/10/2020

TheLEADERDù được đánh giá cao về chất lượng lợi nhuận và khả năng quản trị, song hoạt động của OCB vẫn không thoát khỏi cái bóng của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn.

Danh sách 10 ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố mới đây vinh danh Ngân hàng Phương Đông (OCB) ở vị trí thứ 4, xếp trên cả những ngân hàng đầu ngành như Vietcombank, Vietinbank, VIB hay VPBank.

Trong danh sách này OCB được nhận định là một trong 3 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II vào cuối năm 2018. Xét về quy mô lợi nhuận tuyệt đối, OCB chỉ đứng thứ 11 trong hệ thống nhưng hiệu quả hoạt động thuộc nhóm dẫn đầu xét theo các tỷ lệ ROE, ROA, các chỉ số kiểm soát rủi ro ở mức độ tốt.

Phương pháp xác định hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được xây dựng dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019, với 10 tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động và rủi ro ngân hàng như ROE, ROA, NIM, CIR, NPL, CAR, LLR và tăng trưởng tín dụng. 

Dựa vào điểm số, các ngân hàng sẽ được xếp hạng theo thứ tự từ trên xuống dưới theo mức độ hiệu quả và kiểm soát rủi ro. Tiếp theo, các ngân hàng được đánh giá định tính về chất lượng quản trị và sự phát triển bền vững để chọn ra 10 cái tên được công bố.

Điểm sáng của OCB đó là đẩy mạnh mô hình ngân hàng hợp kênh (OCB omni), bước phát triển cao hơn công nghệ đa kênh vời điểm khác biệt là giúp khách hàng trải nghiệm dịch vụ liền mạch, bất kể người dùng đang giao dịch ở kênh thay thiết bị nào.

Thành lập năm 1996, hiện OCB do doanh nhân Trịnh Văn Tuấn, cựu du học sinh Đông Âu lãnh đạo. Ông trở thành chủ tịch ngân hàng này từ năm 2011. Cuối năm 2019, OCB đã chọn cổ đông chiến lược là Aozora Bank (Nhật Bản), sở hữu 15% cổ phần OCB thay thế ngân hàng BNP Paribas, cổ đông chiến lược thoái vốn khỏi OCB năm 2018.

Đầu tháng 10, OCB đã gửi hồ sơ lên HOSE để chuẩn bị niêm yết trên hơn 876 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị thị trường theo mệnh giá là 8.767 tỉ đồng, bằng với số vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng.. 

Dù được Forbes đánh giá cao về chất lượng lợi nhuận và khả năng quản trị, song hoạt động của OCB vẫn không thoát khỏi cái bóng của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn.

Đằng sau vị thế ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam của OCB
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB

Ngày 24/9 vừa qua, OCB ghi nhận tài sản đảm bảo là 2.268.000 cổ phiếu do Công ty Quốc Lộc Phát phát hành thuộc sở hữu của Công ty Tư vấn Đầu tư Hướng Việt (Công ty Hướng Việt). Tài sản đảm bảo trên nằm trong số lượng 8.600.000 cổ phiếu đang được đảm bảo cho nghĩa vụ của Công ty Hướng Việt và hai các nhân khác tại OCB.

Đây không phải lần đầu tiên OCB tiếp nhận cổ phiếu Công ty Quốc Lộc Phát tài sản đảm bảo của Công ty Hướng Việt. Dữ liệu từ đăng ký giao dịch bảo đảm cho thấy từ đầu năm 2020, OCB đã nhận thế chấp hàng chục triệu cổ phiếu Công ty Quốc Lộc Phát từ Công ty Hướng Việt.

Nhiều lô cổ phiếu trong số này vừa là tài sản đảm bảo nghĩa vụ của Công ty Hướng Việt đồng thời đang được thế chấp đảm bảo nghĩa vụ của một số công ty khác như Công ty  Bất động sản Hướng Việt, Công ty Đầu Tư Việt Liên Á Phú Hưng và một số cá nhân khác tại OCB.

Công ty Quốc Lộc Phát hiện là chủ đầu tư dự án The Metropole Thủ Thiêm. Đây là một trong những dự án đẹp nhất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, tổng diện tích khoảng 7,6 ha với mức đầu tư 7.300 tỷ đồng, còn Hướng Việt là cổ đông lớn của công ty này.

Người đại diện pháp luật kiêm cổ đông lớn của Công ty Hướng Việt là ông Cao Quế Lâm, em vợ của chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn.

Bản thân Công ty Hướng Việt trước đây từng giữ vai trò cổ đông của OCB nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng này. Năm 2015 – 2016, Công ty Hướng Việt còn cầm cố hơn 15 triệu cổ phiếu OCB tại ngân hàng Nam Á để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Ngoài cổ phiếu Công ty Quốc Lộc Phát, trong quá khứ Công ty Hướng Việt còn cấm cố nhiều cổ phiếu công ty khác do mình sở hữu làm tài sản đảm bảo tại OCB.

Cụ thể, năm 2014, Công ty Hướng Việt đã cầm cố 6 triệu cổ phiếu Nam Long làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 87 tỷ đồng tại OCB. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB được bầu vào HĐQT của Công ty Đầu tư Nam Long từ năm 2015 đến 2018.

Tại Công ty Sợi Thế Kỷ, Công ty Hướng Việt đang sở hữu gần 20% cổ phần, tương đương hơn 14 triệu cổ phiếu STK. Giữa năm 2018, Hướng Việt từng thế chấp 12 triệu cổ phiếu tại OCB để đảm bảo các khoản vay. Vợ ông Tuấn, bà Cao Thị Quế Anh hiện là thành viên HĐQT của Công ty Sợi Thế Kỷ.

Năm 2016, Công ty Hướng Việt chi ra 90 tỷ đồng để mua vào 9 triệu cổ phiếu công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) qua đó nắm giữ 60% cổ phần và trở thành chủ sở hữu công ty này. Gần đây, OCB đã thực hiện 3 thương vụ mua trái phiếu các công ty bất động sản gồm, Công ty Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành), Tập đoàn FLC và Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng và đều qua đại lý là VISecurities.